DNews

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... "nhà công an"

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đói nghèo, tạm bợ khiến người dân các huyện miền Tây Nghệ An thiếu động lực giảm nghèo. Những "căn nhà công an" đã giúp họ an cư, ổn canh, yên tâm phát triển kinh tế, góp phần giữ bình yên biên giới.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... "nhà công an"

Ngàn mái nhà ấm tình biên giới:

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... "nhà công an"

Đói nghèo, tạm bợ khiến người dân các huyện miền Tây Nghệ An thiếu động lực giảm nghèo. Những "căn nhà công an" đã giúp họ an cư, ổn canh, yên tâm phát triển kinh tế, góp phần giữ bình yên biên giới.

Căn nhà neo giữ mái ấm gia đình

Nằm ở độ cao 1.900m so với mực nước biển, có đỉnh Phuxailaileng cao 2.720m được mệnh danh "nóc nhà của Nghệ An", Na Ngoi là một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo Kỳ Sơn. Toàn xã có 19 bản thì có tới 17 bản người Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào làm rẫy, trồng rừng, khai thác lâm sản phụ, đời sống hết sức khó khăn.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 1

Đảng ủy, chính quyền và Công an xã Na Ngoi tham gia dựng nhà cho người dân.

"Xã Na Ngoi được phân bổ 124 căn nhà của Bộ Công an. Trên cơ sở bình xét các tiêu chí một cách khách quan, có 103 hộ người Mông, 13 hộ người Khơ mú và 8 hộ người Thái được hỗ trợ nhà lắp ghép. Với 124 căn nhà này, cùng 13 căn do các tổ chức chính trị, xã hội khác hỗ trợ, xã cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà tranh tre. Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã "ghé vai" gánh vác phần san đất, đổ nền, hiện đơn vị thi công đang hoàn thiện những căn nhà cuối cùng. Bà con nhân dân hết sức phấn khởi, gọi đây là những căn nhà đoàn kết, nhà hạnh phúc. Những căn nhà khung thép này không chỉ giúp người dân an cư, ổn canh, mà còn góp phần hàn gắn hạnh phúc gia đình", Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi Vừ Bá Lỳ phấn khởi.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 2
Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 3

 Ông Xồng Giống Trông sắp được chuyển từ căn nhà tạm bợ (bên trái) sang căn nhà kiên cố (bên phải).

Theo chân ông Lỳ và đoàn cán bộ chủ chốt xã Na Ngoi, chúng tôi đến thăm gia đình ông Xồng Giống Trông (trú bản Xiềng Xí), một trong 124 hộ nghèo được thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở. Căn nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. "Đây là căn nhà hàn gắn hạnh phúc đấy. Nhờ có nhà công an, ông Trông mới giữ được vợ", Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cười.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 4

"Nhờ có nhà công an cho mà giữ được vợ", ông Xồng Giống Trông khoe.

Nghe vậy, ông Xồng Giống Trông (60 tuổi) cười ngượng nghịu. Vợ chồng ông Trông lấy nhau gần 40 năm, có 8 mặt con. Nhà đông con, ông Trông lại hay rượu nên nhiều năm liền gia đình ông nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. 6 cô con gái lập gia đình riêng, vợ chồng ông Trông và 2 cậu con trai (8 và 11 tuổi) tá túc trong căn nhà nhỏ xíu, những tấm ván thưng quanh nhà hở hoác, mục nát, mùa đông gió lùa thông thống, phải lấy túi ni lông, quần áo rách bịt lại.

"Vợ mình bảo nghèo quá, khổ quá, đến cái nhà cũng không có mà ở nên bà ấy bảo bỏ nhau thôi. Bỏ xong rồi đấy, đồ đạc cũng chia xong rồi, nợ ngân hàng cũng chia đôi. Bà ấy bảo sẽ sang Lào làm công ty. Nhưng giờ công an cho nhà, bà ấy đồng ý quay lại rồi, không đi Lào nữa. Bên đó họ không cho nhà như mình đâu", ông Trông cười, phô hàm răng chỉ còn lơ thơ mấy cái. Cả đời ông, cuối cùng cũng có căn nhà đúng nghĩa. "Có nhà mới rồi, có sinh thêm con nữa không?", một vị cán bộ trong đoàn đùa. Ông Trông xua tay: "Không sinh nữa đâu. Vợ mình "ăn" thuốc tránh thai rồi. Có nhà rồi, phải lo mà làm ăn chứ".

An cư để vượt khó

Hôn nhân trắc trở, chị Lương Thị Phiêng (49 tuổi, trú bản Phương Tiến 2, xã Tiền Phong, Quế Phong, Nghệ An) đưa con gái 11 tuổi về nhà bố mẹ nương náu. Bố mẹ qua đời, để lại cho chị căn nhà cũ nát và người chị gái hơn 60 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối. Đất đai sản xuất ít, 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 đám ruộng lúa nước và khoản trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con của chị Phiêng. Nhìn căn nhà ván thưng mủn dần, đôi chỗ hở hoác có thể luồn cả bàn tay vào, chị không khỏi ngậm ngùi. Chị không lo cho thân mình, nhưng thương đứa con gái đang tuổi lớn và người chị đang chống chọi với bệnh tật co ro trong gió lùa mùa đông.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 5
Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 6

