Lá thư cuối cùng của liệt sỹ Trần Văn Bảy từ đảo Gạc Ma gửi về gia đình
(Dân trí) - "Ngày mai tàu con rời bến đi đảo. Nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả....", đây là những dòng thư của liệt sỹ Trần Văn Bảy gửi về gia đình trước lúc hy sinh.
Liệt sỹ Trần Văn Bảy sinh năm 1967 (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), nhập ngũ năm 1985, hy sinh ngày 14/3/1988, trên tàu HQ604, trong trận chiến bảo vệ chủ quyền (CQ-88) tại đảo đá Gạc Ma (thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), khi vừa tròn 20 tuổi.
Ông Trần Văn Thu (anh trai liệt sĩ Trần Văn Bảy) cho biết, gia đình ông vốn có truyền thống cách mạng, cha là chiến sĩ kháng chiến chống thực dân Pháp. Gia đình có 2 liệt sỹ là Trần Văn Uộng và Trần Văn Uổng đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Đang học lớp 12, anh Bảy viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, xã kiên quyết không đồng ý cho anh Bảy nhập ngũ. Kể cả gia đình cũng khuyên can bảo đợi học xong rồi đi, nhưng anh Bảy xuống tận huyện, gặp Chủ tịch huyện để xin đi bộ đội bằng được.
"Trước ngày em Bảy nhập ngũ, mẹ tôi mắt đỏ hoe dặn dò Bảy phải giữ gìn sức khỏe. Bảy bảo, bố mẹ cứ yên tâm. Con đi vài năm rồi con lại về, lúc đó con sẽ lấy vợ để bố mẹ thỏa mong ước có cháu bế bồng", ông Thu nhớ lại.
Mấy tháng đầu nhập ngũ, anh Bảy đang huấn luyện tân binh nên mỗi khi rảnh rỗi là anh lại viết thư gửi cho gia đình. Tháng 11/1987, anh Bảy viết thư về cho gia đình thông báo sẽ ghé Hải Phòng lấy hàng trước khi lên đảo.
Biết em trai sẽ ghé qua Hải Phòng nên hai anh trai là ông Trần Văn Thu và Trần Văn Thịnh lặn lội xuống thăm em. Đêm hôm đó 3 anh em tâm sự, động viên anh Bảy cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Trước khi đi, anh Bảy tặng anh trai một con ốc biển lớn (nay đã được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), dặn đi dặn lại: "Nhớ cất kỹ, sau này, mỗi lần nhìn con ốc là nhớ đến em".
Một ngày đầu tháng 3/1988, gia đình nhận được lá thư của anh Bảy gửi về, trong thư anh viết: "… Tết trong này nói chung là vui vẻ, nhưng thiếu mỗi tình cảm thôi,... Con vẫn khỏe, bố mẹ và các anh chị cứ an tâm. Còn tình hình công tác, mồng 1 tháng 3 tàu rời Sài Gòn đi Cam Ranh, chở hàng Cam Ranh đi Trường Sa, cho nên ngày mai, tàu con rời bến đi đảo. Nói đi đảo Trường Sa có lẽ bố mẹ buồn, nhưng không có gì nguy hiểm cả.
Tất cả con đã nói với anh hết rồi. Còn tình hình gia đình ra sao rồi, bố mẹ có được khỏe không? Tết vừa rồi gia đình và các anh chị ăn Tết có to không? Chắc là gia đình mong con lắm phải không? Con không về thì gia đình cũng buồn nhỉ.
Bệnh tình của mẹ sao rồi, có nguy hiểm lắm không? Bố có khỏe không? Các anh chị kinh tế có gì khó khăn không? Các cháu khỏe chứ? Các cháu cố gắng ngoan, học giỏi cho bố mẹ cháu mừng.
Còn em Thêu thì sao, học hành có tốt không? Lên lớp đều đều chứ? Cố gắng học hết lớp 12 sau đó rồi tính chuyện sau em ạ, anh nhớ em lắm, giờ không biết em lớn lắm chưa hay vẫn còi... Thôi, con sơ qua vài lời để gia đình biết tin khỏi mong vậy thôi...".
Nhận được thư em trai gửi về nhà vài ngày, khi cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì ông Thu nghe thấy trên radio phát đi danh sách 64 chiến sỹ hy sinh trên đảo Gạc Ma. Lúc nghe đến tên Trần Văn Bảy, ông Thu nín lặng bỏ bữa cơm chạy ra ngoài, không dám báo hung tin cho gia đình.
Ông Thu nhớ lại: "Lúc biết tin em Bảy mất, cả nhà tôi òa khóc, mẹ gào khóc "Thế là mất nó rồi"… rồi lịm đi. Gia đình tôi có 8 anh chị em, có 4 anh em trai tham gia bộ đội, bố tôi tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi 4 lần tiễn con đi, thì 3 lần tuôn nước mắt".
Hiện nay, bức thư cuối cùng của liệt sỹ Trần Văn Bảy đã được gia đình tặng cho Bảo tàng tỉnh Hà Nam để lưu giữ và trưng bày.