Đóng 5 năm, rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được 25-30 triệu đồng
(Dân trí) - 70% số người rút bảo hiểm xã hội một lần rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm tham gia. Thực tế, người lao động chọn rút bảo hiểm nhiều dù số tiền họ nhận được không lớn.
Day dứt trước con số rút bảo hiểm xã hội một lần
Tại chuyên đề 2 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra sáng 19/9, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu, trong thời gian qua, vấn đề gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần nhận nhiều sự quan tâm, đi kèm nhiều lo lắng.
Theo ông Hiển, cần có sự sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trong thời gian tới để khắc phục những vướng mắc hiện có.
Ông đề nghị làm rõ thực trạng của vấn đề này, những định hướng lớn về mặt giải pháp đưa vào trong luật để hạn chế tình trạng này.
Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhận định, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng rất day dứt.
Trong giai đoạn 2016-2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến khoảng 5 triệu người. Trong đó, có 1,3 triệu người quay trở lại thị trường lao động, đóng bảo hiểm và giảm 3,7 triệu người không tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian 2016 - 2022.
Nếu không có số lao động rời khỏi hệ thống thì số người tham gia bảo hiểm sẽ tăng từ 13 triệu người năm 2016 lên 21-22 triệu người năm 2022. Nhưng vì hơn 3 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần nên còn lại 17,5 triệu tham gia bảo hiểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, số người rút chủ yếu rơi vào nhóm đóng dưới 5 năm (chiếm gần 70%). Nhìn chung, tham gia bảo hiểm xã hội số thời gian trên, người lao động chỉ rút được 25-30 triệu đồng, số tiền không lớn.
"Nguyên nhân chính là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời. Nhiều người khi gặp khó khăn trước mắt sẽ nghĩ đến khoản tiền này. Bên cạnh đó, không ít người lao động vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm xã hội không quan trọng trong tương lai", ông Hồi phân tích.
Trong thời gian tới, theo ông Hồi, cần nhiều giải pháp và tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Bộ đã đề xuất giải pháp đầu tiên là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt cũng như tạo thuận lợi để họ tiếp cận vốn tín dụng chính sách...
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần có chính sách giảm thời gian đóng tối thiểu bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, tăng các chế độ hỗ trợ khác về thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp... để người lao động yên tâm tham gia.
Giải pháp đảm bảo an sinh thực sự
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nhắc lại việc Chính phủ đưa ra 2 phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trong đó, phương án 1 là tiến tới không cho rút một lần (với những trường hợp bắt đầu tham gia hệ thống từ thời điểm luật có hiệu lực - tháng 7/2025). Phương án thứ 2, chỉ cho rút 50% khoản tiền đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Ông Phong nhấn mạnh, phương án nào Chính phủ đưa ra cũng có ưu, nhược điểm và cần đánh giá thật kỹ. Khi tham vấn, người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án.
Trong đó, có ý kiến không đồng ý cả 2 phương án đưa ra trong dự thảo luật vì cho rằng phương án 1 sẽ dẫn đến mất công bằng với người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Với phương án thứ 2, có ý kiến cho rằng, tỷ lệ tiền chủ sử dụng đóng cho người lao động về bản chất cũng là tiền của người lao động. Vậy tại sao lại chỉ cho rút 50% chế độ, căn cứ để đưa ra mức tỷ lệ đó chưa được giải trình rõ...
Quan điểm của Ủy ban là bất kỳ phương án thì mục đích cũng phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động.
Ông Phong thông tin thêm về độ tuổi rút bảo hiểm, qua nghiên cứu là từ 20 đến 40 tuổi và theo vùng miền thì Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ rút là chính còn miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc rút không đáng kể.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp như cơ chế tín dụng với lãi suất thấp khi gặp khó khăn, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán cho vấn đề này.
"Xác định, đây là vấn đề nhạy cảm, có tính chất xã hội nên Ủy ban Xã hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các ý kiến, tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... để có căn cứ rõ hơn về vấn đề này", ông Phong nhấn mạnh.