DNews

Đại úy đặc công kể những lần "biến hình", giáp mặt địch

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhiều lần giáp mặt với quân địch ở trận chiến, Đại úy đặc công Lê Hồng Táo và các đồng đội phải ngụy trang như tắc kè hoa, "biến hình" thành thân cây để đột kích chiến đấu.

Đại úy đặc công kể những lần "biến hình", giáp mặt địch

Ngụy trang thành cây để đánh giặc

49 năm qua, những ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vẫn nguyên vẹn trong tâm trí Đại úy Lê Hồng Táo (70 tuổi, khu phố Đạo Sơn, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Là người lính cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, Đại úy Lê Hồng Táo không giấu được niềm xúc động, tự hào khi nhớ về thời khắc miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 1

Ông Lê Hồng Táo kể lại những kỷ niệm một thời cầm súng bảo vệ quê hương (Ảnh: Hạnh Linh).

"Cứ đến những ngày này, tôi lại nhớ về các trận đánh thời còn trong quân ngũ và những đồng đội của mình. Có nhiều đêm, ký ức về trận chiến vẫn ùa về. Chiến tranh khốc liệt đã có không ít đồng đội hy sinh, có người trở về cũng mang trong mình những vết thương của chiến tranh", ông Táo xúc động nói, đôi mắt ngấn lệ.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 1/1974 chàng thanh niên Lê Hồng Táo lên đường nhập ngũ. Hành trang mang theo trong chiếc ba lô chỉ vài bộ quần áo và một cuốn sổ các nê (sổ tay ghi chép).

Sau thời gian huấn luyện đặc công ở Binh chủng Hợp Thành thuộc Trung đoàn 14, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), người lính trẻ được điều động vào đơn vị D40, E116, F27 đặc công, đóng quân trong một khu rừng ở Tây Ninh thuộc miền Đông Nam Bộ.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 2

Đại úy Lê Hồng Táo và vợ xem lại bức ảnh chụp cùng đồng đội trong trận đánh ở trường sỹ quan Thiết Giáp tháng 4/1975 (Ảnh: Hạnh Linh).

"Những ngày tháng đóng quân, tập luyện ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Khi lương thực không đủ, tôi cùng anh em đi đến chân núi bà Đen nhổ khoai, mì (sắn) về luộc, hái rau rừng, cải thiện bữa ăn. Gạo thì có, song ai cũng nhường cho những đồng chí ốm, sốt, bị thương", ông Táo hồi tưởng lại những tháng năm trong quân ngũ.

Hành quân qua nhiều địa điểm khác nhau, đầu năm 1975, đơn vị của Đại úy Táo đóng quân tại xã Cẩm Đường, thị xã Long Khánh, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Cẩm Bình, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

Đêm mùng 7 rạng sáng 8/4/1975, Trung đoàn 116 đặc công nhận lệnh tấn công địch tại Trường sỹ quan Thiết giáp thuộc căn cứ Nước Trong.

"Giờ D, tức 12h đêm, sau khi nhận lệnh nổ súng, chúng tôi bắt đầu leo qua 4 dãy nhà. Thấy quân địch ngủ say, cửa phòng đang hé mở, chúng tôi nhanh chóng ném pháo vào phòng. Trận đánh kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, quân đội ta tiêu diệt hơn 1.000 sinh lực địch, phá hủy trên 100 xe quân sự các loại", ông Táo kể lại.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 3

Đại úy Lê Hồng Táo chụp ảnh cùng các đồng đội ở E116 (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Táo cho biết, chiến thắng vang dội ở Trường sỹ quan Thiết giáp là tiền đề để quân ta đi đến thắng lợi ở những trận đánh sau này.

Theo ông Táo, tùy vào tình huống tác chiến, người lính đặc công phải chọn phương thức ngụy trang để có thể hòa nhập với môi trường xung quanh. Không chỉ là đắp những mảng cây lá, người lính đặc công còn dùng nhiều chất liệu khác như than, bùn... để tự biến mình thành những "chú tắc kè hoa".

"Chúng tôi mặc quần lót, đầu đội mũ che mặt. Khi đèn pha của quân địch quét qua, chúng tôi ngay lập tức "biến" thành một hàng cây. Dù lúc này có bị muỗi đốt, kiến cắn, cũng cắn răng chịu đựng, không nhúc nhích", ông Táo kể lại bằng chất giọng hào sảng của người lính.

"Cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi sống những tháng năm lịch sử"

Sau chiến thắng ở Trường sỹ quan Thiết giáp, đơn vị của ông Táo nhận nhiệm vụ củng cố lực lượng, trang bị vũ khí, chuẩn bị cho những trận đánh khác.

"Tối 24/4/1975, chúng tôi được nghe bức điện chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng", ông Táo nhớ lại.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 4

Ông Táo xúc động khi kể về thời khắc miền Nam được giải phóng (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Táo cho biết, trước đây nhiệm vụ của lính đặc công là đánh, làm tiêu hao sinh lực địch rồi rút. Nhưng vào thời điểm này, đơn vị của ông nhận lệnh đánh theo hình thức bộ binh, tức là đánh đến đâu, chốt giữ đất đến đấy.

Ngày 25/4/1975, đơn vị họp, củng cố vũ khí, ra quyết tâm phải chiến thắng. Chiều 29/4/1975, đơn vị kết hợp với các lực lượng khác đánh, chiếm toàn bộ tổng kho Long Bình, cầu xa lộ Biên Hòa, tỉnh Biên Hòa.

"Sáng 30/4/1975, chúng tôi đón đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 và theo sau là bộ đội Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 tại cầu xa lộ Biên Hòa. Sau đó tôi cùng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn", ông Táo kể lại.

Từ cầu xa lộ Biên Hòa đến Dinh Độc Lập, những người lính như Đại úy Lê Hồng Táo vẫn liên tục chiến đấu. Quân địch thua, buông súng, ùa chạy ra các ngả đường.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 5

Sau ngày giải phóng, Tết năm 1976, ông Táo chụp bức ảnh lưu niệm, kỷ niệm Tết đầu tiên Bắc - Nam sum họp một nhà (Ảnh: Hạnh Linh).

"Trưa 30/4/1975, quân đội ta chiếm được Dinh Độc Lập, nổ súng chỉ thiên ăn mừng. Thừa thắng xông lên, chúng tôi được lệnh lên xe cơ giới đi đến Bộ dân vận và chiêu hồi. Tại đây, cuộc đấu súng diễn ra, phần thắng thuộc về ta", Đại úy Lê Hồng Táo kể.

Nối tiếp chiến thắng, Đại úy Lê Hồng Táo cùng đoàn quân giải phóng tiến đến đài phát thanh và truyền hình. Lúc này, quân đội ta đã đánh chiếm được đài phát thanh và truyền hình, yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

"Chúng tôi ôm nhau òa khóc, khóc cho chiến thắng, khóc cho cả những người nằm xuống. Tôi may mắn hơn những đồng đội của mình đã hy sinh vì được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi sống những tháng năm lịch sử", ông Táo rưng rưng.

Sau ngày giải phóng, ông Táo tiếp tục phục vụ trong quân ngũ với nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Tháng 10/1990, do sức khỏe yếu, ông Táo xuất ngũ, hưởng chế độ bệnh binh hạng 2.

Đại úy đặc công kể những lần biến hình, giáp mặt địch - 6

Trở về với cuộc sống thường nhật nhưng Đại úy Lê Hồng Táo lúc nào cũng nhớ về những đồng đội đã hy sinh (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Phạm Anh Thư, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu phố Đạo Sơn, cho biết, ông Lê Hồng Táo mang trong mình phẩm chất đáng quý của người lính Cụ Hồ: Mưu trí, dũng cảm. Ông Táo đã vượt qua "mưa bom bão đạn" để hoàn thành nhiệm vụ.

Trải qua nhiều cuộc chiến vào sinh, ra tử, dù mang trên mình những vết thương của chiến tranh, trở về quê hương, ông Táo vẫn hăng say tham gia công tác xã hội. Ông Táo là đảng viên gương mẫu, có thời gian làm Bí thư Chi bộ khu phố Đạo Sơn.

"Vào dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính như chúng tôi thường gặp, kể cho nhau nghe những kỷ niệm khó quên trong quân ngũ. Chúng tôi tự hào vì đã có khoảng thời gian cầm súng, bảo vệ quê hương", ông Thư bộc bạch.