Đừng để phải nói "giá như" trước những vụ bạo hành trẻ
(Dân trí) - Những vụ xâm hại, bạo lực trẻ em xảy ra cho thấy công tác bảo vệ trẻ vẫn còn hạn chế. Thông điệp trong Tháng hành động vì trẻ em là kêu gọi trách nhiệm cả xã hội, mỗi gia đình, các bậc phụ huynh.
Ngày 31/5, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã diễn ra lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay mang 2 thông điệp. Đầu tiên là thông điệp kêu gọi cả cộng đồng chung tay bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Thông điệp khác là sự đốc thúc mỗi người lên tiếng tố cáo những hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam chia sẻ, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí... đạt tỷ lệ 100%.
Tuy nhiên, hiện nay các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế, đối tượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn, nạn bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn xảy ra. Điều này cho thấy công tác phòng ngừa vẫn còn hạn chế, để làm tốt cần có sự ủng hộ, thực hiện có trách nhiệm từ phía gia đình và xã hội.
"Để không còn những câu chuyện đáng tiếc, "giá như", "nếu biết như thế"… thì những người thân thiết, những người chăm sóc trẻ, cộng đồng xã hội cần phải đặt mạnh vấn đề nghi ngờ, giám sát, tăng cường công tác phòng ngừa và lên tiếng tố cáo đến các cơ quan chức năng, các hành vi, các vụ việc xâm hại trẻ em, đừng "câm lặng", bao che mà làm tổn hại đến trẻ", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam kêu gọi.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cấp ban ngành cần làm tốt hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, định hướng cho trẻ em, đặc biệt những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, khuyết tật, trẻ em vùng sâu vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Duy trì phát huy vai trò nòng cốt chức năng của các văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng và điểm tư vấn trường học.
Tại buổi lễ phát động, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã trao 50 suất học bổng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đại Lộc. UBND huyện Đại Lộc huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ một điểm vui chơi cho trẻ em Trường mầm non xã Đại Cường trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ điểm vui chơi cho trẻ em Trường mầm non xã Đại Minh trị giá 50 triệu đồng.
Thừa Thiên - Huế: Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vui Têt thiếu nhi
Gần 500 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế tham dự ngày hội mừng lễ Quốc tế thiếu nhi do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tổ chức.
Chương trình "Ngày hội thiếu nhi dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn năm 2022" diễn ra trong ngày 31/5 tại Thừa Thiên Huế, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Trong ngày hội, các em thiếu nhi đã tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như thi thố tài năng trang hoàng, sinh hoạt trại; tham gia hội thao "Vui khỏe", các sân chơi dân gian như nhảy sạp, nhảy bao bố, sinh hoạt dân vũ; trải nghiệm kỹ năng mỹ thuật vẽ tranh, tô tượng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, là dịp để các cấp, ngành và cộng đồng xã hội quan tâm hơn nữa công tác chăm lo, giáo dục trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Hơn 100.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào nghịch cảnh
Cũng trong ngày 31/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2022. Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Thanh Hóa cho biết, năm 2022, Tháng hành động vì trẻ em được phát động trên toàn quốc với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".
"Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, với mục đích phát động sự hưởng ứng thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 của các cấp chính quyền, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, kêu gọi, vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của mỗi cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, gia đình trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống bạo lực, xâm hại và tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em trong dịp hè", bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh.
Theo bà Hương, Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ tập trung triển khai thực hiện các hoạt động trọng tâm như tổ chức các chiến dịch truyền thông, vận động xã hội để huy động các nguồn lực tích cực tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giải quyết các vấn đề về trẻ em như xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
Chương trình cũng hướng tới mục tiêu hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Nội dung hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em cũng để tăng cường việc quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại gia đình, cộng đồng dân cư để bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, đuối nước; phổ biến, hướng dẫn, giáo dục cho trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em…
Cũng tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong thực thi chính sách, pháp luật về trẻ em và triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, kế hoạch hành động vì trẻ em.
Theo ông Đầu Thanh Tùng, trước xu thế phát triển của xã hội và cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những thành tựu mang lại thì tác động mặt trái của công nghệ, cuộc sống hiện đại cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
"Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em", ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, thời gian tới các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị... và mỗi gia đình, người dân cần có hành động tích cực hơn nữa để gần 940.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của đất nước nói chung.
Thay mặt hàng trăm nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, em Nguyễn Thị Hồng Nhung (học sinh Trường THCS Minh Khai) nêu nguyện vọng, mong muốn, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, các cấp ủy, ban, ngành... sẽ tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đem đến nhiều sân chơi, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tham gia các diễn đàn trẻ em, cơ hội được giao lưu, chia sẻ, học tập để hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn quyền, bổn phận của mình.
"Từ đó, các cháu sẽ phát triển năng lực, trí lực, sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống, chuẩn bị tốt hành trang để trở thành những công dân ưu tú trong tương lai, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng" - em Nhung hứa.
Trong khuôn khổ buổi lễ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao bảo hiểm an sinh giáo dục tới 5 trẻ em; trao quà tặng 20 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt có thành tích học tập tốt.
Ngoài ra, thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa, các nhà tài trợ cũng hỗ trợ 120 xe đạp và hàng trăm triệu đồng đến trẻ em khó khăn.