Khi đàn bà là trụ cột gia đình

Phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn đàn ông, trở thành trụ cột gia đình ngày càng gia tăng, song phía sau thành công đó là nỗi đau đớn, tổn thương của người đàn bà đến từ bạn đời và định kiến xã hội.

Gần 7h tối, chị Lan, 44 tuổi, nặng nề bước ra khỏi tòa nhà văn phòng rực rỡ ánh đèn nằm tọa ngay giữa khu trung tâm Hà Nội trong cái rét chớm đông. Ngoài đường, nhiều phụ nữ kém hoặc bằng tuổi chị, đang cuống cuồng trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, lo toan sẽ nấu bữa cơm tối như thế nào, chăm chút tổ ấm ra sao. Nhưng chị Lan, vốn là trưởng phòng nhân sự của một công ty đa quốc gia, không muốn trở về ngôi nhà vốn đã nguội lạnh bấy lâu, dù cho hai con nhỏ của chị đang trông ngóng mẹ đi làm về.

Khi đàn bà là trụ cột gia đình - 1
(Ảnh minh họa)

Gần hai năm nay, vợ chồng chị không giao tiếp, mỗi khi nhìn thấy vợ, chồng chị lại hằm hè lườm nguýt hoặc mắng mỏ. Anh bằng tuổi chị, làm việc gần nhà cho một cơ quan nhà nước, thu nhập 12 triệu một tháng, chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại và vài chầu nhậu với bạn, còn mọi chi phí trong gia đình đều do người vợ đảm nhận. Tuy nhiên, về đến nhà, chị Lan vẫn phải tất bật cơm nước, chăm sóc, dạy dỗ con, làm việc nhà… đến tận nửa đêm mới được chợp mắt. Dù vợ là trụ cột gia đình, nhưng chồng chị không tôn trọng bạn đời, luôn chì chiết chị "đi sớm về muộn", không dành thời gian chăm con, chăm chồng, "chưa ngày nào nấu cho chồng bữa sáng", để người đàn ông phải ra ngoài "cơm đường cháo chợ". Ngược lại, thấy chồng không làm ra tiền nuôi vợ con, để người vợ phải nai lưng gồng gánh áp lực cơ quan - áp lực gia đình, chị đâm cáu bẳn, nhìn thấy chồng là hậm hực quát mắng. Từ đó, hôn nhân trở thành nấm mồ, nhiều lần chị Lan nghĩ đến ly hôn để giải thoát khỏi thực tại bức bối này.

Trường hợp chị Lan không còn hiếm trong những năm gần đây, khi phụ nữ ngày càng trở nên độc lập, tự chủ về tài chính, có công việc và sự nghiệp thăng tiến. Theo thống kê trên trang tin BBC, 30% phụ nữ Mỹ kiếm tiền nhiều hơn bạn đời của họ vào năm 2019, con số tương tự ở Anh là 26%. Tuy nhiên, do những định kiến văn hóa, xã hội, nhiều phụ nữ là trụ cột gia đình bị kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Như tại các xã hội Á đông gồm Việt Nam, Trung Quốc…, nền văn hóa mang ảnh hưởng Nho giáo quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, còn phụ nữ ở phía sau nuôi dưỡng, chăm sóc con cái, hỗ trợ sự nghiệp của chồng. Có những câu nói nổi tiếng truyền qua các thế hệ như "đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng người phụ nữ" hoặc "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Việc người đàn ông kiếm ít tiền hơn hoặc phụ thuộc vào phụ nữ là một tổn thương sâu sắc về lòng tự trọng, khiến nhiều ông chồng có cách hành xử thiếu yêu thương và xúc phạm vợ.

Còn tại các xã hội phương Tây, từ thần thoại Hy Lạp cho đến Hollywood, mô-típ quen thuộc cũng là đàn ông chịu trách nhiệm kiếm sống còn phụ nữ đảm đương vun vén tổ ấm. Những người vợ là trụ cột gia đình không phải hiện tượng hiếm hoi, song theo nghiên cứu năm 2017 của trường kinh doanh Harvard, trong gia đình mà người vợ làm chủ, nguy cơ ly hôn của cặp đôi này lên tới 50%. Một trong những lý do chủ yếu là sự không thoải mái trong mối quan hệ, khi người vợ đưa ra hầu hết các quyết định quan trọng do nắm quyền về kinh tế; còn người chồng cảm thấy không được sống đúng nghĩa với chất nam tính của mình. Ngoài ra, nhiều người có cảm giác lạc lõng, khủng hoảng trong cuộc hôn nhân của chính mình và tự đặt câu hỏi: "Nếu người chồng không thể chu cấp cho gia đình, thì vai trò của anh ta chính xác là gì?".

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi một người vợ kiếm được tiền từ chồng, anh ta có nhiều khả năng lừa dối hơn. Trên thực tế, khoảng 15% đàn ông trong một nghiên cứu của Tạp chí Xã hội học Mỹ, những người phụ thuộc tài chính 100% vào vợ của họ đã có chuyện ngoại tình. Đối với nam giới, sự phụ thuộc vào tài chính có thể là mối "đe dọa đặc biệt" đến lòng tự trọng - cái tôi của họ, dẫn đến hành vi phá hoại mối quan hệ và lừa dối là một cách củng cố lòng tự trọng hoặc thiết lập lại cảm giác nam tính của anh ấy. Ở Việt Nam, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi từng phân tích, để tránh bị vợ coi thường, nhiều đàn ông đã chứng tỏ mình bằng cách lao vào kiếm tiền, thậm chí đến với người phụ nữ khác yếu đuối hơn, ít tài giỏi hơn vợ và những người đó coi anh ta là "người hùng". "Chẳng thế mà có chuyện, có người vợ cái gì cũng giỏi, từ kiếm tiền, sửa xe đến lắp bóng đèn, thông vòi nước nên thấy chồng làm gì cũng chê, đã đẩy chồng đến với người đàn bà khác thua kém mình mọi mặt nhưng biết nhờ vả và ngưỡng mộ anh", bà Mùi nói.

