"Đóng bảo hiểm mức cơ bản, 20 năm sau lương hưu thấp là đương nhiên"
(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai về thực tế mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thấp so với thu nhập.
Mức lương đóng bảo hiểm xã hội thấp
Trao đổi tại diễn đàn trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thống kê về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương, khối giày da có khoảng 200.000 lao động với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội là 9 triệu đồng/tháng; ngành dệt may khoảng 80.000 lao động có tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là 7 triệu/tháng và bình quân 6,5 triệu đồng/tháng đóng bảo hiểm xã hội thuộc về ngành chế biến gỗ với 12.000 lao động.
Nhìn vào con số thống kê trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai khẳng định, sẽ có người đóng bảo hiểm xã hội trên mức lương vài chục triệu đồng và có người lao động đóng với lương vài triệu đồng. Bởi, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thấp.
Với mức lương đóng bảo hiểm xã hội không cao, ông Thành thấy xót xa cho người lao động nữ trong ngành dệt may ở độ tuổi 18-35. Đây là giai đoạn họ thực hiện chế độ thai sản. Mỗi nữ lao động sẽ có 2 lần sinh con và vị này đặt câu hỏi liệu tiền trợ cấp thai sản 6 tháng có đủ để nuôi con?
Theo khảo sát, ông Thành cho biết, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của công nhân khu công nghiệp chiếm 60% thu nhập. Có nhiều lần ông đề xuất khoản này phải chiếm lên đến 80%, song các văn bản của nhà nước tham gia điều chỉnh ở mức 70%.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, lương hưu của người lao động là khoản "hờ". Bởi, các doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương rất cơ bản. "20 năm sau chắc chắn lương hưu thấp là đương nhiên", ông Thành khẳng định.
"Đau lòng" trước con số nhận bảo hiểm xã hội một lần
Nhìn vào con số rút bảo hiểm xã hội một lần ở địa phương, ông Thành cho biết hết sức đau lòng. Dù Đồng Nai đã truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội đến người lao động rất mạnh nhưng thực tế "người dân ăn chưa no, làm sao lo được đến ngày mai".
"Chúng tôi thống kê năm 2021 có 48.600 người nhận bảo hiểm xã hội một lần, năm 2022 tăng lên là 51.600 người, nhưng đến 11 tháng 2023 con số này đã lên đến 60.000 người. Những người này thực chất đã đi làm từ 5 đến 10 năm, cách đây 12 tháng đã nghỉ việc và hiện nay không có việc làm", Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai nói.
Ông đề nghị công đoàn cố gắng phấn đấu tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động. Vì khi thấy 60.000 người này rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, ông Thành thấy băn khoăn khi thực thi nhiệm vụ. Khi lượng người này hết tuổi lao động, không có trong hệ thống an sinh xã hội thì Chính phủ phải trợ cấp xã hội.
"Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khoảng 2.000 tỷ đồng để lo việc này", ông Thành nói và cho rằng, làm sao để giữ người lao động trong hệ thống, ngân sách không phải chi tiêu khoản trợ cấp này và đảm bảo cho người lao động có lương hưu.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cũng nhận định, việc tìm ra giải pháp hạn chế người rút bảo hiểm xã hội một lần là rất quan trọng, giúp bảo toàn hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội.