Đặc công dù sống sót khi rơi máy bay "nhớ đồng đội, nhớ bầu trời thắt ruột"
(Dân trí) - 9 năm sau vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc (Hà Nội), Thượng úy Đinh Văn Dương, người duy nhất may mắn sống sót dần hồi sinh. Dù tàn tật, anh có cuộc sống vui vẻ, lạc quan bên gia đình.
Nỗ lực hồi sinh
Chiều một ngày tháng 7, Thượng úy Đinh Văn Dương (chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) ngồi trên xe lăn, chờ đợi vợ con trở về căn hộ nhỏ, tĩnh lặng ở khu chung cư trên địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Anh Dương dùng cánh tay không còn lành lặn, thành thạo điều khiển chiếc xe lăn ra mở cửa, bật điện, bật quạt…
Anh khoe, giờ đây đã có thể vận động 2 cánh tay, đi lại nhẹ nhàng mà không cần người đỡ. Đặc biệt là tinh thần của anh rất tốt.
Cách đây 9 năm, 20 chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự Mi 171 tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Thượng úy Đinh Văn Dương là người duy nhất may mắn sống sót.
Trải qua 900 ngày (tức 2,5 năm) điều trị liên tục trong bệnh viện, trải qua 24 cuộc phẫu thuật, tỉnh lại sau 3 lần tim ngừng đập, anh Dương đã được trở về nhà, dù thị lực suy giảm, cơ thể bị biến dạng...
Di chứng sau vụ tai nạn thảm khốc, anh không còn lành lặn nhưng người chiến sĩ ấy vẫn thầm cảm ơn "ông trời đã thương", bảo toàn trí nhớ và khả năng ngôn ngữ cho anh. Đầu óc, tâm trí người thương binh dần trở về trạng thái bình thường.
Sự hồi sinh là kết quả sau bao tháng ngày nỗ lực của người lính quả cảm.
"Tôi thoát khỏi bàn tay tử thần nhờ vào 3 điều, đó là sự may mắn, quyết tâm của các bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cùng nghị lực và sự động viên của gia đình.
Sau tai nạn, tôi mất 3 tháng để tập ngồi, 6 tháng tập đứng, tập đi trên đôi chân giả. Tôi luôn nghĩ còn sống thì phải có bổn phận, trách nhiệm sống để những đồng đội đã ngã xuống thấy an lòng", anh Dương nói.
Hiện tại, anh Dương vẫn cố gắng sử dụng điện thoại di động, máy tính để kết nối với thế giới bên ngoài. Thời gian rảnh, anh vẫn hay đọc sách, báo, pha trà. Việc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân anh cũng có thể tự làm được sau quá trình nỗ lực tập luyện.
Anh Dương kể, được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, được ăn những bữa cơm vợ nấu, được chơi với các con khiến cuộc sống của anh vui vẻ và có ý nghĩa.
"Những lúc khỏe tôi có thể giúp vợ dọn dẹp nhà cửa phần nào, cắm cơm. Những việc nặng nhọc khác, tôi có mẹ và vợ hỗ trợ. Tôi có được tinh thần lạc quan, vui vẻ như hiện tại chính nhờ sự động viên, chăm sóc của vợ con cùng gia đình.
Tôi biết ơn rất nhiều hai người phụ nữ của cuộc đời mình đó là mẹ và vợ, những người đã cùng tôi giành giật lại sự sống. Hơn hết, gia đình chính là động lực giúp tôi có nghị lực sống tiếp đến hôm nay", anh Dương bồi hồi.
"Nhớ đồng đội lắm, những anh em, bạn bè của tôi!"
Anh Dương cho biết, chấn thương toàn thân trong vụ tai nạn khiến anh thành người tàn tật. Mỗi ngày hiện tại anh luôn phải cố gắng tập luyện để cải thiện sức khỏe.
Có được tinh thần lạc quan, vui vẻ như hiện tại đều nhờ sức mạnh của gia đình, sự động viên, chăm sóc của vợ và các con. Những khi trái gió trở trời, sự chia sẻ của người thân giúp anh vượt qua cơn đau.
Hiện tại, anh Dương đang sống và sinh hoạt cùng gần 100 thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Tuy nhiên, muốn dành thời gian quan tâm các con nên anh thường đi lại giữa trung tâm và nhà.
Nhớ lại những ngày đầu sau khi xuất viện, anh thấy hoang mang, không biết điều gì sẽ chờ mình ở phía trước. Những vết thương thể xác lẫn tinh thần bủa vây cựu phi công từng ngày và chỉ xoa dịu được phần nào khi thuốc giảm đau liều cao được đưa vào cơ thể.
"Mỗi ngày, tôi vẫn phải dùng từ 10 đến 20 viên thuốc giảm đau. Lắm lúc muốn buông xuôi, giải thoát cho mình nhưng khi nằm trên giường bệnh, nhìn mẹ già cặm cụi đút cơm, bón cháo, rồi nghe tiếng các con gọi bố, lời động viên của đồng đội, y bác sĩ điều trị... đã níu giữ tôi ở lại", anh Dương chia sẻ.
Ngồi trên xe lăn, hướng ánh mắt về 3 tấm bằng Chủ tịch nước trao tặng được treo trang trọng trong nhà, anh Dương thắt ruột nhớ đồng đội, nhớ bầu trời và lại trào nước mắt khi nghĩ về những năm tháng quân ngũ. Với người lính như anh, được vùng vẫy trên bầu trời trong những lần huấn luyện nhảy dù là những ký ức đẹp đẽ nhất.
"Tôi đã được bay nhảy trên bầu trời, được thả dù trên không, tiếc là giờ không thể nữa rồi. Trời thương cho tôi được sống đã là một điều quá may mắn rồi, giờ chỉ mong các lứa đàn em học tập, trau dồi kiến thức để có kinh nghiệm, kỹ năng tác chiến tốt hơn chúng tôi ngày xưa", anh Dương nói.
Mỗi năm, cứ đến 7/7 và ngày Tết, Thượng úy Đinh Văn Dương và gia đình cùng về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội của anh vẫn được đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm.
"Ở đó, đồng đội tôi được hương khói, chăm lo mỗi ngày. Nhìn di ảnh các đồng chí, đồng đội, lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt.
Nhiều lúc nhớ đồng đội lắm… những người bạn, những đồng chí của tôi. Có thời gian anh em cùng ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện, chiến đấu bên nhau còn nhiều hơn ở bên vợ con, gia đình.
Có lẽ vậy mà mỗi lần trở lại nơi các đồng đội hy sinh là một lần tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tôi cũng luôn động viên con cháu của mình và đồng đội phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng bảo vệ Tổ quốc", anh Dương chia sẻ.
Chế độ đãi ngộ người có công Thượng úy Đinh Văn Dương được hưởng
7h46 ngày 7/7/2014, trực thăng Mi171 chở 21 cán bộ chiến sĩ rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây khi đang huấn luyện dù. 16 chiến sĩ hy sinh tại chỗ. 5 người được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng 4 người lần lượt qua đời vì đa chấn thương, bỏng hô hấp. Thượng úy Đinh Văn Dương là người duy nhất tỉnh lại.
Sau 2,5 năm được cứu chữa, điều trị, phục hồi tại bệnh viện, Thượng úy Đinh Văn Dương xuất ngũ vào tháng 9/2016, hưởng chế độ đãi ngộ thương binh, với mức trợ cấp trên 6 triệu đồng/tháng.
Thượng úy Đinh Văn Dương cũng được hưởng chế độ chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương Binh Thuận Thành (Bắc Ninh).
Mẹ Thượng úy Dương được trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng tiền chăm sóc thương binh đến khi bà qua đời. Vợ anh Dương có mức thu nhập của điều dưỡng viên đủ để tằn tiện nuôi 2 con ăn học.