DMagazine

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ "Hùm xám"

(Dân trí) - Mong mỏi có con nên Thượng úy Nguyễn Sông Thao "đóng kịch" để vợ vào Quảng Trị thăm chồng. Cuộc đoàn tụ 3 ngày Tết, họ chia tay, người lính hành quân gấp vào Nam để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Mong mỏi có một đứa con nên Thượng úy Nguyễn Sông Thao "đóng kịch" để vợ lặn lội vào Quảng Trị thăm chồng. Sau cuộc đoàn tụ ngắn ngủi trong 3 ngày Tết, họ chia tay nhau, người lính hành quân gấp vào Nam để kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh...

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 1

70 tuổi, bà Hồ Thị Hoài Thu (trú khối 1, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn e thẹn, ngượng ngùng khi kể về câu chuyện tình yêu của cuộc đời mình. Ngày ấy, khi ở tuổi 18 đầy mộng mơ, cô nhân viên thương nghiệp huyện quen biết anh lính Nguyễn Sông Thao (SN 1950, quê huyện Anh Sơn, làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh ở huyện Quỳnh Lưu). Tình cảm bắt đầu từ sự ngưỡng mộ người lính đẹp trai, hát hay, can trường, trực tính, quyết liệt nhưng dịu dàng, lớn dần lên, để cô gái ấy vượt hàng chục cây số đến đơn vị thăm anh mỗi dịp cuối tuần hay hồi hộp chờ đến ngày anh hẹn sang chơi. "Hồi ấy mới 18-19 tuổi, yêu thôi chứ còn dại lắm, chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng", đôi gò má bà ửng đỏ khi bà Thu nhớ về những ngày đầu yêu nhau. Nhưng anh lính thì không nghĩ vậy. Đời lính nay đây mai đó, "đã yêu thì phải yêu cho chắc" thôi. Anh nhắn về quê cho bố: "Bố xuống xã Quỳnh Đôi, hỏi cưới cô Thu cho con, nếu không con vượt tuyến vào Nam, không về nữa đâu!".

Tình yêu trọn một đời của người vợ "Hùm xám"

Người cha đạp xe ngót 100 cây số từ huyện Anh Sơn xuống huyện Quỳnh Lưu, đi hỏi vợ cho con trai. Cô Thu đẹp người, đẹp nết, có được cô con dâu như thế thì còn gì bằng, nhưng "ải" ông thông gia thì không dễ qua. Người bố thương con gái, không muốn gả đi xa, lại lấy bộ đội, chiến tranh loạn lạc biết thế nào?

Sau 10 ngày thuyết phục, nhờ cả chính quyền, đoàn thể tác động, cuối cùng bố anh Thao cũng nhận được cái gật đầu của ông thông gia. Cuối năm 1972, khi Mỹ thua to trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc thì đám cưới giữa anh lính Sông Thao và cô cán bộ thương nghiệp Hoài Thu cũng diễn ra.

Người lính thời chiến, cứ đi hết nơi này đến nơi khác, nên mong mỏi có một đứa con của đôi vợ chồng trẻ Sông Thao - Hoài Thu mãi chưa trở thành hiện thực. Do yêu cầu của chiến tranh, anh lính Nguyễn Sông Thao chuyển vào Quảng Trị chiến đấu, đóng quân ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh.

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 3

Tiếng là vào thăm chồng nhưng anh Thao mất nửa tháng đi họp ở Quảng Bình, nửa tháng đi diễn tập thực binh, về đơn vị thì cũng đi họp suốt, thành thử 2 tháng ở rừng, cô Thu vẫn "không thấy gì". Công việc thì cơ quan tạo điều kiện nhưng làm sao mà đi mãi được, cô quyết định về quê. "Vừa về được hơn chục ngày, tôi nhớ hôm đó là gần Tết rồi, nhận được điện của anh ấy "đánh về": Anh ốm nặng, em vào thăm anh. Hồi đấy còn trẻ mà, cứ nghĩ đến chặng đường vất vả, nguy hiểm vừa trải qua, vào cũng có được gần chồng mấy nỗi đâu, thú thực tôi không muốn đi. Nhưng nghĩ, thương ông ấy quá, ốm đau ở rừng... vậy là 27 Tết lại lục cục xe cộ đi vào. Vào tới nơi thì ông ấy đi họp ở Quảng Bình, 29 Tết mới về. Lần đầu tiên tôi đón Tết ở chiến trường, có chồng, có anh em, bạn bè, ai cũng thương, ai cũng quý", bà Thu nhớ lại.

Nhưng niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Khoảng 2h ngày mùng 2 Tết 1975, anh Thao rón rén dậy, chuẩn bị quân tư trang đâu vào đấy rồi mới lay vai vợ: "Anh phải đi thẳng vào miền Nam, giải phóng Sài Gòn rồi anh về. Em ở lại, đợi đón xe về quê nhé". Chẳng đợi vợ kịp phản ứng, người lính nhất quyết quay người, mất hút vào bóng tối. Có lẽ, anh sợ nước mắt của vợ...

Chồng đi rồi, cô vợ trẻ ngồi khóc đến sáng. Nỗi buồn tủi của người vợ lính thời chiến, cứ thế tuôn ra cùng nước mắt. Cô thương mình, lo cho chồng trước "hòn tên mũi đạn". 10 ngày hết quanh quẩn nơi gian lán của vợ chồng lại lên bệnh xá với các chị y tá, cô Thu mới đợi được xe để về quê. Chuyến đi này, khát khao làm bố, làm mẹ của hai vợ chồng vẫn chưa trở thành hiện thực...

