DMagazine

8 ngày "giải mã" cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ

(Dân trí) - Cơ quan chức năng Hà Tĩnh bước đầu xác định Cao Xuân Tuất và liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở Kỳ Anh là một. Kết quả được đưa ra sau nhiều ngày rà soát dữ liệu và "giải mã" thông tin trên những trang nhật ký.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh bước đầu xác định Cao Xuân Tuất chính là liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở Kỳ Anh. Kết quả được đưa ra sau nhiều ngày rà soát dữ liệu và "giải mã" thông tin trên những trang nhật ký.

"Sau khi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc sẽ trực tiếp gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đồng ý và yêu cầu địa phương sở tại cũng như cơ quan chức năng tìm mọi dữ liệu để rà soát, xác minh. Chúng tôi xác định đây là việc cần làm ngay", lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh kể lại hơn một tuần tìm kiếm người lính Việt là chủ nhân cuốn nhật ký "đi lạc" trên đất Mỹ.

Đó là ngày 1/2, khi nhiều cơ quan chức năng Hà Tĩnh đồng loạt vào cuộc nhằm hỗ trợ ông Peter Mathews (77 tuổi, cựu binh Mỹ) tìm chủ nhân cuốn nhật ký mà ông đã nhặt được ở chiến trường Tây Nguyên hơn 50 năm trước.

Hành trình lưu lạc

Cuốn nhật ký thời chiến được nhiều người ở Việt Nam bắt đầu tò mò, chú ý khi ngày 29/1, bài viết trên tờ báo North Jersey (Mỹ) được dịch lại, đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước. Bài báo kể câu chuyện cựu binh Peter Mathes đang lưu giữ và muốn tìm, trao trả cuốn nhật ký cho chủ nhân của nó.

Ông Peter Mathews là người gốc Hà Lan, đến Mỹ năm 1963. Ông sống ở Teaneck và làm những công việc lặt vặt trong khi chờ lấy thẻ xanh. Năm 1966, ông Mathews nhập ngũ vào quân đội Mỹ.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 1

Câu chuyện về cuốn nhật ký được đăng tải trên báo North Jersey (Ảnh chụp màn hình).

Sang Việt Nam, Mathews là một xạ thủ súng máy. Sau 5 tháng, ông trở thành Tiểu đội trưởng ở Sư đoàn Kỵ binh số 1 của quân đội Mỹ.

Tháng 11/1967, ông Peter Mathews tìm thấy cuốn nhật ký trong một chiếc ba lô của bộ đội Việt Nam trong trận Đăk Tô, Tây Nguyên.

Đây là một cuốn sổ nhỏ, có dòng kẻ, bìa bọc nylon. Các trang viết được trang trí bằng những hình vẽ hoa, phong cảnh vẽ rất công phu, đẹp mắt. Những điều viết trong đó, theo phán đoán của người cựu binh Mỹ, là thơ, lời bài hát và nhật ký. Mathews không biết những dòng chữ viết tay trong đó có ý nghĩa gì, nhưng có vẻ như cuốn sổ này là một cuốn nhật ký cá nhân, không phải tài liệu quân sự. Vì vậy, ông đã nhét vào túi của mình và giữ nó.

"Tôi chỉ nghĩ đó là một thứ rất đẹp. Nó được trình bày rất kỹ càng, rất nghệ thuật. Lẽ ra tôi nên nộp lại, nhưng tôi không nỡ. Tôi không nghĩ cuốn sổ có thông tin hay bí mật quân sự", ông Mathews nhớ lại.

Khi giải ngũ, trở về nhà ở tiểu bang New Jersey, ông Mathews kết hôn, lập gia đình và mở một doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng. Cuốn nhật ký nhỏ, dài 93 trang được ông đặt trong chiếc hộp trên gác mái nhà.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 2

Cựu binh Mỹ muốn trao trả cuốn nhật ký cho chủ nhân của nó sau 56 năm ông lưu giữ (Ảnh: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh cung cấp).

Giờ đây, ông Peter Mathews có ước mong muốn tìm tác giả của cuốn nhật ký hoặc những người thân còn sống của người lính để trao trả.

Cũng chia sẻ trên trong bài báo, Mathews cho hay, ông đã nhờ người dịch một số trang và biết được người lính phía bên kia chiến tuyến tên là Cao Xuân Tuất, có địa chỉ tại một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng loạt vào cuộc

10h48 ngày 30/1, sau khi tiếp nhận thông tin, phóng viên Dân trí đã liên hệ với ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, thông tin và tìm hiểu về động thái của địa phương trước sự việc.

