Giảm năm đóng BHXH để sớm nhận lương hưu, người lao động nói gì?
(Dân trí) - Nhiều người lao động ở Đà Nẵng tán đồng với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc rút ngắn số năm đóng BHXH xuống còn 15 hoặc 10 năm để hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo quyền lợi khi không còn làm việc...
Người lao động đồng tình
Chị Nguyễn Hoài Thu (40 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đang làm công nhân tại một công ty sản xuất bao bì. Sau 2 lần chuyển công ty, chị Thu đã có 13 năm đóng BHXH.
Công việc của người công nhân nhiều lúc vất vả, phải làm ca đêm. Có thời điểm, chị Thu cũng tính chuyển việc khác. Vì vậy, chị tán thành đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc giảm năm đóng BHXH xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm để nhận lương hưu.
"Thay vì 7 năm nữa tôi mới được nhận lương hưu thì với đề xuất này, tôi chỉ cần 2 năm nữa thôi. Công nhân như chúng tôi lương chỉ đủ chi tiêu chứ không có tiền tích lũy. Nếu có lương hưu khi về già thì đó là điều rất đáng mừng", chị Thu chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Phương (36 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH giảm năm đóng BHXH để sớm có thể nhận được lương hưu.
Chị Nguyễn Thị Phương đang làm nhân viên văn phòng với 14 năm tham gia BHXH.
"Đề xuất giảm năm đóng BHXH rất có lợi cho người lao động. Nếu người lao động muốn nghỉ sớm vẫn có lương hưu chứ không cần chờ đủ đóng 20 năm", chị Phương nói.
Đánh giá về vấn đề này, anh Hoàng Văn Đông (34 tuổi), kỹ sư công nghệ thông tin, đang làm việc cho một công ty trên bàn TP Đà Nẵng, cho rằng cần tạo cho người lao động được quyền lựa chọn khung 10 năm, 15 năm hay 20 năm.
"Cũng có những người muốn nghỉ hưu sớm nhưng cũng có người muốn tích lũy lâu dài để mức lương cao hơn. Vì vậy, hãy để người lao động được quyền lựa chọn, như thế sẽ tạo được sự hài hòa lợi ích của người lao động", anh Đông nói.
Chính sách linh hoạt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng cho biết, thực tế có những người lao động làm việc khoảng 10-15 năm là nghỉ hưu hoặc một số lao động rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc.
Vì vậy, đề xuất giảm đóng BHXH xuống 15 năm hay 10 năm là chính sách linh hoạt cho người lao động.
"Ở nhiều nước khác, họ đã làm cái này rồi, Tuy nhiên, người lao động cũng nên cân nhắc bởi nguyên tắc của BHXH đóng càng nhiều thì hưởng càng cao và thời gian đóng càng ít mức lương sẽ thấp. Cho nên người lao động nên cân nhắc lựa chọn hình thức đóng và thời gian đóng cho phù hợp", ông Minh nói.
Theo ông Minh, khi có chủ trương này, cần tuyên truyền cho người lao động thấy rõ, so sánh được mức 20 năm thì tỷ lệ hưởng bao nhiêu, 15 năm tỷ lệ hưởng bao nhiêu và 10 năm thì tỷ lệ hưởng bao nhiêu để đưa ra quyết định, tránh thiệt thòi cho người lao động.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng phân tích, đề xuất giảm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm sẽ tạo điều kiện cho người lao động có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Người dân nói chung, người lao động nói riêng đương nhiên sẽ được hưởng lợi, vì đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tuy nhiên theo ông Hùng Anh, khi giảm năm đóng BHXH, người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là thời gian đóng ngắn sẽ không thể có lương hưu cao, nếu đóng mức cao sẽ gây áp lực không chỉ cho người dân, người lao động mà cả chủ sử dụng lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo tờ trình Chính phủ về sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH…