Cuộc trốn chạy khỏi những gã chồng "ác quỷ"
(Dân trí) - Bị đánh đập, hành hạ, đay nghiến từ "ác quỷ" mang tên chồng, nhiều người phụ nữ chỉ biết chịu đựng hoặc chạy trốn…
Kinh hoàng điều kiện để được giải thoát
Gần 2 năm gắn bó với Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, chị Trần Thị Thúy, nhân viên công tác xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tận tai nghe những lời kể đau lòng, tiếng khóc thảm thiết, lời kêu cứu trong hoảng loạn của những người bị bạo lực.
Hơn 10 năm sống cùng người chồng "nát" rượu, ghen tuông, chị Nguyễn Thị Lê (tên nhân vật đã được thay đổi), xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa không nhớ nổi mình phải chạy trốn bao nhiêu lần bởi những trận đánh "lên bờ xuống ruộng" từ người chồng.
Chỉ vì nghi ngờ vợ "cặp bồ", đều đặn một tuần chồng chị Lê lại đánh vợ một lần. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, chồng chị Lê bị bệnh phải trở về quê. Trên đường về, vì gọi điện cho vợ không được, người chồng tức giận, nghi ngờ chị Lê ngoại tình một cách vô cớ. Từ đó, chuỗi ngày chị bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" diễn ra thường xuyên.
Vợ chồng không có công việc ổn định, kinh tế thiếu thốn, chồng quy kết rằng, tiền đi làm ăn xa gửi về, chị đều đưa cho gia đình ngoại nên giờ lâm cảnh túng thiếu.
Chị Lê xin được công việc ở một khu công nghiệp tại thành phố Thanh Hóa. Khi có nguồn thu nhập, chị lo cho 5 miệng ăn trong nhà, chồng lại không tin, nghĩ vợ đi "cặp bồ", hậm hực, tức giận, nhốt chị trong phòng, dùng gậy đánh.
Giữa năm 2009, sau nhiều trận đòn roi "chết đi sống lại" từ chồng, chị Lê bỏ trốn 6 tháng, thuê trọ gần công ty. Nhưng vì nhớ con, chị lại xin chồng khăn gói trở về nhà.
Năm 2010, chị có bầu con thứ 2, chồng cho rằng, đây không phải con của mình, cùng với những hậm hực trước đó, hằng ngày, chửi bới, đánh đập chị.
Một lần cuối năm 2012, chị Lê bị chồng đánh gãy xương sườn, chị lại phải chạy trốn trong nỗi khiếp sợ. Đi được một tháng thì chồng đứng chờ ở cổng công ty, bắt chị về.
Đầu năm 2013, chị Lê sinh con thứ 3. Thời gian này, chị tiếp tục phải chịu đựng đòn roi và những lời chửi mắng từ chồng.
"Có những lần bị đánh đau, chị nằm một chỗ, không thể đi làm. Gia đình hai bên, chính quyền địa phương họp nhiều lần để giải quyết nhưng không được", chị Thúy thuật lại lời chị Lê.
Năm 2016, không thể chịu đựng được, chị quyết định làm thủ tục ly hôn. Giấy tờ đã làm đầy đủ nhưng sau đó hồ sơ lại bị thất lạc.
Theo chị Thúy, sau lần ly hôn "hụt", chồng chị Lê giấu hết giấy tờ. Mỗi lần chị có ý định ly hôn, chồng chị đều đe dọa đốt nhà, giết bố mẹ vợ, đòi đưa 500 triệu đồng tiền anh ta đã vay mượn để nuôi con khi chị Lê bỏ nhà đi.
Tháng 11/2022, sau nhiều lần bị chồng bạo hành, chị Lê đến Ngôi nhà Ánh Dương để tạm lánh an toàn. Khi đến đây, chị Lê mang nhiều vết thương ở vùng lưng, vai, tay, mông. Vết thương cũ, mới đều thâm tím, bầm dập. Tinh thần hoang mang, lo lắng sợ bị chồng phát hiện chỗ ở.
Nơi phụ nữ bị bạo lực được lắng nghe những tâm sự khó giãi bày
Nhớ lại câu chuyện bạo lực diễn ra tại một gia đình trí thức ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, chị Thúy kể, ông Nguyễn Văn Thắng (tên nhân vật đã được thay đổi) khi còn đương chức ở một đơn vị sự nghiệp tuyến huyện, được nhiều người quý mến, nịnh nọt. Ông cũng lén lút sau lưng vợ cặp kè với một người phụ nữ khác.
Khi bị kỷ luật, ông Thắng mất chức, cấp dưới lâu nay nịnh nọt, giờ quay lưng, "bồ nhí" cũng bỏ. Không tiền, "tình cũng tan", trong một thời gian ngắn, ông Thắng như mất tất cả, trở về bên vợ, tâm lý ông thay đổi, mất kiểm soát.
Vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Có lần ông Thắng dùng búa truy đuổi vợ. Con gái thấy mẹ bị bố hành hung, gọi điện đến số tổng đài 18001744 hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới - Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa để được giải cứu.
"Đầu dây bên kia là giọng của một bé gái đang rất lo lắng, gấp gáp. Bé nói, mẹ em bị bố đánh, cầm búa truy đuổi. Mẹ đã trốn được vào phòng cùng em. Nhưng bố đang đứng ở ngoài chửi và dùng búa đập phá mạnh vào cửa. Hai mẹ con hoang mang, cần được trợ giúp", chị Thúy thuật lại cuộc điện thoại một ngày trung tuần tháng 2/2022.
Ngay trong đêm Công an thị trấn Nông Cống nắm bắt tình hình, đến tận nơi giải cứu 2 mẹ con an toàn. Tiếp đó, nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương chủ động liên hệ, tư vấn tâm lý và nắm bắt nhu cầu của bà Vân (tên nhân vật đã được thay đổi - vợ ông Thắng). Đồng thời, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương đến tư vấn tại cộng đồng cho người gây bạo lực.
Trong chia sẻ của mình, ông Thắng, cho biết, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, tâm lý ông bất ổn, hoàn toàn không làm chủ được hành động của mình. Ông thừa nhận, không thể "yêu", bởi vợ sống quá tiết kiệm, thậm chí keo kiệt. Quần áo dùng "hàng chợ", không sành "chơi" đồ hiệu, không biết làm dáng, không cùng đẳng cấp.
Tuy nhiên, theo bà Vân, bao năm qua, với đồng lương ít ỏi, bà gói ghém, lo liệu mọi sinh hoạt trong nhà và phụng dưỡng bố mẹ đẻ già yếu. Tiền ông Thắng kiếm được đều "nướng" cho tình nhân ở bên ngoài hoặc tự ông cất giữ, không đưa cho vợ chăm lo cuộc sống gia đình.
Theo chị Thúy, bạo lực gia đình có thể diễn ra ở mọi tầng lớp, trong đó có người là công nhân, nông dân, người làm nghề tự do, nhưng cũng có người là giảng viên, giáo viên, thậm chí là giữ chức vụ cao và gia đình có điều kiện. Cũng không thể nói bạo lực trong một gia đình nông dân thì kinh khủng hơn trí thức. Mức độ, hành vi có thể khác nhau nhưng hệ lụy đều lớn.
Ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, kiêm Giám đốc Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, cho biết, Ngôi nhà Ánh Dương là địa chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có nơi tạm lánh an toàn khi bị bạo lực về giới.
Mọi dịch vụ ở Ngôi nhà Ánh Dương đều được cung cấp miễn phí, từ nhu cầu sinh hoạt cơ bản hằng ngày như quần áo, đồ dùng cá nhân, việc ăn uống, tắm giặt... cho đến nhu cầu được thăm khám sức khỏe ban đầu, được lắng nghe tâm sự mà những người bị bạo lực khó giãi bày cùng ai.
Sự an toàn được thiết lập sẽ giúp họ có khoảng lặng cần thiết, lấy lại cân bằng tâm lý, sức khỏe để tiếp tục tiếp cận và sử dụng các dịch vụ về y tế, tư vấn tâm lý, tư pháp... tùy theo nhu cầu.
Gần 2 năm đi vào hoạt động, tổng đài 18001744 hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới của Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa tiếp nhận 1.820 cuộc gọi, trong đó 560 cuộc gọi liên quan đến bạo lực cần được trợ giúp.
"31 trường hợp đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa để được giúp đỡ hỗ trợ trong thời gian qua chỉ phần nào nói lên tình trạng bạo lực trong gia đình hiện nay. Trên thực tế còn rất nhiều trường hợp bị bạo lực nhưng họ im lặng chịu đựng, chỉ khi không thể chịu đựng được mới cầu cứu, tìm hướng giải thoát", ông Xuyên nói.
Bên cạnh những người tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương để được hỗ trợ trực tiếp, thì mỗi ngày, tổng đài của Trung tâm cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại mong được tư vấn, tìm lời khuyên để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình.
"Qua tổng đài tư vấn, các nạn nhân tâm sự, chia sẻ về việc mình phải gánh chịu bạo lực gia đình. Song, vì nhiều nguyên nhân, họ lại không dám "công bố", đối diện trực tiếp nỗi đau, bất hạnh của mình", ông Xuyên chia sẻ.