1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đề xuất 3 mức tăng lương hưu, không thấp hơn 50% mức tăng lương công chức

Hoa Lê

(Dân trí) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu 4 vấn đề đi kèm với chính sách cải cách tiền lương, trong đó có việc điều chỉnh lương hưu từ 1/7 tới đây.

Bỏ lương cơ sở, không còn căn cứ điều chỉnh lương hưu

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chiều 15/3, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về tác động của cải cách chính sách tiền lương đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, từ ngày 1/7 tới đây, cả nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội cho thấy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chưa dự liệu được tác động của sự thay đổi này ở các quy định liên quan.

Đề xuất 3 mức tăng lương hưu, không thấp hơn 50% mức tăng lương công chức - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Tống Giáp).

Điều này dẫn đến khoảng trống về quy định trong dự thảo luật. Tiêu biểu, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, lương cơ sở và hệ số lương hiện hành được bãi bỏ để xây dựng chế độ tiền lương mới.

Không còn lương cơ sở, theo bà Nguyễn Thúy Anh, sẽ không còn căn cứ khi điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành, không còn căn cứ tính mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội cũng như các chế độ khác.

Bên cạnh đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của các đối tượng ở khu vực công sẽ tăng lên so với hiện hành. Việc này sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội cho nhóm đối tượng này.

Đề xuất 3 mức tăng lương hưu, không thấp hơn 50% mức tăng lương công chức - 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp (Ảnh: Tống Giáp).

Đặc biệt, Thường trực Ủy ban Xã hội lo ngại việc tăng lương dẫn đến chênh lệch khá lớn giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024. 

Trước mắt, cơ quan chỉnh lý luật cho rằng cần thể hiện các quy định có liên quan đến lương cơ sở theo hướng, khi luật có hiệu lực, mức hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội không thấp hơn mức hưởng gần nhất. Việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp (nếu có) thực hiện theo quyết định của Chính phủ. 

Cụ thể, Ủy ban đề xuất bổ sung điều khoản chuyển tiếp "Chính phủ quy định mức tiền trợ cấp không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất" trước khi luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực.

Tăng lương hưu theo 3 nhóm đối tượng 

Phát biểu ý kiến liên quan đến lo ngại về mức chênh lệch lớn của người hưởng lương hưu trước và sau ngày 1/7/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khuyến cáo, trong quá trình chỉnh lý dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần đề xuất Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu về vấn đề trên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội từng cho tăng lương hưu nhiều lần, đặc biệt quan tâm đến nhóm người nghỉ hưu, đặc biệt là người về hưu trước năm 1995 (nhóm lương hưu thấp), nhưng khoảng cách chênh lệch giữa nhóm lương cao và thấp ngày càng nới thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ đánh giá tác động, nghiên cứu thấu đáo để cải cách chế độ lương hưu toàn diện, đảm bảo công bằng cho những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7 năm nay.

Ông Hải lập luận, họ đóng bảo hiểm xã hội mức lương thấp hay cao, nhà nước cũng có phần trách nhiệm với những cống hiến của họ.

Phát biểu thêm về các nội dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngành hiện được giao nghiên cứu, xử lý 4 vấn đề đi kèm với việc cải cách chính sách tiền lương.

Đề xuất 3 mức tăng lương hưu, không thấp hơn 50% mức tăng lương công chức - 3

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Tống Giáp).

Thứ nhất, về tiền lương khu vực doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh chủ trương cần thực hiện triệt để 5 nội dung, bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025.

Đối với chính sách người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là "người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường".

"Theo tinh thần đó, mức trợ cấp của người có công sẽ cao hơn 1 bậc so với mức cải cách tiền lương", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khái quát.

Với nhóm đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nêu dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng có mức tăng tương đồng với mức tăng lương bình quân của công chức, với lộ trình gồm hai mốc thời điểm là 1/7/2024 và 1/7/2025.

Vấn đề thời sự là mức tăng lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường. Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024...

"Quan điểm của chúng tôi, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Thứ ba, với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

"Với nhóm này, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập.