Thanh Hóa:
Đốc thúc các sở, ngành thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà
(Dân trí) - Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện.
Theo đó, ngày 13/7, UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH); Sở Tài chính; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; UBND thành phố Thanh Hóa; 2 thị xã Nghi Sơn và Bỉm Sơn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, căn cứ các quy định tại Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 125 của UBND tỉnh và các văn bản có liên quan khẩn trương đôn đốc; kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn, đảm bảo theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh đồng thời giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung theo kiến nghị của Sở LĐ-TB&XH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH kết quả thực hiện trước ngày 29/7.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, tỉnh Thanh Hóa có 3 địa phương gồm thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn có 9.600 lao động đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Đến nay, tiến độ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động của các địa phương còn chậm; chưa có người lao động nào tại Thanh Hóa được hỗ trợ tiền thuê nhà.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân được cho là do các địa phương này chưa chủ động, quyết liệt, chậm triển khai thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến nội dung hỗ trợ của chính sách, e ngại trách nhiệm, không xác minh được người lao động có thuê, trọ hay không.
Nhiều doanh nghiệp chờ đủ thời gian để làm gộp hồ sơ 2 hoặc 3 tháng. Người lao động phần lớn thuê nhà trọ chưa đăng ký tạm trú với cơ quan công an nên còn cân nhắc khi làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, sợ bị cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính…
Trao đổi với Dân trí, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở đã ban hành 4 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, thông qua các phiên giao dịch việc làm, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho doanh nghiệp, người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của chính sách trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng cho biết, đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, rà soát tình hình lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp có công nhân thuê, ở trọ.
Sở cũng đã trực tiếp làm việc với 3 địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách.
"Mới đây nhất, Sở cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh, trong đó đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương có đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ cùng vào cuộc để người lao động được tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.