Bình Định:
Hành trình tìm mộ tập thể 60 liệt sĩ: Tấm lòng cựu binh Việt - Mỹ
(Dân trí) - Nỗi trăn trở hơn nửa thế kỷ đã kết nối những cựu binh ở 2 chiến tuyến trong hành trình tìm lại mộ chôn tập thể 60 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh khốc liệt ở đồi Xuân Sơn (Bình Định).
Hành trình đặc biệt
Đầu tháng 3/2022, từ thông tin quý giá được các cựu chiến binh Mỹ - những người có mặt trong trận đánh đêm 26/12/1966 tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành khai quật. Bước đầu xác định tìm thấy khoảng 25 hài cốt liệt sĩ trong trận đánh khốc liệt này. Các liệt sĩ hy sinh hầu hết thuộc Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Thiếu tá Đặng Hà Thụy (79 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở khu phố Tài Lương 1, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) là người có công rất lớn đã kết nối được với các cựu binh Mỹ để tìm ra khu mộ tập thể chôn khoảng 70 liệt sĩ của trận đánh khốc liệt ở đồi Xuân Sơn.
Sau khi về hưu, công việc đầu tiên của ông là đi xe máy đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ông Thụy chọn một huyện khoảng 3-4 nghĩa trang, có nhiều mộ liệt sĩ nhất để chụp hình các bia mộ lại. Chụp xong ông in ra để lưu giữ, đồng thời đăng lên Facebook cá nhân và các trang website để tìm giúp thân nhân các liệt sĩ còn thất lạc.
Về phía chính quyền địa phương, trong suốt bao nhiêu năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng các địa phương đã không ngừng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Bởi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn chưa tìm ra.
Như một nhân duyên với các đồng đội đang còn nằm trong lòng đất lạnh, thông qua nhiều đầu mối, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã liên kết với các cựu binh Mỹ qua các trang mạng xã hội.
Những cựu binh này từng có mặt trong trận đánh đồi Xuân Sơn ngày đó. Từ những email trao đổi qua lại, thông tin về khu mộ tập thể của các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng dần dần được hé lộ.
"Khi đọc những thông tin của cựu binh Mỹ, tôi rất vui mừng và xúc động. Đây có thể gọi là manh mối quan trọng để tìm ra đồng đội của mình. Trong suốt quá trình liên lạc, cựu binh Mỹ sao chụp rất nhiều hình ảnh, tài liệu quý giá. Bản thân tôi đã mua máy in, máy scan để hoàn chỉnh nhất hồ sơ có thể rồi gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Đặc biệt là có sự kết nối của cậu Nguyễn Xuân Thắng - kiến trúc sư Sân bay Biên Hòa, sau này là một người cháu cùng ở Biên Hòa nên những thông tin được cụ thể hóa", ông Thụy chia sẻ.
Liên tục nhiều email qua lại giữa cựu binh Việt - Mỹ, dù hai người đã từng ở hai chiến tuyến khác nhau nhưng giờ đây đọng lại trong mỗi người cùng một trăn trở về những người đã nằm xuống trong trận đánh khốc liệt ở đồi Xuân Sơn cách đây hơn nửa thế kỷ. Và ký ức cuộc chiến lại lần nữa được đánh thức trong người cựu binh Mỹ.
"Thưa Thiếu tá Đặng Hà Thụy, tôi cố gắng giúp đỡ anh và gia đình một cách chân thành như chính người lính Mỹ của mình. Người Mỹ của chúng tôi có một tình cảm mạnh mẽ đối với những người cùng đau khổ như chúng tôi. Một trong những người lính Mỹ của chúng tôi đã giúp khiêng những người lính Bắc Việt đến mộ của họ và mong muốn một lần nữa mang theo cuốc, xẻng để đào họ lên. Tất nhiên ông ấy đã 75 tuổi nên không thể vung cuốc như khi ông ấy 20 tuổi…", bức thư do cựu binh Mỹ trao đổi qua email với ông Đặng Hà Thụy.
