DMagazine

"Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình!"

(Dân trí) - Bồi hồi chờ nhận lại cuốn nhật ký, em gái, cháu trai của liệt sĩ Cao Văn Tuất chia sẻ, nửa thế kỷ không một dòng tin, một tấm ảnh, giờ đây gia đình sắp được đón nhận kỷ vật duy nhất của người thân...

"Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, là niềm an ủi lớn với gia đình!"

Bồi hồi chờ nhận lại cuốn nhật ký của người thân đang trên đường hồi hương, em gái, cháu trai của liệt sĩ Cao Văn Tuất chia sẻ, nửa thế kỷ mong đợi không một dòng tin, một tấm ảnh, giờ đây gia đình sắp được đón nhận kỷ vật duy nhất của người thân...

Niềm an ủi lớn sau hơn nửa thế kỷ

Chiều 3/3, ông Hà Huy Mỳ (62 tuổi, ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tất bật sửa soạn lại nhà cửa sau khi biết tin cựu binh Mỹ Peter Mathews đang trên đường đưa cuốn nhật ký của cậu mình - liệt sĩ Cao Văn Tuất, sang Việt Nam.

Vợ chồng ông Mỳ cũng đã mua thêm đèn cầy mới, trái cây và hoa cúc vàng sắp đặt bàn thờ trong căn nhà nhỏ.

"Sáng 5/3, gia đình tôi sẽ lên UBND xã tiếp nhận kỷ vật của cậu. Sau đó, gia đình sẽ đón cựu binh Mỹ, chính quyền và các cơ quan chức năng về nhà thắp hương cho cậu. Chúng tôi sửa soạn lại nhà cửa để việc tiếp đón được chu đáo. Mấy hôm nay, cả nhà sống trong cảm giác nao nao, khó ngủ. Ai nấy đều bồi hồi, trông cho thời gian trôi thật nhanh", ông Mỳ bày tỏ.

Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 1
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 2
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 3

Bà Dương Thị Thế (62 tuổi, vợ ông Mỳ) chia sẻ, trước ngày tiếp nhận kỷ vật, bà sẽ đi chợ mua một chiếc nón lá và hoa để tặng vợ chồng cựu binh Mỹ.

"Món quà để bày tỏ sự cảm kích vì họ đã gìn giữ kỷ vật của cậu suốt 56 năm qua. Chúng tôi cũng muốn nhắn nhủ vợ chồng người cựu binh Mỹ rằng hãy quên đi những đau thương vì chiến tranh trong quá khứ, muốn họ nhớ đến một Việt Nam thanh bình, hiếu khách", bà Thế nói.

Những ngày này, căn nhà của vợ chồng ông Mỳ đón nhiều người thân, họ hàng, làng xóm, cán bộ địa phương đến hỏi thăm, chia vui. Chiều 3/3, nhiều người cũng cùng tề tựu, ôn lại ký ức về liệt sĩ Cao Văn Tuất và câu chuyện về cuốn nhật ký bỗng nhiên xuất hiện sau hơn nửa thế kỷ.

Bà Cao Thị Nồng (78 tuổi, em gái liệt sĩ Cao Văn Tuất) nhớ lại, buổi sáng ngày anh trai lên đường nhập ngũ vào đầu tháng 4/1963, bà đang chăn trâu ở cánh đồng hoang trong làng.

"Tôi nhìn thấy anh Tuất khoác ba lô đi cùng 3 người bạn trong làng. Anh dặn dò tôi: "Em ở nhà khỏe mạnh, anh đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước". Giây phút chia tay, tôi ngậm ngùi quá, không nói được câu mô (câu gì - PV) cả", bà Nồng hồi tưởng.

Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 4
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 5
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 6
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 7

Đó là khoảnh khắc cuối bà Nồng được nhìn người anh trai. Đó cũng là hình ảnh đẹp trong cuộc đời chàng thanh niên trẻ, náo nức lên đường tòng quân, tham gia kháng chiến bảo vệ tổ quốc.

Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo liệt sĩ Cao Văn Tuất đã hy sinh. Kể từ đó đến nay, đã hơn 50 năm, không một tin tức, kỷ vật hay di ảnh nào của người thân trở về gia đình.

Đến phần mộ của anh, của bác, của cậu tới giờ cũng chưa tìm thấy. Gia đình ngày đêm nhớ nhung, ngóng trông trong vô vọng. 

Việc cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất bất ngờ xuất hiện và đang trên đường hồi hương khiến những cảm xúc với cả gia đình trào dâng, khó nói thành lời.

"Anh trai đi bao năm không có tin tức. Hồi còn sống, bố mẹ nhớ thương, khóc nhiều. Gia đình giờ còn tôi và chị gái. Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, đang được mang về. Chúng tôi cảm thấy đây là sự may mắn, như có một niềm an ủi lớn", bà Nồng bộc bạch.

"Sống lại cùng những năm tháng hào hùng"

Theo ông Hà Huy Mỳ, quá trình tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ Quốc, liệt sĩ Cao Văn Tuất có một lần viết thư gửi về hỏi thăm gia đình kèm một tấm hình chụp khi đang ở đơn vị.

