DMagazine

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam!

(Dân trí) - Sau hơn nửa thế kỷ lưu giữ, 1 tháng tìm kiếm và 24 giờ trên chuyến bay từ Mỹ đến Việt Nam, cựu binh Peter Mathews sắp hoàn thành việc trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất...

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: "Giờ tôi đã có thể về nhà và nói những điều tốt đẹp tại Việt Nam"

Sáng 4/3, ông Peter Mathews cùng vợ - bà Christine Mathews bước xuống chiếc máy bay hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Lần đầu trở lại Việt Nam sau 56 năm khiến cựu binh Mỹ bật khóc. Bởi lẽ trong ngần ấy thời gian, ký ức chiến tranh đã để lại cho người cựu binh già những di chứng tâm lý.

Và giờ đây, việc mang kỷ vật của liệt sĩ Cao Văn Tuất về Việt Nam, tận tay trao trả thân nhân người lính Việt là hành động vừa mang lại ý nghĩa, sự an ủi lớn với gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký, khép lại quá khứ, đồng thời mở ra hướng hóa giải nỗi ám ảnh chiến tranh với Peter.

"Không ít người Việt Nam đã nhận ra tôi"

 - Chào ông Peter Mathews, lần đầu trở lại Việt Nam từ sau thời gian tham chiến ở Tây Nguyên, cũng là lần đầu đến TPHCM, có thể hiểu trong ông, lần trở về này hẳn là không ít nỗi niềm?

- Tôi khá mệt vì phải ngồi máy bay suốt 24 tiếng đồng hồ, nhưng cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái.

Bạn biết không? Trước chuyến đi này, tôi cùng vợ đã có nhiều đêm thức giấc. Ngay cả khi ngủ chúng tôi cũng luôn nghĩ về nó, nói về nó.

Giờ thì tôi nhận ra mình thực sự đang ở Việt Nam rồi, trong một tình huống, một tâm thế khác 50 năm trước. Tôi rất nhẹ lòng khi nhìn người Việt được sống trong hòa bình, mọi thứ đang phát triển nhanh chóng. Tôi cũng bất ngờ khi trên chuyến bay hôm qua, không ít người Việt từ San Francisco về nước nhận ra tôi.

Có lẽ sau chuyến đi này, tôi nghĩ mình đã có thể trở về nhà, đóng cánh cửa, khép lại quá khứ và bắt đầu nói về những điều tốt đẹp ở đất nước này, thay vì chiến tranh.

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam! - 1

Ông Peter đã bật khóc khi thấy được cảnh hòa bình ở Việt Nam cũng như sự đón tiếp nồng hậu của con người nơi đây (Ảnh: Nam Anh).

- Để có thể thực hiện hành trình này, ông và gia đình đã chuẩn bị những gì? 

- Thú thật, tôi không có sự chuẩn bị nào cả đâu. Chỉ đơn giản là chúng tôi muốn đi nên xác định dù có vui, hạnh phúc hay buồn, chúng tôi vẫn sẽ đón nhận.

Ngay cả cuốn nhật ký này, đáng lẽ những vật được nhặt trong chiến tranh tôi phải nộp cho Chính phủ Mỹ. Nhưng vì lúc đó tôi thấy cuốn sổ không liên quan gì đến chiến tranh mà chỉ là những hình vẽ rất đẹp, rất cá nhân, đời thường nên tôi quyết định giữ lại. Thực sự không ai vẽ hoa lên cuốn sổ chiến tranh cả.

Tôi đã lưu giữ và cứ nghĩ mãi về cuốn sổ trong nửa thế kỷ như vậy. Nhưng đến tháng 1/2023, suy nghĩ nhiều, tôi mong muốn tìm kiếm chủ nhân thật sự của nó. Mặc dù không thể đọc, hiểu được hết ý nghĩa những gì viết trong đó nhưng tôi tin ở trang cuối có thông tin về địa chỉ của người này.

Sau khi công khai thông tin trên báo Mỹ, 3 ngày sau, chính quyền Việt Nam đã rất nhanh tìm được thông tin của gia đình liệt sĩ chủ nhân cuốn nhật ký. Họ gọi cho tôi lúc 12h đêm (3h sáng ở Việt Nam - PV).

Sau hôm đó, tôi ngay lập tức tìm hiểu, dự liệu về chi phí chuyến đi và nhận thấy mọi thứ thật sự rất đắt đỏ. Tôi đã đăng thông tin lên mạng để xin sự giúp đỡ và Vietnam Airlines đã gọi cho tôi, thông báo hãng sẽ chi trả cho chuyến bay đưa tôi và vợ đến Việt Nam. 

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam! - 2
Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam! - 3

"Từ giờ, tôi sẽ không phải nói về chiến tranh nữa"

 - Thú thật đến tận bây giờ, điều tôi tò mò nhất là thứ gì đã thôi thúc ông thực hiện bằng được hành trình này, kể cả chuyện sẵn sàng chi tiền để đến Việt Nam?

