1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tới nạn nhân bị mua bán

Phan Minh

(Dân trí) - Phòng chống mua bán người là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, nhiều giải pháp và cách làm có hiệu quả đã được triển khai, nhằm làm giảm tình trạng tội phạm này.

Hỗ trợ gần 160 nạn nhân

Tại hội thảo về lĩnh vực phòng chống mua bán người được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức thời gian qua, bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư Pháp) - đã công bố số liệu thống kê về việc trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị mua bán địa phương.

Theo đó, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, trong toàn quốc có 158 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 158 nạn nhân bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cụ thể: Hơn 43 % vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật, 45 % vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, 10 % vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức khác.

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tới nạn nhân bị mua bán - 1
Chương trình tập huấn kiến thức, kỹ năng trong công tác hỗ trợ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức ở Đà Nẵng

Ở phía Bắc, các thành phố lớn và tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Giang, Lạng Sơn. Tại phía Nam, các hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em xảy ra tương đối phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng như ở thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang.

Theo Cục Trợ giúp pháp lý, qua nhiều vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm công lý, mang lại niềm tin cho nhân dân. Nhiều người đã tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đẩy lùi tệ nạn mua bán người.

Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và nạn nhân bị mua bán nói riêng đã được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tới nạn nhân bị mua bán - 2

Hội thảo tham vấn Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán, thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý đã bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán trở về.

Đồng thời, công tác này cũng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền cũng như toàn xã hội đối với nạn nhân bị mua bán trở về, giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử, giúp họ hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.

Còn không ít khó khăn

Cũng theo bà Vũ Thị Hường, việc xác minh là nạn nhân bị mua bán người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, việc xác minh là nạn nhân bị mua bán người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn.

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tới nạn nhân bị mua bán - 3
Nhiều hội thảo được ngành LĐ-TB&XH tổ chức bàn vè công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Nguyên nhân chính là sự thiếu hiểu biết quy định pháp luật, quan niệm hoặc định kiến xã hội ở nhiều nơi còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn và miền núi. Nạn nhân bị mua bán và cả người thân của họ thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, nhiều người không biết về các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của nạn nhân bị mua bán. Hầu hết nạn nhân bị mua bán đều là phụ nữ, trẻ em, nhiều nạn nhân tuổi đời còn rất trẻ, đa số sinh sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ còn hạn chế.

Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý tới nạn nhân bị mua bán - 4
Hôi thảo tăng cường phối hợp trong hỗ trợ nạn nhân mua bán người và người có nguy cơ là nạn nhân do Cục Phòng, chống tệ nạn tổ chức thời gian qua.

Trong khi đó, các hành vi mua bán ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.

Cục Trợ giúp pháp lý, việc xác minh là nạn nhân bị mua bán người thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn do các nạn nhân không muốn tiết lộ thông tin cá nhân, không đủ căn cứ chứng minh là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Đề xuất giải pháp, kiến nghị

Theo Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư Pháp), để công tác trợ giúp pháp lý người bị mua bán có hiệu quả hơn, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, như:

Tăng cường rà soát tổng thể các quy định của pháp luật có liên quan đến hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, trong đó có Luật Phòng chống mua bán người, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Bộ luật hình sự, Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn để đề xuất hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác phòng, chống mua bán người. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và phòng, chống mua bán người cho người dân và các cơ quan tổ chức có liên quan.

Tiếp tục nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý, không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý mà còn cần hiểu biết về tâm lý và cách thức tiếp cận, trao đổi với người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bị mua bán, người thân của họ và các cán bộ của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Quy định cụ thể hơn các dịch vụ hỗ trợ, cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ ở từng giai đoạn cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để thông báo, thông tin, kết nối, phối hợp kịp thời, chính xác, tránh chồng chéo…