DMagazine

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ

(Dân trí) - Quảng Trị có 2 nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia, nơi đây có những ngôi mộ tập thể và là nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ. Giữa không gian linh thiêng này là muôn vàn câu chuyện xúc động.

Quảng Trị có 2 nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia, nơi đây có những ngôi mộ tập thể và là nơi yên nghỉ của hàng vạn liệt sỹ. Giữa không gian trang nghiêm và linh thiêng này cũng có muôn vàn câu chuyện đầy xúc động.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 2

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 nằm bên Quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc phường 4, thành phố Ðông Hà (Quảng Trị). Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng, liệt sỹ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Những ngày tháng 7, tại Quảng Trị thời tiết nắng như "đổ lửa", dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 để dâng hương. Với mỗi người, từ du khách đến thân nhân các liệt sỹ khi đến đây, tay dâng nén nhang, mắt tìm kiếm những dòng tên thân thuộc và trong tâm khảm đều dành sự thành kính, biết ơn sâu sắc đến những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Nơi đây, các phần mộ liệt sỹ nằm bên nhau ngay hàng, thẳng lối trong không gian tĩnh lặng, trang nghiêm, với tiếng gió xì xào và nắng bỏng rát. Trong đó, nhiều ngôi mộ chưa xác định thông tin.

Bên cạnh hàng ngàn ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, có những ngôi rất đặc biệt, đó là mộ chung của vài chục đến cả trăm liệt sỹ. Trong đó, nổi bật là hai phần mộ chung lớn nhất, lần lượt là nơi yên nghỉ của 123 và 102 liệt sỹ Sư đoàn 320.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 4

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Quản, Phó Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang và Tiếp đón thân nhân liệt sỹ Quảng Trị cho biết, các liệt sỹ ở 2 ngôi mộ tập thể được tìm thấy trong các hầm mộ tập thể, sau đó được quy tập, đưa về cải táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9.

Việc lập mộ chung cho các liệt sỹ là bởi lẽ, sau các trận đánh khốc liệt, quân địch đã đào hố chôn tập thể bộ đội Việt Nam. Sau này, quá trình phát hiện và quy tập không thể tách hài cốt, vì vậy các ngôi mộ tập thể đã được dựng lên nhằm hương khói cho người đã khuất và tri ân sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 6

Những ngôi mộ tập thể tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9.

Cũng theo ông Quản, tại 2 ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ thuộc Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, phần lớn thân nhân đã biết và đến nơi yên nghỉ của các liệt sỹ để dâng hương, viếng mộ. Chỉ còn một số thân nhân liệt sỹ do điều kiện, nguồn thông tin hạn chế nên chưa biết đến nơi người thân của mình đang yên nghỉ.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 8

Ngày đầu tháng 7 vừa qua, một người đàn ông vỡ òa trong niềm vui khôn xiết, khi sau hơn nửa thế kỷ đã tìm thấy nơi yên nghỉ của bố tại ngôi mộ tập thể ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9.

Ông là Phùng Văn Sỹ, trú xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Trong chuyến viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, sau khi làm lễ viếng ở đài tưởng niệm trung tâm, ông Sỹ cùng đoàn tỏa đi khu mộ tỉnh Thái Bình để thắp hương.

Và rồi khi dừng chân trước 2 một ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ Sư đoàn 320, lần đọc từng dòng tên trong danh sách, tim ông Sỹ như thắt lại, đôi mắt ngấn lệ khi thấy hàng chữ "Liệt sỹ Phùng Văn Môn" với đầy đủ năm sinh, quê quán, cấp bậc, đơn vị, thời gian hy sinh, trùng với thông tin về người bố đã hy sinh của ông.

Để chắc chắn, ông Sỹ lần giở tập hồ sơ cũ về người bố liệt sỹ mà ông luôn mang bên mình mỗi khi đến viếng các nghĩa trang liệt sỹ. Khi xác nhận các thông tin trùng khớp, ông Sỹ đã òa khóc không nói nên lời, bởi sau bao năm đằng đẵng chờ đợi, tìm kiếm, ông đã tìm được mộ bố.