Tiếp nhận thông tin, ông Tân trao đổi với lãnh đạo huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, cũng như các cơ quan chức năng liên quan như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, thực hiện trích lục hàng trăm hồ sơ cựu binh, liệt sĩ để đối chiếu.

Từ kết quả rà soát của Sở LĐ-TB&XH cho thấy 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất. Trong số này, có một người giống cả họ và tên, chỉ khác tên đệm Văn và Xuân. Liệt sĩ tên Cao Văn Tuất, trú xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 3

Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, cùng đại diện thị xã Kỳ Anh về gặp thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất xác minh (Ảnh: T.H.).

Phía Công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc rà soát dữ liệu dân cư và xác định không có ai tên đầy đủ Cao Xuân Tuất như trong cuốn sổ ghi chép địa chỉ ở Kỳ Anh.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh cũng cung cấp tên một liệt sĩ là Cao Văn Tuất, quê ở Kỳ Xuân, Kỳ Anh như trên.

Song song với đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh vận dụng các mối quan hệ cá nhân, tìm cách kết nối, liên hệ với cựu binh Peter Mathews, mong muốn được cung cấp đầy đủ 93 trang nhật ký để nắm thêm manh mối.

Qua kết nối từ nữ phóng viên nước ngoài, ông Tân đã liên hệ được với ông Peter Mathews. Hai bên đã gửi cho nhau hàng chục email trao đổi.

Những điểm trùng khớp

Đến hơn 21h ngày 31/1 (giờ Việt Nam), ông Mathews đã gửi hình ảnh một số trang trong cuốn nhật ký thể hiện khá chi tiết về địa chỉ và gợi nhắc đến họ tên một số người.

Đó là: "Cao Xuan Tuat, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222 Gm, phi trường 10". Ở một trang khác là các dòng chữ viết về những người thân của người lính Việt Nam, có ký hiệu "C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu".

Theo đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, những tên này giống với kết quả rà soát bản trích lục về thân nhân của liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở xã Kỳ Xuân. Cụ thể, liệt sĩ Cao Văn Tuất có bố Cao Văn Kế (đã mất), mẹ Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị gái Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất).

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 4

Thông tin trên cuốn nhật ký trùng khớp với liệt sĩ Cao Văn Tuất (Ảnh: N.T.).

Để sớm làm sáng tỏ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lập tức báo cáo với cấp trên và các cơ quan liên quan về việc sẽ trực tiếp về gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất, ở xã Kỳ Xuân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhanh chóng đồng ý và yêu cầu địa phương sở tại, cũng như cơ quan chức năng tìm mọi dữ liệu để rà soát, xác minh thêm.

"Chúng tôi xác định đây là việc cần làm ngay", lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ.

Đến chiều 1/2, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đại diện UBND huyện Kỳ Anh đã về gặp thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Ngôi nhà nhỏ ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân có bàn thờ liệt sĩ Cao Văn Tuất nhưng không có di ảnh. Nhiều năm qua, ông Hà Huy Mỳ, con trai bà Cao Thị Diếu (chị gái đầu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) là người chăm lo hương khói cho cậu của mình.

Khi thấy đoàn công tác đến tìm hiểu thông tin về cậu mình, ông Mỳ cùng người thân trong gia đình bật khóc. Nhiều năm qua, gia đình đã mong mỏi, nỗ lực tìm phần mộ của liệt sĩ Tuất nhưng chưa thành.

Ông Mỳ nói, theo lời kể của bố mẹ ông, liệt sĩ Cao Văn Tuất sinh năm 1942. Năm 1963, ông Tuất đi bộ đội, đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 5

Ông Mỳ, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất, xúc động (Ảnh: T.H.).

Ông Mỳ cung cấp cho đoàn công tác một cuốn sổ mà gia đình lâu nay đặt trên bàn thờ liệt sĩ Tuất thay cho di ảnh. Bên trong có ghi ngày hy sinh của ông Tuất là 10/12/1967. Mốc thời gian này cũng khá trùng khớp với thời điểm cựu binh Mỹ nhặt được cuốn nhật ký.

"Như vậy, giữa liệt sĩ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất có nhiều điều trùng khớp thông tin về bố mẹ, nơi cư trú, nơi chiến đấu. Chúng tôi đã liên hệ với một cựu binh đi chiến đấu cùng thời với liệt sĩ Cao Văn Tuất. Ông ấy xác nhận nét chữ trong cuốn nhật ký là đúng của liệt sĩ Cao Văn Tuất", cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ vào ngày 4/2.

