PhotoStory

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên!

Thực hiện: Trung Thi - Hoài Sơn

(Dân trí) - Buổi lễ tưởng niệm 36 năm ngày 64 chiến sỹ anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã diễn ra trong không khí trang trọng, xúc động tại Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng.

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 1

Sáng 14/3, hàng trăm người dân, đoàn thể đã đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa để dâng hương, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 liệt sĩ anh hùng (Ảnh: Trung Thi).

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 2

Hôm nay (14/3), tròn 36 năm sau sự kiện hải chiến Gạc Ma bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2024).

Cách đây 36 năm, vào ngày 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma, những người lính Hải quân Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ tổ quốc cắm trên đảo, khẳng định chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã được khắc họa bằng cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" kiêu hãnh ở khu tưởng niệm.

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 3

Đoàn Tỉnh ủy Khánh Hòa do ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa làm trưởng đoàn dâng hoa, dâng hương lên 64 liệt sỹ Gạc Ma (Ảnh: Trung Thi).

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 4

Đoàn chiến sĩ hải quân viếng hương các liệt sỹ Gạc Ma.

Đại tá Phạm Đình Thanh, Chính trị viên hệ 1 Học viện Hải quân bày tỏ sự trân quý, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

"Qua đây, chúng tôi muốn giáo dục thế hệ, chiến sỹ đi sau sẽ mãi ghi ơn, cống hiến của cha, anh đi trước. Qua đó mỗi cá nhân cần cố gắng phấn đấu, rèn luyện, đoàn kết bảo vệ biển đảo quê hương, toàn vẹn lãnh thổ", Đại tá Thanh chia sẻ.

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 5

Tại Đà Nẵng, Hội cựu chiến binh công binh hải quân thành phố Đà Nẵng cùng thân nhân liệt sỹ đến dự buổi lễ tưởng niệm, dâng hương, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 chiến sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma (Ảnh: Hoài Sơn).

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 6

Trong không khí trang nghiêm, với lòng thành kính tri ân, các đại biểu đã dâng hương, tưởng nhớ 64 liệt sỹ đã hy sinh (Ảnh: Hoài Sơn).

Đại tá Hoàng Duy Lập - nguyên Chỉ huy trưởng Trung đoàn công binh 83 bày tỏ sự xúc động khi nhắc về những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Ông Lập cho hay, ngày này hằng năm sẽ là ngày mọi người tưởng nhớ để không thể và không bao giờ quên sự hy sinh của 64 chiến sỹ tại Gạc Ma.

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 7

Mẹ Lê Thị Lan (82 tuổi, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Hữu Lộc rơm rớm nước mắt khi kể về người con hy sinh trong sự kiện Gạc Ma (Ảnh: Hoài Sơn).

Đã 36 năm trôi qua, mẹ Lan vẫn sống trong nỗi nhớ khôn nguôi về con, người chiến sỹ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma, đã hòa mình trong biển cả thiêng liêng của tổ quốc.

Mẹ Lan bảo, thương nhớ con nhưng nếu một lần nữa được lựa chọn, mẹ tin rằng anh Lộc vẫn sẽ lựa chọn con đường đã đi, bởi chủ quyền biển đảo của tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Gạc Ma, không thể và không bao giờ quên! - 8

Cũng trong sáng 14/3, tại đình Nại Nam, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và tri ân 64 liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma (Ảnh: Hoài Sơn).

Đình Nại Nam nơi có bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh qua các thời kỳ của phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, Đà Nẵng), trong đó có tên 7 liệt sỹ là con em địa phương hy sinh trong trận Gạc Ma.

Ông Nguyễn Văn Tấn, trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988, cho biết đây là hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp 14/3. Mỗi năm đến dịp này, nhiều cựu binh từng công tác tại Trường Sa đều tập trung về đây để chia sẻ đau thương, mất mát với thân nhân các gia đình liệt sỹ.