- Trở về nước sau thời gian tham chiến tại Việt Nam, tôi đã phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý. Tôi từng uống rượu để cố quên đi những ký ức không mấy tốt đẹp. Cả cuộc hôn nhân của tôi cũng đổ vỡ vì sự ảnh hưởng của hậu chiến.

Thời điểm đó, tôi nói nhiều về chiến tranh Việt Nam với gia đình mình. Nhưng bạn biết không? Từ hôm nay, câu chuyện về gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất sẽ giúp tôi không còn ám ảnh nói về chiến tranh nữa. 

Tôi đã có thể kể về ba, mẹ, gia đình của người liệt sĩ và hành trình ý nghĩa này thôi. Và may mắn, sau thông tin tôi đăng tải, tôi còn nhận được thêm niềm vui mới.

- Niềm vui đó là gì, thưa ông?

- Có cuộc điện thoại cách đây 2 ngày, trước khi tôi khởi hành đến Việt Nam đã thông tin về cuốn nhật ký thứ 2. Tôi đang hy vọng sẽ tìm được nó dù đó chỉ là một cuốn nhật ký nhỏ, tổng cộng 10 trang thôi.

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam! - 4

Những trang nhật ký được ông cất giữ kỹ càng (Ảnh: Nam Anh).

"Tôi sẽ rất biết ơn nếu gia đình liệt sĩ Tuất được an ủi"

 - Bỏ qua hết câu chuyện quá khứ, ông có mường tượng ngày mai mình sẽ gặp gỡ gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất như thế nào rồi chứ?

- Thú thực, tôi cũng không biết sẽ làm thế nào cả. Ban đầu tôi rất muốn viết gì đó để đến đó đọc, nhưng rồi tôi nghĩ tốt hơn là tôi trực tiếp ngắm nhìn khoảnh khắc đó, cảm nhận và nói ra điều tôi nghĩ, điều họ nghĩ.

Bởi lẽ, hiện tại, tôi không phải là người có thể đứng ra nói lời xin lỗi. Tôi cũng không còn là quân nhân nữa. Tôi không đến Hà Tĩnh vì chiến tranh mà chỉ muốn gặp gia đình của ông Tuất và trả cuốn nhật ký.

Và thật biết ơn cũng như hy vọng nếu gia đình ông Tuất cảm thấy được an ủi phần nào sau khi nhận lại cuốn nhật ký, sau những gì đã xảy ra trong chiến tranh.

Cựu binh Mỹ trả nhật ký: Giờ tôi đã có thể nói về điều tốt đẹp ở Việt Nam! - 5

Sau hành trình trao trả nhật ký, ông Peter và vợ sẽ tiếp tục ở lại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

- Và sau hành trình này, ông sẽ làm gì tiếp theo tại Việt Nam?

- Tôi sẽ ở Hà Tĩnh và trở lại TPHCM vào ngày 6/3. Tôi và vợ cũng sẽ ở lại đây một vài ngày để tìm hiểu nhiều hơn về thành phố này.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc hành trình của ông sẽ tốt đẹp!

Thời gian vừa qua, báo Dân trí đã có nhiều bài viết thông tin về việc cựu binh người Mỹ lưu giữ cuốn nhật ký của một người lính Việt Nam. Cuốn nhật ký được ông Peter Mathews tìm thấy trong ba lô dưới chân đồi 724, trong trận Đăk Tô, Tây Nguyên vào tháng 11/1967.

Được động viên, hỗ trợ, sau nửa thế kỷ, ông quyết định công bố để tìm kiếm chủ nhân và muốn được đến Việt Nam để chính tay trao trả cuốn sổ.  Tiếp nhận thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác minh thông tin.

Hôm nay, 5/3, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức lễ tiếp nhận cuốn nhật ký từ tay người cựu binh Mỹ mang sang Việt Nam.

Đồng hành cùng chồng, bà Bà Christine Mathews chia sẻ: "Tôi rất vui khi ông ấy, chồng tôi, có thể làm được việc này (việc đối mặt với quá khứ, cố gắng tìm kiếm chủ nhân và hồi hương cuốn sổ - PV). Ông ấy đã giữ cuốn nhật ký rất nhiều năm, với nhiều nỗi lòng. Chúng tôi đã rất sẵn sàng chuyển lại cuốn sổ về đúng nơi nó thuộc về và cảm thấy mong đợi nhiều vào chuyến đi đến Việt Nam. Tôi không thể chờ hơn nữa để nhìn ngắm tất cả mọi thứ, dù có đôi chút lo lắng về sức khỏe".

Nội dung: Huy Hậu - Nguyễn Vy

Ảnh: Nam Anh