Bố ông Sỹ là Liệt sĩ Phùng Văn Môn, nhập ngũ khi người con trai duy nhất mới 2 tuổi. Năm 1969, gia đình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin liệt sỹ Phùng Văn Môn hy sinh ở mặt trận phía Nam nhưng không rõ mất ở đâu và được an táng chỗ nào.

Suốt hàng chục năm qua, ông Sỹ đi nhiều nơi, tìm gặp các cựu binh Sư đoàn 320 để hỏi thông tin về bố nhưng không có nhiều kết quả. Thậm chí gia đình ông còn vào Bình Dương, Đà Nẵng, tìm kiếm thông tin trên internet và cả nhờ nhà ngoại cảm nhưng đều vô vọng.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 10

Sau chuyến đi đầy ý nghĩa đó, ông Sỹ đã về nhà thông báo. Ngày 14/7, ông cùng mẹ và người thân quay trở lại Quảng Trị, viếng mộ liệt sỹ Phùng Văn Môn và các liệt sỹ khác tại 2 ngôi mộ tập thể ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9. 

Theo con trai vào Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, bà Phạm Thị Hoa (SN 1941), vợ liệt sỹ Phùng Văn Môn xúc động không thể cầm được nước mắt. Bà run run đặt đôi bàn tay khẳng khiu, gầy gò lên tấm bia đá khắc tên người chồng, rồi chậm rãi đi quanh ngôi mộ tập thể của 112 liệt sỹ Sư đoàn 320. 

Những giọt nước mắt của bà lăn dài trên má, hình ảnh của chồng lấp đầy trong ký ức. Hơn nửa thế kỷ thờ chồng, nuôi con đằng đẵng, bà Hoa đã thỏa ước nguyện khi tìm được nơi yên nghỉ của chồng.

"Đi tìm bao nhiêu năm mà không biết ông nằm ở đâu, đó là điều mà bản thân tôi luôn đau đáu trong lòng. Tuổi cao sức yếu, tôi luôn dặn dò con trai phải tìm bằng được nơi bố nằm lại. Giờ đây, khi biết được nơi ông hy sinh và yên nghỉ tại nghĩa trang này, tôi đã yên lòng rồi", bà Hoa tâm sự.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 12
Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 13

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát vẫn chưa thể xóa nhòa. Đó là hình ảnh nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ liệt sỹ trải dài hun hút, tưởng chừng vô tận. Đứng trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ nằm cạnh nhau, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho non sông.

Đến với Quảng Trị những ngày tháng 7, viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, tôi đã được lắng nghe nhiều câu chuyện hết sức xúc động về các liệt sỹ, thân nhân và cả những hành trình đi tìm mộ liệt sỹ, những người không quản máu xương, tuổi trẻ để giành lại tự do cho đất nước ngày hôm nay.

Trong chuyến đi này, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với ông Lê Văn Dăng, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị - người có hơn 30 năm gắn bó với công tác của ngành lao động, với thương binh - liệt sỹ. Trong suốt thời gian dài công tác, ông Dăng đã được tiếp xúc, nghe rất nhiều câu chuyện đầy xúc động.

Không xúc động làm sao được khi chứng kiến người mẹ già tóc đã bạc, ngồi bên mộ con trai là liệt sỹ giữa cái nắng chói chang. Mẹ ở đó, vuốt ve lên bia mộ, kể về câu chuyện ngày con lên đường nhập ngũ, nối dài sau đó là những ngày mong ngóng tin con, ruột gan đau thắt khi con không trở về. Là những giây phút nghẹn ngào khi phải chứng kiến sự thất vọng của nhiều thân nhân mỏi mòn chờ đợi, tìm kiếm đằng đẵng nơi yên nghỉ của người chồng, người cha, người anh đã hy sinh không có kết quả.

Trong vô số những câu chuyện về liệt sỹ và thân nhân của họ, ông Dăng đã kể cho tôi nghe về hành trình hàng chục năm ròng đi tìm mộ người yêu của một người phụ nữ quê Nam Định mà ông chẳng thể nào quên.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 16

Theo chia sẻ của ông Dăng, câu chuyện là một phần đời của bà Nguyễn Thị Thanh, trú tại tỉnh Nam Định. Thời điểm ông Dăng tiếp xúc là vào năm 1998, lúc này bà Thanh khoảng gần 60 tuổi.

