Những thay đổi trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2026
(Dân trí) - Luật Việc làm sửa đổi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có hiệu lực từ 1/1/2026 với nhiều điểm mới trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Mở rộng diện đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)
Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung nhiều nhóm vào diện tham gia BHTN nhằm đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Cụ thể, lao động có giao kết hợp đồng xác định từ đủ một tháng trở lên thay vì ba tháng như hiện hành, tính cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Diện mở rộng còn áp dụng với người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Tùy thời kỳ, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHTN với những nhóm khác chưa trong diện đóng mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
Mức đóng tối đa 1%
Một trong những điểm mới của Luật Việc làm sửa đổi là tỷ lệ đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không cố định mỗi tháng 1% như hiện hành mà theo hướng tối đa 1%. Cụ thể, lao động đóng 1% lương tháng, chủ sử dụng lao động đóng tối đa 1% quỹ tiền lương tháng trên tổng số lao động đang tham gia BHTN, nhà nước hỗ trợ tối đa 1% từ ngân sách. Việc điều chỉnh theo hướng tối đa 1% là phù hợp, góp phần đối phó với những biến động của thị trường lao động và các tình huống bất ngờ như thiên tai, đại dịch, khủng hoảng kinh tế hoặc khi Quỹ kết dư lớn.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo linh hoạt khi thực hiện. Bởi quy định đóng tối đa không có nghĩa người lao động và chủ sử dụng tùy nghi lựa chọn mức đóng mà tỷ lệ này sẽ được Chính phủ quy định cụ thể và áp dụng với các nhóm tham gia.
Luật sửa đổi còn quy định trong tình huống cấp bách như khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định giảm mức đóng, hỗ trợ bằng tiền hoặc các hỗ trợ khác.
Quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHTN
Theo Luật Việc làm sửa đổi, với lao động khu vực công, tiền lương làm căn cứ đóng mỗi tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Với khu vực tư, căn cứ đóng là tiền lương tháng gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả. Việc quy định cụ thể hơn nhằm đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Tiền lương làm căn cứ đóng cao nhất bằng 20 lần lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng.
Lao động đang tham gia BHTN mà bị tạm giam, tạm định chỉ công việc thì hai bên tạm dừng đóng. Trường hợp lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì hai bên đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Bổ sung quy định về đăng ký và cơ sở dữ liệu lao động
Luật sửa đổi quy định về đăng ký lao động và cơ sở dữ liệu người lao động, được kết nối và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Thông tin đăng ký lao động gồm: Tên họ, số định danh cá nhân, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc; nơi ở hiện tại; trình độ gồm giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, chứng chỉ kỹ năng nghề và các chứng chỉ khác; tình trạng và nhu cầu về việc làm; nhóm thông tin về BHXH, BHTN; đặc điểm, đặc thù của người đăng ký.
Cơ sở dữ liệu về người lao động được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất toàn quốc theo quy định của pháp luật về dữ liệu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục, nơi đăng ký lao động, tiếp nhận, kết nối, chia sẻ và sử dụng cơ sở dữ liệu này.