Không dừng đột ngột việc rút bảo hiểm xã hội một lần
(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đánh giá tác động, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đề xuất tham gia bảo hiểm từ 2025 không được rút
Tiếp thu ý kiến của thành viên Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan để lấy ý kiến liên quan tới các quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Theo dự thảo tờ trình mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trong đó, phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, Luật cũng trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Về phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ đánh giá, phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng phương án báo cáo xin ý kiến Quốc hội.
Giải pháp ngắn hạn, dài hạn
Trong báo cáo rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và kiến nghị, ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam) và WB (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cũng nêu 2 giải pháp là cần tăng chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.
Theo ILO, theo khảo sát, hầu hết các lao động đều chi tiêu rất nhanh toàn bộ số tiền đã rút BHXH một lần nên khi về già lại đối diện khó khăn. Do đó, việc thêm các chế độ trợ cấp sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con nhỏ. Từ đó, khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống.
Bên cạnh đó, người lao động mất việc được tiếp cận trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp họ vượt qua những thách thức trước mắt. Cần xem xét phương án tăng dần thời gian chờ dài hơn 12 tháng sau khi nghỉ việc để giảm động lực rút BHXH một lần của người lao động. Cùng với đó, cần làm tốt hơn công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tín dụng giúp lao động nhanh tìm được việc mới.
Báo cáo cũng chỉ rõ cần tiếp tục thảo luận các biện pháp tăng cường các chế độ trợ cấp của hệ thống bảo hiểm, thay vì dừng đột ngột quy định chi trả BHXH một lần.