Vụ Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM là bạo hành trẻ em và lợi dụng việc từ thiện

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM bước đầu được xác định là vụ bạo hành trẻ em, liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện và nhân đạo.

Vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng ở quận 12 (TPHCM) được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/9, cùng phản ánh về thực trạng hiện có rất nhiều mái ấm thiện nguyện dạng tự phát trên cả nước nhưng không được quản lý, có chiều hướng là lợi dụng để ăn chặn và thu lợi từ tiền thiện nguyện.

Buông lỏng quản lý nên thanh tra không phát hiện vi phạm

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết vụ việc Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em. Bên cạnh đó, vụ việc cũng liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện và nhân đạo.

Ngay sau khi các vụ việc được phát hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UBND TPHCM và các cơ quan, ban ngành của TPHCM phối hợp vào cuộc, xử lý ngay.

Vụ Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM là bạo hành trẻ em và lợi dụng việc từ thiện - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi thông tin về vụ việc Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Bộ trưởng LĐTB&XH cũng đã ban hành ngay Công điện số 02 gửi TPHCM và các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết Mái ấm Hoa Hồng không phải cơ sở tự phát mà được Quận 12 cấp phép hoạt động. Khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng xác định có 86 cháu được chăm sóc tại đây là vượt quá số lượng được cấp phép (35 cháu).

86 cháu sau đó đã được Sở LĐ-TB&XH TPHCM và Quận 12 đưa vào 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, bảo đảm quyền lợi của trẻ em, trong đó có 2 cháu đã được gia đình đón về.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, cơ sở Mái ấm Hoa Hồng hiện đã bị thu hồi giấy phép và tạm giữ các cá nhân liên quan, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Về các mái ấm và cơ sở tự nguyện trên cả nước, theo tinh thần của Luật Trẻ em và luật pháp có liên quan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách để huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc giúp đỡ cho trẻ em.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động các cơ sở này có quy định theo các cấp: xã, huyện, tỉnh.

"Quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Nếu vi phạm, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng xử lý hình sự", Thứ trưởng Hồi cho hay.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết các loại hình cơ sở hiện nay có nhiều và hoạt động theo cơ chế phân cấp. Tất cả cơ sở phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chăm sóc… theo quy định.

Qua vụ việc của Mái ấm Hoa Hồng, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Thực tế, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý, điển hình là việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra kiểm tra chưa xử lý được.

"Đây là buông lỏng quản lý. Qua vụ việc này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát trên cả nước. Đặc biệt là cấp xã phải tăng cường kiểm tra thanh tra tại cơ sở, cấp huyện tăng cường công tác thanh tra kiểm tra cấp huyện, cấp tỉnh cũng vậy", Thứ trưởng Hồi nhấn mạnh.

Cơ sở chưa có giấy phép hoạt động thì phải dừng

Quan điểm được lãnh đạo Bộ Lao động quán triệt là cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì phải dừng. Cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí điều kiện phải khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em.

Vụ Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM là bạo hành trẻ em và lợi dụng việc từ thiện - 2

Trẻ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng (Ảnh cắt từ clip: Thanh Niên).

Thứ trưởng Hồi cũng đề nghị tăng cường công nghệ áp dụng trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở mái ấm.

Dẫn quy định mới nhất của Nghị định số 110 Chính phủ mới ban hành về công tác xã hội, Thứ trưởng Hồi lưu ý một số nội dung như trong hoạt động thiện nguyện, Nhà nước tạo các cơ hội cho các tổ chức cá nhân có thể giúp đỡ người khó khăn nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, không được bóc lột, lợi dụng, hành hạ, xâm hại các đối tượng…

Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp phải tuân thủ tiêu chí, điều kiện và phải được phép hoạt động.