"Tôi còn nhớ, bức hình chụp nửa người, dáng cậu đứng, mặc quân phục. Ông bà (ông Cao Văn Kế, bà Lê Thị Vỹ - bố, mẹ liệt sĩ Cao Văn Tuất - PV) đặt tấm hình đó trong nhà. Hồi đó nghèo, nhà tranh tre tạm bợ. Một năm nọ, cơn bão quét qua xóm gần biển này, mọi thứ bị phá tan hoang. Bức thư và tấm hình duy nhất cậu gửi về cũng không còn", ông Mỳ ngậm ngùi.

Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 8
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 9
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 10
Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 11

Liệt sĩ Cao Văn Tuất là con trai duy nhất trong gia đình có 4 chị em. Trước kia, việc hương khói, thờ phụng được người chị cả - bà Cao Thị Diếu (mẹ ông Mỳ) chăm lo. Những năm qua, bà Diếu yếu, ông Mỳ đảm nhiệm công việc của mẹ. Do không có di ảnh, ông Mỳ đặt Giấy chứng nhận đeo huân chương và Sổ liệt sĩ của cậu mình trên bàn thờ để tưởng nhớ.

Từ ngày cuốn nhật ký được cơ quan chức năng xác nhận chủ nhân là cậu mình, mỗi lần nhìn những tấm ảnh được chụp bằng điện thoại, ông Mỳ lại nhớ đến cậu.

"Tôi cũng từng đi lính và chiến đấu nên biết được chiến tranh khốc liệt thế nào. Vì thế, nhìn những dòng chữ cậu viết, những hình ảnh cậu vẽ, tôi như được sống, được đồng hành cùng cậu trong những năm tháng ấy", ông Mỳ bày tỏ.

Món quà bất ngờ từ đồng đội cùng Trung đoàn với liệt sĩ

Trong cuộc trò chuyện, ông Hà Huy Mỳ chợt nhớ đến một món quà mà gia đình bất ngờ được nhận cách đây không lâu. Ông vội vào nhà lấy và mang ra để mọi người cùng xem.

Món quà này được gửi từ người từng là đồng đội tại Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân khu 5) với liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 12

Đồng đội đó không ai khác là ông Phạm Quốc Bảo (76 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Bulgari, kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia) - người từng xuất hiện trong bài phỏng vấn được đăng tải trên Báo Dân trí vào ngày 6/2.

Ngày 9/2, ông Phạm Quốc Bảo đã gửi một cuốn sách mà cựu binh này viết về Trung đoàn 22 anh hùng, kèm một lá thư gửi cho gia đình, thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất.

Trong thư, ông Bảo viết: "Kính gửi ông Hà Huy Mỳ, thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất. Tôi đã đọc các bài báo đăng trên website Báo Dân trí, biết được liệt sĩ Cao Văn Tuất cùng Trung đoàn với tôi.

Tháng 9/2020, Trung đoàn 22 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cuốn nhật ký là kỷ vật duy nhất của anh, niềm an ủi lớn với gia đình! - 13

Để có được những thành tích đặc biệt xuất sắc đó và chiến công oanh liệt trong chiến đấu, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có liệt sĩ Cao Văn Tuất. Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội mãi mãi trân trọng, ghi nhận và biết ơn sâu sắc vì những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 anh hùng vì độc lập, tự do của Tổ Quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc".

Ông Mỳ xúc động khi nhận được món quà trên từ ông Phạm Quốc Bảo. Sau khi nhận và đọc, ông Mỳ đã nâng niu, đặt món quà này bên cạnh Giấy chứng nhận đeo huân chương và Cuốn sổ liệt sĩ của người cậu trên bàn thờ của gia đình.

"Chúng tôi đã rất tự hào vì cậu đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc bảo vệ Tổ Quốc thì nay lại càng tự hào hơn nữa", ông Mỳ nói.

Chia sẻ về dự định sau khi nhận lại kỷ vật của liệt sĩ Cao Văn Tuất, ông Mỳ cho hay gia đình sẽ đặt cuốn nhật ký lên bàn thờ phụng một thời gian. Sau đó, gia đình sẽ in ra một bản và làm thủ tục bàn giao bản gốc lại cho bảo tàng quân đội lưu giữ.

"Trong cuốn nhật ký, chúng tôi thấy cậu mình thời thanh niên là một người lính sống có lý tưởng, lạc quan, vì đất nước. Ngoài những trang ghi chép lời nhạc, bài thơ nổi tiếng, những dòng gửi gắm tình cảm nhớ mẹ, em gái, nhớ quê hương, cậu còn viết, vẽ những khẩu hiệu: "Tổ quốc trên hết, Thanh niên anh dũng tiến lên, Tổ quốc hòa bình, Gia đình hạnh phúc…". Bản thân tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ cậu, ông ấy là một tấm gương sáng. Chúng tôi muốn cuốn sổ được lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng để cho lớp lớp thế hệ thanh niên, con cháu sau này của Việt Nam noi theo", ông Mỳ nói.

Nội dung: Dương Nguyên

Ảnh: Dương Nguyên - Đặng Huyền