Cựu quân nhân thắng lớn với con "siêu đẻ" sau nhiều thất bại
(Dân trí) - Không những tạo doanh thu từ bán ốc bươu đen giống, ốc thương phẩm, anh Châu còn biến tấu ốc thành những món ăn đặc sản để mở rộng thị trường.
Tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, anh Lương Giang Châu (37 tuổi), đã cải tạo một mảnh đất hoang rộng 1ha thành trang trại ốc bươu đen, mang lại thu nhập ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sau khi xuất ngũ vào năm 2007, anh Châu đã trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi quyết định trở về quê hương Quảng Nam vào năm 2015 để khởi nghiệp.

Nuôi con đặc sản "siêu đẻ", chi phí rẻ, vợt lên là bán hết (Video: Ngô Linh).
Ban đầu, anh chi 300 triệu đồng để cải tạo 6.000m2 đất tại xã Bình An, huyện Thăng Bình, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên ốc chết hàng loạt.
"Không bỏ cuộc, tôi thử sức nhiều lần, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Ai biết chuyện cũng bảo tôi liều, tốn công vô ích", anh Châu nói.
Đến năm 2019, để tiếp tục khởi nghiệp, anh thuê một mảnh đất ruộng hoang hóa tại phường Điện Ngọc để cải tạo nhằm phát triển nghề nuôi ốc.
Đến năm 2023, việc kinh doanh ốc của anh Châu đã dần ổn định. Anh mở rộng liên kết với người dân tại các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình để cung cấp ốc giống và bao tiêu đầu ra ổn định.

Hiện nay, mỗi tháng anh cung ứng hàng vạn con ốc giống cho các hộ chăn nuôi tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế với giá 3-3,5 triệu đồng/vạn.
Hiện giá ốc thịt 80.000-100.000 đồng/kg, mỗi ngày cơ sở anh có thể cung ứng 40-50kg. Lợi nhuận từ ốc giống, ốc thịt, trứng ốc sau khi trừ tất cả các chi phí, đạt 20-25 triệu đồng/tháng.
Theo anh Châu, nghề nuôi ốc tuy dễ nhưng không hề nhàn nhã. Điều quan trọng nhất trong nuôi ốc là phải giữ cho nguồn nước sạch sẽ, tránh để ốc mắc các bệnh sưng vòi, bệnh đường ruột, mòn vỏ…
"Thức ăn cho ốc phải hoàn toàn tự nhiên, tự chủ nguồn thức ăn ngon, sạch thì ốc thu hoạch mới đảm bảo chất lượng", anh Châu nói.
Đặc biệt, anh đang từng bước xây dựng thương hiệu ốc sạch Bữu Long Châu, gồm các sản phẩm ốc bươu đen sạch, chả ốc, ốc nhồi... Với những sản phẩm này, anh kỳ vọng sẽ kết nối để đưa vào các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch tại địa phương và trong vùng.

Cơ sở ốc bươu đen của anh Châu đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng; lao động thời vụ có 7 người, chủ yếu là phụ nữ làm chế biến ốc, mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới, anh Châu dự định thuê thêm 3ha đất ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, để cải tạo thành ao hồ thả nuôi ốc bươu đen, cá bống tượng, cá diếc và trồng sen, súng... gắn với phục vụ du lịch. Khách đến đây có thể tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các món ẩm thực từ thịt ốc.
Ông Nguyễn Viết Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Ngọc, cho biết, mô hình của anh Châu rất hiệu quả và Hội nông dân sẵn sàng hỗ trợ anh trong việc mở rộng và quảng bá sản phẩm.