Hé lộ 104 trang nhật ký xúc động, đẹp mắt lưu lạc 56 năm ở Mỹ
(Dân trí) - Cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất có 104 trang, khắc họa chân dung người lính giải phóng qua các bài thơ, bài hát đi cùng năm tháng, thư gửi người thân và những trang vẽ đẹp mắt.
Ngày 9/2, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho hay cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được ảnh chụp toàn bộ các trang trong cuốn nhật ký đang được cựu binh Peter Mathews (77 tuổi, hiện sống tại bang New Jersey, Mỹ) lưu giữ.
Theo đó, cuốn nhật ký này có tổng cộng 104 trang, không phải 93 trang như thông tin ban đầu.
Nội dung cuốn nhật ký cho thấy chủ nhân là một chàng lính trẻ yêu đời, yêu thơ ca, nhạc họa. Anh sống đầy lý tưởng, kiên định tinh thần chiến đấu vì tổ quốc.
Xuất hiện nhiều nhất trong cuốn lưu bút là những bài thơ của Tố Hữu như Việt Bắc, Trên đường thiên lý, Ta đi tới, Người con gái Việt Nam... và các tác giả khác, ca ngợi quê hương đất nước, như Quê hương (Giang Nam), Nhớ con sông quê (Tế Hanh),...
Liệt sĩ Cao Văn Tuất cũng chép nhiều bài hát đi cùng năm tháng, có chủ đề tình yêu quê hương, đất nước.
"Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời/Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả/Vút phi lao gió thổi trên bờ;..." - đây là trích đoạn liệt sĩ Tuất chép lại lời quen thuộc trong bài hát "Việt Nam quê hương tôi" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, sáng tác khoảng năm 1`961.
Xen kẽ trong nhật ký là những trang vẽ, trang trí đẹp mắt, công phu, sáng tạo từ ý tưởng và bàn tay tài hoa của người lính trẻ.
Ngoài tính thẩm mỹ, một số hình vẽ đi kèm những khẩu hiệu, phương châm, lý tưởng sống: "Đảng là mẹ hiền, Tổ quốc trên hết, Thanh niên anh dũng tiến lên" hay "Tổ quốc hòa bình, Gia đình hạnh phúc"...
Lời dạy của Bác Hồ với quân đội cũng được người lính viết lại, trang trí trang trọng: "Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
"Tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những bức tranh, những dòng chữ chép tay của người lính Việt Nam. Tôi tự nhủ với bản thân mình rằng: "Chúa ơi, phải có cách nào đó để tìm được chủ nhân của cuốn nhật ký này. Anh ấy đã tạo ra một "tuyệt phẩm" và tôi muốn toàn thế giới được chiêm ngưỡng nó", cựu binh Peter Mathews từng chia sẻ cảm nhận như thế về cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất.
Trong cuốn sổ, người lính giải phóng cũng thể hiện sự nhớ thương và lời nhắn gửi đến gia đình, mẹ, em gái và người yêu. "Anh biết rồi sẽ phải xa em/Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sĩ/Giải phóng quân chiến đấu vì dân/Lúc này, Đảng, Tổ quốc đang cần/Thì em ạ! Tình riêng đành đôi ngả...", một đoạn trong trang viết có tên "Xa em".
Trong một số trang giống như bức thư dài, anh nhắn nhủ: "Còn anh luôn trau dồi công tác; luyện tập cầm chắc tay súng...; ngày mai hết chuyện chiến tranh; Bắc - Nam thống nhất thì anh trở về".
Trang cuối của cuốn sổ được người lính trẻ, để lại thanh xuân nơi chiến trường ký ngày 24/11/1966, là một ngày cuối năm, sát Tết. Trong trang này, anh như muốn nhắn nhủ đến người mẹ ở hậu phương: "Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ; Trời đã khuya, gió nhè nhẹ từng cơn;... Chúc mẹ khỏe hơn xưa mẹ nhé; Mẹ đừng trông em (con); Ở nơi đây, cháo chè, bánh Tết cũng đầy tình thương;".
Sau nội dung này là những trang giấy trắng vẫn còn đó nhưng dòng nhật ký mãi bỏ ngỏ...
"Cảm xúc đầu tiên của tôi khi nhặt được cuốn nhật ký là choáng ngợp. Tôi hiểu được rằng chủ nhân của cuốn nhật ký này là một con người tài năng. Tôi cho rằng đây không hẳn chỉ là một cuốn sổ ghi chép thông thường, mà nó nên được gọi là một "tác phẩm nghệ thuật" với rất nhiều hình vẽ và bài thơ tuyệt đẹp. Tôi tự nhủ người lính này đã chiến đấu đến cùng vì lý tưởng của mình. Nếu chiến tranh không xảy ra, anh ấy có lẽ đã trở thành một họa sĩ hoặc nhà văn tài năng", cựu binh Peter Mathews chia sẻ trong bài phỏng vấn của Dân trí.
Một lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ: "Cuốn nhật ký khắc họa một thời chiến tranh, bão lửa của đất nước. Qua đó còn cho thấy lòng lạc quan, yêu đời của người lính trẻ, dù cận kề sống chết nhưng luôn có lý tưởng, trách nhiệm với quê hương, đất nước".
Nội dung: Dương Nguyên
Ảnh: Đặng Huyền (bang New York, Mỹ).