Ở khía cạnh khác, theo một nghiên cứu ở Mỹ, khi người vợ là trụ cột chính trong gia đình, thì phần lớn phụ nữ (41%) vẫn đảm nhận vai trò chủ chốt trong công việc nội trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, khi người chồng là trụ cột chính trong gia đình, chỉ 14% làm việc nhà nhiều hơn vợ. Bản thân người vợ khi kiếm tiền nhiều hơn chồng cũng có tâm lý muốn bù đắp, bằng cách nỗ lực gấp đôi trong nội trợ, chăm sóc con cái.

Chính việc này đã tạo nên gánh nặng kép, khiến nhiều phụ nữ bị căng thẳng, stress, lo âu mãn tính, cảm thấy bất công, không chỉ gây tổn hại cho chính họ mà còn tác động tiêu cực lên gia đình. Như trường hợp chị Lan, đôi lúc chị ao ước giá như người chồng năng động, tích cực kiếm tiền, trở thành người trụ cột, để chị được lui về hỗ trợ phía sau. Nhưng chồng chị cảm thấy cuộc sống đã "đủ", không có nhu cầu thăng tiến. Trong khi cuộc sống gia đình 10 năm nay dựa trên mức thu nhập cao của chị, từ ở chung cư cao cấp, con cái học trường tư, ra ngoài ăn tối mỗi cuối tuần, du lịch hàng năm…

"Tôi đã trở thành nô lệ cho chính công việc và thu nhập của mình. Tôi không thể từ bỏ mức lương như hiện tại vì không muốn chính bản thân và con cái thiệt thòi", chị tâm sự và nói rằng đó là vòng luẩn quẩn khiến cuộc đời người phụ nữ tưởng như thành công nhưng bên trong thực sự khốn khổ.

Để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc hôn nhân mà người vợ làm trụ cột gia đình, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên, cặp đôi phải tạo được thói quen giao tiếp cởi mở, thẳng thắn ngay từ ban đầu. Lan Anh, chuyên gia tư vấn trung tâm Hope, chia sẻ: "Trao đổi về những kỳ vọng của nhau trong mối quan hệ là chìa khóa. Trong các cuộc hôn nhân, tôi nhận thấy kỳ vọng của người chồng là được vợ tôn trọng, coi anh ta là hòn đá tảng, chỗ dựa cho cả gia đình. Còn người vợ muốn được chồng yêu thương, có thể bất ngờ tán tỉnh, tặng quà như lúc còn son trẻ. Nếu hai người thấu hiểu được kỳ vọng của nhau, mọi xung đột sẽ được tháo nút", chị nói.

Mặt khác, chuyên gia khuyên người chồng không nên vì sự thất vọng và bất an về "chất nam tính" của mình để trút giận lên người vợ, còn người vợ cũng không nên khó chịu hay khó xử khi là trụ cột gia đình. Cả hai cá nhân phải nỗ lực để nhìn ra quan điểm của người kia và giao tiếp rõ ràng để trở thành một mặt trận đoàn kết, mạnh mẽ hơn.

Thứ hai, cặp vợ chồng nên quan niệm mọi đóng góp đều có giá trị, đặc biệt không nên đong đếm mọi thứ bằng tiền bạc. Như trường hợp chị Lan, chuyên gia đưa lời khuyên người phụ nữ nên nhìn vào khía cạnh tích cực của người chồng, dù không kiếm được thu nhập tương xứng với vợ, nhưng bản thân anh vẫn là người tốt, yêu thương, dạy dỗ con cái, không vướng vào các tệ nạn xã hội, chưa bạo hành hay phản bội bạn đời. Ngoài ra, chị Lan có thể giảm bớt áp lực bằng cách chọn công việc nhẹ nhàng hơn, dành nhiều thời gian cho bản thân, có thể giảm bớt chi tiêu như ăn hàng, du lịch, đồ hiệu… để chấp nhận cuộc sống "vừa đủ".

"Người biết đủ thì ở ngôi nhà hai tỷ đồng cũng đủ hạnh phúc chứ không cần phải ở nhà năm, sáu tỷ. Cuộc sống luôn luôn phải đánh đổi, bạn muốn một người đàn ông kiếm được nhiều tiền thì sẽ phải hy sinh anh ấy không dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, rồi nguy cơ ngoại tình, nhậu nhẹt... Hãy nhìn ra cái điểm tốt trong cái chưa toàn vẹn của nhau thay vì than thở, đòi hỏi", chuyên gia nói.

Một lời khuyên khác dành cho các ông chồng có vợ làm trụ cột là "hãy phớt lờ ý kiến thiên hạ" và vượt qua định kiến đến từ bản thân. Cho đến nay, việc phụ nữ gánh vác gia đình bị coi là "vấn đề" có gốc rễ từ sai lầm trong định kiến của xã hội. Do đó, việc người đàn ông vượt qua được định kiến này sẽ dẫn đến mối quan hệ bền chặt, yêu thương và tôn trọng.

Theo Minh Đức - Công an nhân dân