Người mẹ nghèo đơn thân không thể quên ngày hôm ấy, cán bộ xã, cán bộ bản, mấy anh công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên đến, giúp tháo dỡ căn nhà cũ, đào đất, đổ móng mới. Hai ngày sau, lại có một đoàn nữa đến dựng cột thép, lợp mái nhà. Chỉ 4 ngày, căn nhà lắp ghép kín đáo, vững vàng đã hoàn thành. Ngày 10/4, cả bản xúm lại, kê giường, kê bàn ghế, giúp mẹ con chị và người chị gái chuyển vào nhà mới ở. "Cả tháng trôi qua rồi mà tôi vẫn chưa dám tin mình có nhà mới để ở. Nửa đời người rồi, tôi mới có căn nhà lành lặn, kín trên, vững dưới như thế này", chị Phiêng xúc động.

Không chỉ có chị Phiêng mà đến thời điểm này, có 362 hộ nghèo tại huyện Quế Phong đã chuyển vào nhà mới ở, hơn 30 căn nhà khác đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 7

Trung tá Võ Văn Quỳnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) chia sẻ với phóng viên.

Từ trung tâm huyện Kỳ Sơn, chúng tôi vượt 50km đường đèo dốc đến xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An). Xã Mỹ Lý có 12 bản thì mới 3 bản trung tâm xã có điện lưới, 6 bản được phủ sóng viễn thông, tỉ lệ hộ nghèo của xã lên tới hơn 54,5%, hộ cận nghèo chiếm 17,3%.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 8

Nụ cười hy vọng của chị Lữ Thị Xuyên khi phần móng nhà đã được các tổ chức và bà con bản Yên Hòa làm giúp, sẵn sàng cho việc lắp nhà mới kiên cố, vững chãi.

"Địa hình chia cắt, trải rộng, giao thông đi lại khó khăn, cách trở nhưng chỉ trong vòng 7 ngày, chúng tôi đã hoàn thành 30 móng nền cứng. Khó khăn lớn nhất là địa hình không thuận lợi, muốn có mặt bằng đủ rộng để làm nền phải bạt núi. Giá cát xây dựng vào đây "đội" 3 lần so với ngoài thị trấn, chúng tôi phải huy động cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang xuống suối đãi cát, cõng vật liệu đến các bản. Bí thư, chủ tịch, trưởng các ban, ngành cấp xã trực tiếp cầm xẻng, bay cùng nhân dân làm nhà cho hộ nghèo", Thượng tá Võ Văn Quỳnh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý cho hay. Điều Thượng tá Quỳnh tâm đắc nhất là cùng với trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên, tinh thần cộng đồng đã được phát huy cao, tất cả chung tay vì mục tiêu hộ nghèo, hộ khó không phải sống tạm bợ, thiếu thốn.

Bản Yên Hòa (Mỹ Lý) được hỗ trợ 6 căn nhà, ban cán sự bản đã tập trung các hộ dân, trên tinh thần mỗi hộ "góp" ít nhất một lao động, chia làm 3 nhóm để cùng tổ công tác của xã san đất, đào móng, đổ nền. Cả bản như một công trường lớn, mọi người đều xem đây là việc chung, không phải là việc riêng của 6 hộ được thụ hưởng nhà, nhờ vậy, chỉ trong vòng một ngày, khối lượng công việc rất lớn đã hoàn thành.

Kỳ 2: Giữ được vợ nhờ... nhà công an - 9

Việc xây dựng nhà cho hộ nghèo trở thành trách nhiệm chung của cả cộng đồng, không còn là chuyện riêng của từng gia đình.

"Hôm đó công an, giáo viên, bà con trong bản đến giúp làm nền nhà, vui lắm", chị Lữ Thị Xuyên (bản Yên Hòa) vui vẻ khoe. Vợ chồng chị Xuyên sinh được 3 người con thì cậu con cả bại liệt bẩm sinh, 10 năm nay, gia đình tá túc trong căn nhà nhỏ đóng bằng gỗ tạp. Con lớn hơn, nhà lại cũ nát hơn nhưng một căn nhà đủ rộng, đủ chắc chắn đối với chị chỉ dừng lại ở niềm mơ ước. Đứng trước móng nhà bằng bê tông, chị rưng rưng khi Trung tá Hồ Ngọc Nghị - Trưởng Công an xã Mỹ Lý thông báo chưa đầy 10 ngày nữa chính quyền địa phương và đơn vị thi công sẽ lắp đặt hoàn chỉnh căn nhà để gia đình dọn vào ở.

Vợ chồng chị Xuyên nhặt nhạnh những thanh gỗ còn chắc chắn của ngôi nhà cũ để dựng một cái bếp nhỏ sát bên cạnh. "Cán bộ nói nhà này không như nhà sàn, phải nấu nướng bên ngoài. Có nhà ở, mong con bớt ốm đau để yên tâm mà đi làm rẫy, làm hộ nghèo mãi cũng ngại lắm", anh Vọng Văn Môn - chồng chị Xuyên nói.

                                                       Nội dung: Hoàng Lam

                                                      Ảnh: Hoàng Lam - Công an Nghệ An