Hơn nửa thế kỷ không hương khói
Sau nhiều lần trực tiếp đến đồi Xuân Sơn để hình dung, đối chiếu từng chi tiết trên hình ảnh mà cựu binh Mỹ cung cấp. Cuối năm 2021, ông Thụy tổng hợp rồi trình bày với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định và được đơn vị tin tưởng, quyết tâm triển khai tìm kiếm.
"Mới ngày đầu lên khu vực đồi Xuân Sơn để khai quật, nhiều người cũng chưa tin đâu vì đã đánh mấy cái rãnh dài cả mấy chục mét rồi đào dọc đào ngang mà vẫn không thấy gì. Hằng đêm tôi về nhà rồi tiếp tục lên mạng tìm cách kết nối và chuyển hình ảnh từ thực địa tìm kiếm cho cựu binh Mỹ. Từ những hình ảnh này, cựu binh Mỹ góp ý, gợi ý thêm để chúng tôi điều chỉnh đúng vị trí. Khi bắt đầu đào lại thì trúng vị trí chôn anh em đồng đội mình", ông Thụy xúc động kể.
Theo ông Thụy, vị trí phát hiện hài cốt hiện tại cũng chỉ là một ngôi mộ tập thể mà theo tường thuật thì trận đánh này còn đến vài vị trí nữa. Theo tường thuật ban đầu của một cựu binh Mỹ năm nay đã 90 tuổi cung cấp vào cuối năm 2021, ông là người trực tiếp chỉ huy xe ủi chôn cất. Ông mô tả hố chôn dài khoảng 10m, đào sâu hơn 1m là gặp nước.
Ông Thụy chia sẻ thêm, cũng theo tư liệu từ lời kể lại của một nhà báo Mỹ có mặt tại buổi sáng diễn ra trận đánh đó (27/12/1966) và người lính khác trực tiếp chôn cất, trong một hố chôn có khoảng 70 thi thể. Vậy nên với 25 hài cốt liệt sĩ vừa tìm thấy ở đồi Xuân Sơn, việc tìm kiếm sẽ cần phải mở rộng.
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ: "Các liệt sĩ của chúng ta nằm ở đây đã 56 năm không ai biết, không người hương khói, không có một nén nhang để thắp cho anh em. Giờ đã bước đầu phát hiện được một số hài cốt liệt sĩ rồi thì phải làm sao cố gắng tìm được hết anh em để đưa về nơi an nghỉ cuối cùng trang trọng, thiêng liêng; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân và các thế hệ trẻ đến dâng hương tưởng nhớ tri ân các liệt sĩ".
Các anh trở về nhân ngày trọng đại của quê hương
Ngày 17/4, nhân kỷ niệm 50 giải phóng huyện Hoài Ân (19/4/1972-19/4/2022), tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).
Theo điếu văn, đêm 25 rạng sáng ngày 26/12/1966, Trung đoàn 22 (thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng với quân, dân trong và ngoài huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm Xuân Sơn. Bộ đội ta đã lập nhiều chiến công trong trận đánh này. Tuy nhiên dưới làn mưa bom, bão đạn của địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh và từ đó nằm lại trong lòng đất tại đồi Xuân Sơn - cứ địa gắn với chiến công hiển hách của Trung đoàn 22.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho biết, cuộc tìm kiếm hố chôn tập thể các liệt sĩ Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng quân, dân, cán bộ địa phương đã hy sinh anh dũng tại đồi Xuân Sơn kéo dài trong nhiều năm qua.
Từ nguồn tin của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khảo sát, thăm dò tại vị trí khoanh vùng ở thực địa.
Đến nay, qua các mẫu hài cốt và nhiều di vật được tìm thấy, đã xác định đây chính là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn. Do nhiều yếu tố lịch sử chiến tranh, đến nay bước đầu mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sĩ.
"Ngày 19/4/2022 là kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, có ý nghĩa trọng đại đối với quê hương Hoài Ân sau năm 50 xây dựng và phát triển. Càng có ý nghĩa hơn nữa khi các anh "trở về" trong dịp này. Trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng đối với những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì bình yêu cho mảnh đất Hoài Ân nói riêng và cho quê hương đất nước nói chung. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để linh hồn các anh và đồng đội yên nghỉ", Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, xúc động.