Lương "lao dốc", nhân viên y tế bệnh viện hạng 1 cay đắng nghỉ việc

Biên Thùy

(Dân trí) - "Bây giờ, tôi chỉ còn lương cơ bản và thu nhập tăng thêm được 5 triệu đồng, quá thấp rồi" - nam nhân viên y tế Bệnh viện Thành phố Thủ Đức nêu lý do sau khi nộp đơn xin nghỉ việc.

Cuối tháng 11/2021, Sở Y tế TPHCM công bố một thống kê đáng buồn khi chỉ trong 10 tháng mùa dịch Covid-19, có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Người lao động nghỉ việc có xu hướng tăng nhẹ ở một số bệnh viện và tuyến trạm y tế. Các nguyên nhân được thống kê là do hoàn cảnh gia đình, yếu tố cá nhân…

Cơ quan chức năng nhận định, với đặc thù của ngành y tế TPHCM, nếu y bác sĩ không làm việc ở cơ sở y tế công lập, họ có thể xin ra làm ở hệ thống y tế tư nhân.

Sau 4 tháng kể từ thời điểm trên, dù địa phương đã có những chính sách nhằm giữ chân và thu hút nguồn nhân lực, nhưng tình trạng y bác sĩ xin nghỉ việc vẫn ồ ạt vẫn diễn ra.

Mắc Covid-19 là… đói

"Không có bệnh viện tư nào mời tôi về làm cả, mà thu nhập ở đây quá thấp rồi", anh M., điều dưỡng tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (bệnh viện đa khoa tuyến quận hạng một đầu tiên trên cả nước) chia sẻ. Anh M. mới nộp đơn xin nghỉ việc và đã được cấp trên phê duyệt.

Lương lao dốc, nhân viên y tế bệnh viện hạng 1 cay đắng nghỉ việc - 1

Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Biên Thùy).

Chia sẻ về quyết định rời bỏ nơi đã gắn bó, cống hiến lâu nay, anh M. không khỏi chạnh lòng. Nam điều dưỡng cho biết, cách đây 2 năm, lương của anh trên 10 triệu đồng, ngoài ra còn có các khoản thưởng tăng thêm khác. Khi dịch bệnh ập đến, áp lực công việc tăng lên nhưng lương thì lại "quay đầu", lao dốc.

Đến tháng 12/2021, anh mắc Covid-19. Việc phải cách ly điều trị vài tuần khiến anh M. bị cắt thu nhập tăng thêm trong tháng. Nghe thông tin y bác sĩ nhiễm bệnh khi làm nhiệm vụ sẽ có chế độ hỗ trợ, anh M. đã làm hồ sơ giấy tờ nhiều lần, nhưng đến nay tiền vẫn không thấy đâu.

"Bây giờ, tôi chỉ còn lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, được tổng cộng 5 triệu đồng. Có người khác còn thấp hơn. Ai không may bị Covid-19 thì tháng đó chỉ còn lương cơ bản…" - nam nhân viên y tế cay đắng chia sẻ.

Theo anh M., các đồng nghiệp của anh tại khoa Truyền máu - Huyết học cũng trong tình trạng "làm nhiều, ăn ít", nên hầu hết mọi người đều xuống tinh thần, làm việc với tâm thế mệt mỏi. Hệ quả tất yếu của việc thu nhập "lao dốc" là việc nhân sự tìm đường tháo chạy. Từ chỗ có hơn 40 y bác sĩ, giờ đây khoa chỉ còn 18 người.

Lương lao dốc, nhân viên y tế bệnh viện hạng 1 cay đắng nghỉ việc - 2

Bệnh viện TP Thủ Đức thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát mạnh (Ảnh: Biên Thùy).

Riêng với anh M. dù đã được chấp thuận đơn nghỉ việc nhưng theo quy định, đến giữa tháng 5 mới được rời bệnh viện làm ở đơn vị khác. Từ giờ đến thời điểm đó, anh phải ráng "gồng mình" sống với mức thu nhập thấp thê thảm.

Làm tròn trách nhiệm chống dịch mới ra đi

Còn chị P. - nữ kỹ thuật viên gây mê của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã chính thức nghỉ việc từ tháng 3. Chị chia sẻ, bản thân đã muốn xin nghỉ từ lâu nhưng vì thấy dịch bệnh còn phức tạp nên vẫn thấy áy náy, cứ nấn ná mãi. Chỉ đến khi mọi thứ đã dần trở lại bình thường, dịch được kiểm soát, chị P. mới yên tâm rời đi, sau khi đã cùng các đồng nghiệp vào sinh ra tử ở các "chiến trường" Covid-19.

Lương lao dốc, nhân viên y tế bệnh viện hạng 1 cay đắng nghỉ việc - 3

Thu nhập giảm mạnh, công việc áp lực là lý do mà nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc (Ảnh: Biên Thùy).

Theo chị P., ngoài thu nhập thấp thì công việc quá vất vả, trực đêm nhiều, không có thời gian cho gia đình cũng là lý do mà chị muốn thay đổi môi trường. "Trước đây, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức có lương tương đối tốt nhưng thời gian qua đã bị sụt hơn 40%" - chị P. nói.

Trao đổi về vấn đề trên, lãnh đạo Bệnh viện Thành phố Thủ Đức không phủ nhận có tình trạng nhiều nhân viên nơi này xin nghỉ việc thời gian gần đây. Bệnh viện dù động viên nhân sự ở lại, cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn nhưng nếu y bác sĩ đã quyết định xin nghỉ thì đơn vị sẽ giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhân viên.

Đại diện bệnh viện cho rằng, dù có dịch bệnh hay không thì việc biến động nhân sự là chuyện bình thường, thời điểm nào cũng có. Mọi trường hợp xin nghỉ đều được phê duyệt theo đúng quy trình, có sự đồng ý của lãnh đạo khoa, ban chấp hành công đoàn...

"Ai cũng đòi nghỉ hết, ai sẽ là người làm?"

Chị Châu (tên đã thay đổi), điều dưỡng thuộc biên chế Bệnh viện quận Bình Tân (TPHCM) chia sẻ với PV Dân trí, trước khi có dịch Covid-19, thu nhập hàng tháng của chị khoảng 13 triệu đồng và sau mỗi kỳ lương, bệnh viện đều có thông báo các khoản chi cụ thể qua thư điện tử. Đến tháng 4/2021, lương và thu nhập tăng thêm của chị vẫn còn tổng cộng 12 triệu đồng/tháng.

Sau thời gian tham gia chống dịch tại khu điều trị Covid-19, chị được chuyển khoa, một tuần có 2 ngày phải trực 24/24. Tuy nhiên lúc này, cả lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng của nữ điều dưỡng chỉ còn hơn 8 triệu đồng. Bệnh viện cũng không còn gửi bảng lương chi tiết nữa. Phải ở nhà trọ, giá xăng tăng kéo theo các chi phí sinh hoạt bị đội lên, cuộc sống của chị thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

"Tôi thật sự yêu nghề y. Đã chấp nhận bước vào ngành thì biết sẽ vất vả và đồng lương thấp rồi. Nếu ai cũng thấy ít tiền mà đòi nghỉ hết thì ai sẽ là người làm. Các đồng nghiệp làm hợp đồng, lương chỉ được hưởng 80% so với biên chế, còn thấp hơn tôi nhiều…"- chị Châu chia sẻ lý do vẫn cố "bám trụ" bệnh viện.