Trước kết quả xác minh cho thấy nhiều khả năng liệt sĩ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất là một người, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng để xin ý kiến chỉ đạo.

Những giọt nước mắt rơi trên cuốn nhật ký

Theo ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ngay trong chiều 1/2, khi đang ở nhà liệt sĩ Cao Văn Tuất, ông đã email gửi một số hình ảnh và thông tin kết quả bước đầu chủ nhân cuốn nhật ký có thể là liệt sĩ quê Kỳ Xuân tới người cựu binh Mỹ.

Từ phía bên kia, một email phản hồi có hình ảnh ông Peter Mathews cầm cuốn nhật ký trên tay với đôi mắt đỏ hoe. Lúc này là 4h12 (giờ Mỹ). Ông Mathews đã khóc. "Nhìn hình ảnh này, tôi và mọi người rất xúc động", ông Tân chia sẻ.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 6

Peter Mathews cầm cuốn sổ trên tay với đôi mắt đỏ hoe (Ảnh: Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hà Tĩnh cung cấp).

Những hình ảnh về đoàn công tác đi xác minh tại gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất sau đó được ông Peter Matthew chia sẻ lên trang web của mình. Trang web này được ông lập, trên đó đăng tải những bức hình về chiến tranh Việt Nam và hình ảnh cuốn nhật ký nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm chủ nhân.

Hình ảnh một số trang nhật ký ông Peter Mathews đã chụp, gửi email sang Việt Nam được Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cung cấp cho phóng viên. Ngay sau đó, sáng 4/2, Báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết "Vụ cựu binh Mỹ trả nhật ký: Những trang viết dần hé lộ thông tin chủ nhân".

Sau khi đọc bài viết trên, sáng 4/2, ông Phạm Quốc Bảo (76 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Bulgari, kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia lập tức gửi thư đến tòa soạn Báo điện tử Dân trí, cho biết, ông từng chiến đấu ở cùng đơn vị với chủ nhân cuốn nhật ký thất lạc.

Điều này được ông nhận ra qua một trang viết chi tiết về địa chỉ của người lính với nội dung: "Cao Xuan Tuat, hòm thư 21222 GM phi trường 10. Xóm 13, thôn Trường Lâm, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định". 

Theo tài liệu mà ông Bảo cung cấp, "21222 GM phi trường 10" là số hiệu hòm thư của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22 (gọi tắt là E22), Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5. Địa chỉ "xóm 13, thôn Trường Lâm, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định" là nơi đóng quân của E22, đơn vị từng hoạt động tại chiến trường Bình Định và Quảng Ngãi từ tháng 9/1965 đến tháng 1/1970.

Với những thông tin báo Dân trí cung cấp và nội dung một vài trang nhật ký, ông cho rằng, chủ nhân tập nhật ký kể trên chính là từ đồng đội của mình, liệt sĩ Cao Xuân Tuất, thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22. Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí, ông Phạm Quốc Bảo rất xúc động và bật khóc.

8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 7
8 ngày giải mã cuốn nhật ký 56 năm lưu lạc trên đất Mỹ - 8

Đến chiều 6/2, lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cung cấp với phóng viên Dân trí về kết quả xác minh ban đầu. Dù "băn khoăn" về tên đệm Xuân và Văn, song trước những thông tin quá trùng khớp, cơ quan chức năng bước đầu xác định liệt sĩ Cao Văn Tuất và Cao Xuân Tuất là một.

Vị lãnh đạo chia sẻ, cuốn nhật ký khắc họa một thời chiến tranh, bão lửa của đất nước. Qua đó còn cho thấy lòng lạc quan, yêu đời của người lính trẻ, dù cận kề sống chết nhưng luôn có lý tưởng, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

"Nếu cựu binh Mỹ trực tiếp sang Việt Nam trao trả cuốn nhật ký, trên cơ sở các cơ quan chức năng cấp cao hơn, chúng tôi sẽ phối hợp tạo điều kiện. Cuốn sổ sẽ giúp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng rất trân trọng tấm lòng của người cựu binh Mỹ, dù đã hàng chục năm mà ông vẫn canh cánh nỗi niềm, tâm nguyện muốn trả lại nhật ký cho tác giả. Chúng tôi mong muốn ông sớm thực hiện được nguyện vọng của mình", vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ.

Dương Nguyên