"Người yêu trước đây của chị Thanh là bộ đội, ra đi chỉ để lại một chiếc khăn thêu đôi bồ câu và lời hẹn chờ anh về. Thế nhưng, đó cũng là lần cuối mà chị Thanh gặp người yêu, bởi sau đó anh đã hy sinh. Chị Thanh sau này lập gia đình nhưng luôn trăn trở và muốn tìm được mộ người yêu. Điều đặc biệt là chồng chị Thanh luôn đồng hành cùng vợ, lo kinh phí để vợ đi tìm mộ liệt sỹ là người yêu xưa. Đó thực sự là điều hết sức xúc động", ông Dăng chia sẻ.

Ông Dăng cũng cho biết, bằng sự cố gắng, với nhiều năm liền đi tìm các thông tin ở tỉnh Quảng Trị, vào năm 2001, bà Thanh đã tìm được phần mộ của người yêu xưa là liệt sỹ. Sau đó, bà cùng với gia đình liệt sỹ làm các thủ tục, cất bốc hài cốt về an táng tại quê nhà.

"Tôi và những người biết đến câu chuyện của chị Thanh đều rất cảm kích và ấn tượng trước tình cảm của chị. Và đặc biệt là người chồng của chị Thanh cũng khiến chúng tôi cảm phục khi đã hết lòng, hết sức ủng hộ cho hành trình của vợ. Chính gia đình của liệt sỹ cũng đã xem chị Thanh như người con dâu trong gia đình rồi, đó là sự gắn kết từ lịch sử, là sự tri ân, tôn trọng của người còn sống với anh linh liệt sỹ", ông Dăng chia sẻ thêm.

Chồng đưa vợ đi tìm mộ người yêu là liệt sỹ - 18

Cũng trong chuyến về viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ, giữa dòng người lặng lẽ hướng về các anh hùng, liệt sỹ, tôi đã có dịp tiếp xúc với một thân nhân liệt sỹ khác là bà Thái Thị Liễu (SN 1948), trú tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đây là lần đầu tiên bà Liễu được đến thăm mộ của người bố sau 55 năm ông hy sinh.

Bố của bà Liễu là liệt sỹ Thái Bá Dưỡng, hy sinh năm 1967 tại huyện Vĩnh Linh, nay đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9. Theo chia sẻ của bà Liễu, vì sức khỏe cũng như điều kiện quá khó khăn, lo toan cho cuộc sống nên bà chỉ có thể bái vọng chứ chưa một lần đến thăm mộ bố.

Ngày 20/7 vừa qua, bà Liễu đã thực hiện được tâm nguyện mà bản thân ấp ủ suốt hàng chục năm. Được tận tay dâng nén nhang, đặt bàn tay lên phần mộ bố, nước mắt bà cứ chực trào. Thấy phần mộ bố được chăm sóc rất cẩn thận, trong khung cảnh trang nghiêm bà Liễu vô cùng yên tâm.

"Tính ra cũng hơn 50 năm rồi, đây là lần đầu tôi có thể đến bên mộ của bố để thắp nén nhang. Vậy là cũng thỏa ước nguyện của bản thân rồi. Chỉ mong sao bố phù hộ để bản thân được khỏe mạnh, để còn được đến đây dâng hương, viếng mộ bố và các đồng đội nhiều hơn nữa", bà Liễu bùi ngùi.

Không chỉ bà Liễu, rất nhiều thân nhân liệt sỹ khi về với đất thiêng Quảng Trị, ai cũng mang trong lòng những tâm tư, ước nguyện riêng. Vẫn còn đó hàng ngàn ngôi mộ chưa xác định thông tin, vẫn còn đó rất nhiều thân nhân vẫn tiếp tục hành trình đi tìm mộ liệt sỹ với bao hy vọng, chờ mong...

Còn với các anh hùng, liệt sỹ đã mãi mãi nằm xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, những ngôi sao vàng được gắn trên những bia mộ nơi các anh, các chị yên nghỉ. Những ngôi sao không bao giờ tắt trong lòng người dân Việt Nam, những ngôi sao sáng mãi trên con đường Trường Sơn; là lời tri ân, nhắc nhở để các thế hệ trẻ trân trọng, gìn giữ hòa bình hôm nay.

Nội dung: Tiến Thành

Thiết kế: Đỗ Diệp