DNews

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm!

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ngành lao động TPHCM đã có hướng dẫn kiểm soát nội bộ cơ sở bảo trợ để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Cơ sở thực hiện nghiêm quy định được khẳng định sẽ không xảy ra chuyện như Mái ấm Hoa Hồng.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm!

Camera giám sát cũng vô hiệu nếu cô nuôi bạo hành... kín

Sau khi vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng bị phát hiện, Sở lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp xử lý vụ việc cũng như thảo luận giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Nhân vụ việc trên, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nhắc nhở thủ trưởng các cơ sở bảo trợ xã hội công lập cũng phải nghiêm túc kiểm tra, giám sát tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, người già, người khuyết tật… tại cơ sở mình.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 1

Sự việc ở Mái ấm Hoa Hồng là lời cảnh tỉnh với tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội (Ảnh: CTV).

Theo ông Thinh, không loại trừ trường hợp chủ trương nghiêm túc mà cán bộ, người trực tiếp chăm nuôi không thực hiện, lén lút có hành vi bạo hành kín đáo mà người quản lý khó nhận ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, cho biết tại các phòng chức năng đều có hệ thống camera giám sát để ngăn ngừa trường hợp trên.

Tuy nhiên, ông Thinh đánh giá camera giám sát sẽ không phát huy hiệu quả nếu bộ phận giám sát không chặt chẽ, cả nể, xuề xòa… Ông yêu cầu các cơ sở cần xây dựng bộ phận giám sát độc lập, có quy chế giám sát, người giám sát chỉ chịu trách nhiệm với giám đốc, khi xảy ra sự việc phải báo cáo ngay với ban giám đốc… Khi có quy chế giám sát chặt chẽ thì việc giám sát mới hiệu quả.

Ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh: "Ngoài ra, các cơ sở còn phải có cơ chế kiểm tra. Định kỳ giám đốc phải kiểm tra má các cháu có đỏ không, mông có bầm không…".

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 2

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), cho rằng: "Nếu các cơ sở thực hiện tốt hướng dẫn kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em thì sẽ rất khó xảy ra những vụ việc như Mái ấm Hoa Hồng".

Theo bà Kim Thanh, từ năm 2020, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã ban hành Hướng dẫn 10704/HD-SLĐTBXH về việc thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở bảo trợ trên địa bàn thành phố.

Hướng dẫn 10704/HD-SLĐTBXH nêu chi tiết các công việc cần phải làm để đảm bảo hạn chế tuyệt đối việc trẻ ở cơ sở bảo trợ xã hội không bị bạo lực, xâm hại.

Bà Kim Thanh cho rằng: "Nếu tuyên truyền tốt đến từng chủ cơ sở, thành viên các cơ sở bảo trợ xã hội thì chắc hẳn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc như trên. Bởi không chỉ người có hành vi bạo lực lãnh hậu quả mà cả chủ cơ sở, đồng nghiệp thấy mà không tố giác… cũng chịu trách nhiệm liên đới".

Nỗi đau của thành phố, thách thức của toàn ngành!

Theo bà Kim Thanh, người chăm sóc trẻ cũng là con người, đôi khi bị tình cảm chi phối mà có hành vi bộc phát. Do đó, việc theo dõi chặt chẽ gia cảnh, sức khỏe tinh thần của nhân viên chăm sóc trực tiếp là rất quan trọng để can thiệp kịp thời, hạn chế xảy ra các vụ bạo hành bộc phát.

Bà Kim Thanh góp ý: "Khi cán bộ, nhân viên đến cơ sở làm việc, bảo vệ cũng phải quan sát xem họ có mệt mỏi, khó chịu không. Nếu họ có việc nhà, đang ốm, mệt mỏi cũng phải ráng đi làm thì bố trí ngay người thay thế để không xảy ra sự việc đáng tiếc".

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 3

Các bé từ Mái ấm Hoa Hồng được chăm sóc tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (Ảnh: An Huy)

Sau sự việc ở Mái ấm Hoa Hồng, 3 cơ sở bảo trợ công lập phải tiếp nhận cùng lúc 84 trẻ, cũng quá tải, cũng phải sớm có giải pháp. Giải pháp căn cơ là tăng cường nhân sự chăm sóc trẻ, còn trước mắt là phải giải tỏa áp lực tâm lý cho nhân viên hiện có.

"Bình thường công việc đã áp lực, nay số lượng trẻ quá lớn, tăng nhanh, công việc quá tải thì cũng phải mời chuyên viên tâm lý đến để tư vấn cho nhân viên, đánh giá sức khỏe tinh thần của họ. Ai cũng có áp lực của riêng mình, có khi sẽ bộc phát khó lường", bà Kim Thanh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội dù là công lập hay ngoài công lập cũng phải thực hiện tốt hướng dẫn kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em thì mới hạn chế được tình trạng này.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 4

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đánh giá, sự việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng là nỗi đau của thành phố, xét về chuyên môn thì là vấn đề thách thức của ngành lao động, thương binh và xã hội.

Do đó, ông Thinh đề nghị các cơ sở bảo trợ xã hội công lập phải tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, giám sát một cách thực chất để đảm bảo không để xảy ra vụ việc như tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.

Cô nuôi phải ký cam kết trước khi nhận, tiếp xúc trẻ

Rà lại hệ thống quy định quản lý, Trưởng phòng Trần Thị Kim Thanh cho rằng, Hướng dẫn 10704/HD-SLĐTBXH quy định rất chặt chẽ, chi tiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi được nuôi dưỡng tại cơ sở và cả khi tham gia các hoạt động bên ngoài.

Trong nội dung kiểm soát nội bộ đảm bảo an toàn cho trẻ tại cơ sở, hướng dẫn trên yêu cầu cơ sở phải thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn, thảo luận chuyên đề về pháp luật trẻ em; kỹ năng làm việc với trẻ em; kiến thức và kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em… 

Các công việc trên phải được thực hiện ít nhất 2 lần mỗi năm cho tất cả nhân viên cơ sở và ít nhất 2 lần mỗi năm cho trẻ em tại cơ sở.

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tình nguyện viên làm việc tại cơ sở phải ký cam kết bằng văn bản các nội dung bảo vệ trẻ em. Đây cũng là các nội dung mà cơ sở cần giám sát.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 5

Văn bản cũng hướng dẫn những biện pháp mà cơ sở cần thực hiện để đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em trong suốt thời gian được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 7

Trong quá trình chăm sóc trẻ, Hướng dẫn 10704/HD-SLĐTBXH cũng nêu chi tiết các quy định thực hiện quyền trẻ em phải được đảm bảo thường xuyên.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 9

Khi trẻ em tham gia các hoạt động bên ngoài cơ sở bảo trợ xã hội, hướng dẫn 10704/HD-SLĐTBXH cũng quy định chi tiết những việc cần lưu ý thực hiện để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Giám sát cơ sở bảo trợ trẻ em: Kiểm tra từng trẻ má có đỏ, mông có bầm! - 11