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 5

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng nhưng Sư đoàn 341 phải ở lại làm nhiệm vụ quân quản nên mãi đến cuối năm 1975, Thượng úy Nguyễn Sông Thao mới được về phép. Ở nhà đón Tết và sống với nhau được một tháng thì anh lại vào đơn vị mà không biết giọt máu của mình đã tượng hình trong bụng vợ. Tháng 3/1976, cô Thu viết thư vào báo tin cho chồng. Khỏi phải nói, anh vui mừng đến nhường nào. Tháng 10/1976, cô Thu hạ sinh con trai, đặt tên Nguyễn Văn Trường, bố Thao - con Trường, thành Thao - Trường, đúng chất nhà lính. Những ngày sau đó, bao nhiêu lần thư về, bao nhiêu lần hứa hẹn, anh Thao cũng không thể về thăm nhà. Khi Trường được 7 tháng tuổi, cô Thu bế con ra tiệm ảnh, chụp một bức gửi vào cho chồng. Bức ảnh đứa bé bụ bẫm giúp người lính vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con, xoa dịu những cơn "khát cháy cổ" mùa khô ở biên giới Tây Nam Tổ Quốc, xoa dịu sự khốc liệt của chiến tranh.

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 7

Giữa trận mạc, sự can trường, quả cảm, mưu lược và tài trí cầm quân của Thượng úy Nguyễn Sông Thao trở thành nỗi khiếp sợ của đối phương. Chúng gọi anh là "Hùm xám" với sự nể phục và cả sợ hãi. Trong cuốn hồi ký "Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp" của cựu chiến binh Trần Ngọc Phú (quê Thái Bình) tái hiện rõ nét, chân thực về tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của Thượng úy Nguyễn Sông Thao - Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341. Sau thắng lợi của đợt tấn công Pôn Pốt ngày 13/7/1978, Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Sông Thao được điều lên làm Tham mưu phó Trung đoàn nhưng anh xin ở lại trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn phá vỡ tuyến phòng ngự, đập tan âm mưu của địch, tìm và đưa anh em mắc kẹt trong khu vực đối phương kiểm soát về.

Trong trận đánh này, kế hoạch "luồn sâu" của Trung đoàn bị lộ, địch tập trung hỏa lực mạnh cùng một lượng lớn quân lính tập kích các cánh quân của Trung đoàn trên quy mô lớn. Phải tập trung dập hỏa lực rồi xung phong đánh chiếm thôi, Tiểu đoàn Trưởng Nguyễn Sông Thao bàn với Tiểu đoàn phó. Trong đợt dồn lên tấn công, anh Nguyễn Sông Thao trúng đạn, bị thương nặng. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt, anh em liên tục bị thương và hi sinh. Trước tình huống đặc biệt khó khăn này, chỉ huy Trung đoàn quyết định điều 2 khẩu pháo 105 ly lên, sử dụng đạn phòng thủ của pháo - loại đạn mà trong lịch sử pháo binh chưa sử dụng lần nào để áp chế sức tấn công của đối phương. Các đơn vị, các cánh quân tập trung tiêu diệt sinh lực địch, đập tan ý đồ phản công của Pôn Pốt, giữ vững trận địa của Trung đoàn. Nhưng rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã ngã xuống, trong đó có Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Sông Thao. Người lính quả cảm ấy vẫn chưa được một lần ôm đứa con trai duy nhất của mình...

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 9
Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 10

Phải đến 20 ngày sau đó, bà Thu mới nhận được tin chồng hi sinh. Nỗi đau đớn không thể diễn tả hết bằng lời, bà ôm chặt đứa con trai mới gần 2 tuổi khóc lặng. 26 tuổi, bà trở thành góa phụ. 6 năm cuộc sống vợ chồng chỉ là chuỗi ngày đằng đẵng chờ đợi, nhớ nhung. 6 năm, bà tin vào lời hứa hẹn "tháng tới anh về" để vượt qua chông chênh trong cảnh một mình nuôi con. Bà thương mình, thương chồng, thương thằng Trường chưa một lần được gặp bố...

Đơn vị cho xe về đón bà vào thăm mộ chồng. Gửi con nhỏ ở nhà, bà vượt hơn 1.000 cây số vào nơi chồng nằm lại.

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 11

Sau phút giây trùng phùng "kẻ dương - người âm", bà quyết định để ông lại, bên cạnh đồng đội, đồng chí của mình. Ngày 19/12/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đối với Thượng úy - liệt sỹ Nguyễn Sông Thao.

Đất nước những năm kiến thiết, đổi mới, khó có thể nói hết những vất vả, truân chuyên mà người vợ liệt sỹ như bà phải trải qua. Đằng đẵng thờ chồng, nuôi con, chính những dòng thư chứa chan tình cảm nồng nàn, những lời hẹn ước của chồng và sự đùm bọc của gia đình, đơn vị và đồng đội của chồng giúp bà vượt lên tất cả. Niềm hạnh phúc của bà là cậu con trai duy nhất đã nối tiếp con đường binh nghiệp của bố, hiện đang công tác tại một đơn vị thuộc Quân khu 4.

Nếu cộng lại, quãng đời làm vợ được sống gần chồng của bà Thu cũng chưa tròn một năm, nhưng suốt 50 năm qua, bà vẫn thủy chung với tình yêu ấy. Với bà, ông vẫn về trong mỗi giấc mơ, vẫn trò chuyện với bà hàng đêm, thủ thỉ với bà chuyện công tác, chuyện con, chuyện cháu.

Hai lần vượt tuyến lửa và tình yêu trọn đời của người vợ Hùm xám - 12

 Đôi mắt người  vợ liệt sỹ long lanh khi kể về tình yêu duy nhất của đời mình!.

                                                                Nội dung: Hoàng Lam

                                                                Thiết kế: Khương Hiền