1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bức thư đặc biệt vỏn vẹn 25 chữ gửi về quê nhà của người lính Gạc Ma

Tiến Thành

(Dân trí) - Sau 1 năm chịu tù đày, cựu binh Nguyễn Văn Thống thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế mới gửi được bức thư vỏn vẹn 25 chữ về cho gia đình để báo tin mình còn sống.

Tự tay dỡ bàn thờ mình

"Sau khoảng một năm bị giam giữ, chúng tôi nhờ có Hội Chữ thập đỏ Quốc tế mới gửi được thư về gia đình, vì chỉ được viết nội dung báo tin mình còn sống đang ở Trung Quốc, nên gói gọn trong 25 chữ thôi", ông Thống nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Thống (SN 1964) là 1 trong 9 người bị bắt giữ trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. 36 năm trôi qua, ông Thống giờ trở về với cuộc sống bình dị, miệt mài lao động trên mảnh đất quê hương, nơi làng biển Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Bức thư đặc biệt vỏn vẹn 25 chữ gửi về quê nhà của người lính Gạc Ma - 1

Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (Ảnh: Tiến Thành).

Với ông Thống, sự kiện Gạc Ma ngày ấy và quãng thời gian hơn 1.000 ngày chịu tù đày ở bán đảo Lôi Châu sẽ là ký ức không quên. Năm đó, gia đình đã lập bàn thờ vì tưởng chừng ông đã hy sinh và nằm lại với đất trời Trường Sa.

"Ngày đó tàu của chúng tôi bị tấn công rồi chìm dần, tôi bị thương cố gắng ngụp lặn thoát khỏi tàu, bám lấy tấm ván gỗ rồi lênh đênh trên biển suốt ngày trời. Đến 16h ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc phát hiện và bắt tôi đưa về bán đảo Lôi Châu", ông Thống chia sẻ thêm.

Sau một năm bị giam cầm, nhờ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, ông Thống và đồng đội mới có cơ hội viết thư gửi về Việt Nam. Nội dung thông báo mình còn sống để gia đình yên tâm. Bức thư qua thời gian, nay cũng đã thất lạc.

Bức thư đặc biệt vỏn vẹn 25 chữ gửi về quê nhà của người lính Gạc Ma - 2

Cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, giao lưu, ôn lại quá khứ hào hùng (Ảnh: Tiến Thành).

"Ngày đó mẹ tôi cứ nghĩ con đã hy sinh, lập bàn thờ rồi đặt chiếc áo hải quân lên, chứ cũng không có bức ảnh nào. Một thời gian sau, gia đình nhận được bức thư tôi gửi, lúc đó mọi người hết sức bất ngờ, vừa mừng vừa lo, mừng là tôi còn sống, lo vì chưa biết bao giờ mới được trở về", ông Thống nói.

Đến tháng 8/1991, ông Thống cùng 8 chiến sỹ khác của tàu HQ604 mới được trả tự do. Ông Thống phải nằm ở Bệnh viện 108 Quân đội thêm 3 tháng rồi mới trở về quê hương.

Người lính trở về từ Gạc Ma đã tự tay dỡ bàn thờ của mình, còn mặc lại chiếc áo được xếp ngăn nắp trên bàn thờ như lời khẳng định với mẹ mình còn sống, trở về bằng xương, bằng thịt.

Tri ân những người đã ngã xuống

Trở về sau trận hải chiến, cựu binh Nguyễn Văn Thống mang trên mình đầy thương tật, mắt trái bị hỏng, bàn tay biến dạng, ngón gãy, ngón đứt. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của gia đình, địa phương, ông Thống đã lấy vợ là một người phụ nữ cùng quê. Vợ chồng được địa phương cấp một mảnh đất cạnh chợ xã Nhân Trạch.

Bức thư đặc biệt vỏn vẹn 25 chữ gửi về quê nhà của người lính Gạc Ma - 3

Cựu binh Gạc Ma thả hoa đăng, tri ân liệt sỹ đã ngã xuống (Ảnh: Tiến Thành).

Ra đi trai tráng, ngày về gửi lại một phần máu thịt ở Gạc Ma, những đồng đội của ông đã mãi nằm lại biển khơi. Dù còn vất vả nhưng Thương binh Nguyễn Văn Thống và các cựu binh Gạc Ma khác đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cấp, chính quyền cũng như các đơn vị, tổ chức.

Suốt nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và các đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma ngày ấy lại tổ chức gặp gỡ, để tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng mãi là vết hằn đau thương, nhắc nhở thế hệ trẻ rằng "Tổ quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ quốc". 64 cán bộ chiến sỹ dũng cảm chiến đấu và hóa thành bất tử, các anh đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.

Bức thư đặc biệt vỏn vẹn 25 chữ gửi về quê nhà của người lính Gạc Ma - 4

Tên của anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương được đặt tên đường tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, các cựu binh tại tỉnh Quảng Bình đã về thị xã Ba Đồn thực hiện lễ thả bè hoa và thắp 64 ngọn hoa đăng trên dòng sông Gianh. Từ đất liền, các cựu binh Gạc Ma vái vọng hương hồn đồng đội còn nằm lại phía chân trời.

Năm nay, chính quyền thị xã Ba Đồn cùng Ban liên lạc cựu binh Gạc Ma tổ chức gắn tên đường mang tên liệt sỹ Gạc Ma Trần Văn Phương. Liệt sỹ Phương quê tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma - người đến lúc ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc cắm trên đảo.

Đầu tháng 3/1988, thực hiện chỉ thị từ cấp trên, lực lượng Hải quân Việt Nam triển khai nhiệm vụ xây dựng và đóng giữ các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

Chiều 13/3/1988, cán bộ chiến sỹ tàu HQ604 và HQ505 tiếp cận Gạc Ma, Cô Lin, cắm cờ thể hiện chủ quyền, chuyển vật liệu xây dựng đảo. Rạng sáng 14/3/1988, tàu HQ605 thả neo, cử cán bộ chiến sỹ lên cắm cờ trên đảo.

Đến 6h ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 xuồng chở quân đổ bộ lên Gạc Ma, dựa vào thế đông người, tiến đến hòng giật cờ của ta.

Trước sự quyết tâm bảo vệ đảo, bảo vệ cờ Tổ Quốc của các cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, quân địch đã nổ súng vào Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Đảo trưởng.

Gần một giờ sau, không khuất phục được ý chí kiên cường của bộ đội ta, đối phương đã dùng súng bắn xối xả vào các cán bộ, chiến sỹ trên đảo rồi ra xuồng rút về tàu, dùng hỏa lực mạnh bắn vào tàu HQ604 khiến tàu hư hỏng và chìm xuống biển.

Khi thấy tàu HQ604 bị bắn phá, 2 tàu còn lại là HQ505 và HQ605 đã nhanh chóng nổ máy lao thẳng lên bãi Cô Lin và Len Đao, kiên quyết giữ đảo. Thấy vậy, các tàu địch đã nổ súng bắn phá khiến các tàu của ta bị hư hỏng nặng. Sự kiện xảy ra tại Gạc Ma, đã có 64 cán bộ chiến sỹ của ta anh dũng hy sinh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm