Những cuộc gọi "xin cứu em" lúc nửa đêm
(Dân trí) - "Chị ơi, em bị chồng đánh vào đầu, đang chảy máu, cần được giải cứu, hãy cứu em", là một trong vô số lời cầu cứu lúc nửa đêm, từ đầu dây bên kia đến giờ vẫn còn ám ảnh chị Thúy.
Đánh vợ theo tâm trạng
Lần dở từng bộ hồ sơ của những người phụ nữ bị bạo hành gọi điện đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa mong được hỗ trợ, chị Trần Thị Thúy, nhân viên công tác xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, không giấu được cảm xúc.
Chị Thúy kể, chị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi), ở thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa bị chồng bạo hành. Chịu "mưa đòn" trút vào đầu, chị Lan chảy máu nhiều và choáng. Khoảng hơn 1h sáng, chị trốn lên tầng 2 và gọi đến số tổng đài 18001744 của Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa xin được hỗ trợ.
"Giọng phụ nữ yếu ớt, kể về việc bị chồng đánh vào đầu, chảy máu nhiều, cần được giải cứu ra khỏi nhà ngay lúc ấy", chị Thúy nhớ lại.
Nhận thông tin, nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương liên hệ với Công an thị trấn Tân Phong, lực lượng đã lập tức đến nhà, kịp thời giải cứu, đưa chị Lan đến bệnh viện. Đồng thời, nhân viên công tác xã hội nói chuyện, tư vấn tâm lý, cung cấp kiến thức về bạo lực giới, luật hôn nhân gia đình, hướng dẫn chị Lan đến tạm lánh an toàn ở Ngôi nhà Ánh Dương.
Theo chị Thúy, gia đình có điều kiện, chị làm nghề kinh doanh, tự chủ về kinh tế. Sau khi người vợ biết việc chồng ngoại tình, anh này đã đánh đập, bạo hành để dập tắt ý định phản ứng của nạn nhân.
Trong chia sẻ của mình, chị P.T.H., phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa không nhớ nổi đã chịu bao trận đòn "thừa sống thiếu chết" từ người "đầu ấp tay gối".
Chồng chị H. đánh vợ theo tâm trạng, "hỏi lại bị chửi, hỏi thêm thì bị đánh". Đặc biệt, chị còn bị bạo lực tình dục.
"Oái oăm là mỗi khi đánh, anh ta lại bắt, nhốt vợ vào trong phòng, đóng kín cửa, túm tóc, đánh mạnh vào đầu. Đêm khuya, chị H. gọi điện đến số tổng đài của Ngôi nhà Ánh Dương để cầu cứu", chị Thúy kể lại.
Nhà chị H. ở sâu trong ngõ, chị lại bị nhốt, đánh trong phòng kín nên đêm hôm ấy công an không phát hiện động tĩnh, không tìm thấy chị.
Sáng hôm sau, chị H. cùng hai con đến Ngôi nhà Ánh Dương. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy dấu vết chị bị chồng túm tóc, đánh vào đầu. Chị H. muốn tạm lánh an toàn ở Ngôi nhà Ánh Dương.
Nhiều lần bị chồng bạo hành, tháng 4/2022, chị H. muốn ly hôn và giành quyền nuôi hai con. Nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương phân tích các hành vi bạo lực gia đình, vòng tròn bạo lực, cung cấp kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, quyền của nạn nhân và trách nhiệm của người gây bạo lực.
Đồng thời, chị H. được hướng dẫn địa chỉ nơi tạm lánh, thu thập và lưu giữ chứng cứ, kết nối trung tâm trợ giúp pháp lý hỗ trợ khi cần thiết.
Cuộc gọi cầu cứu thường diễn ra trong đêm
Gần 2 năm đi vào hoạt động, tổng đài 18001744 hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới của Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa tiếp nhận 1.820 cuộc gọi, trong đó có 560 cuộc gọi liên quan đến bạo lực cần được trợ giúp. Số ca can thiệp qua tổng đài và cộng đồng là 122. Có 31 ca đến tạm lánh, trực tiếp được hỗ trợ tại Ngôi nhà Ánh Dương.
Đặc biệt có những tháng, tổng đài tiếp nhận 195 cuộc gọi trong đó có gần 140 cuộc gọi liên quan đến bạo lực, cần được can thiệp, trợ giúp.
Các cuộc gọi thường diễn ra vào ban đêm, nhiều nhất là khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 2h ngày tiếp theo.
"Người gây bạo lực thường tấn công bất ngờ và nạn nhân có ít người hỗ trợ, giải cứu. Sau khi bị hành hung, người bị bạo lực cần được tạm lánh an toàn, hỗ trợ về nhiều mặt. Đó cũng là lúc họ mới có thể thoát thân để gọi giải cứu", chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, khi biết đầu dây bên kia là người bị bạo hành, nhân viên công tác xã hội sẽ đánh giá về tình trạng sức khỏe, rà soát các nguy cơ mất an toàn mà người bị bạo lực có thể gặp phải.
Hầu hết các cuộc gọi vào ban đêm đều là các cuộc gọi cần hỗ trợ khẩn cấp, mức độ tổn thương về tinh thần, thể xác khá nghiêm trọng và cần được giải cứu kịp thời.
Nguyên tắc hỗ trợ của Ngôi nhà Ánh Dương là lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Vì vậy, sau khi biết tình trạng của người bị bạo lực, nhân viên sẽ hướng dẫn họ kỹ năng phòng tránh bạo lực, thảo luận với người bị bạo lực về việc có sự tham gia hỗ trợ, can thiệp của công an, chính quyền để người bị bạo lực tự đưa ra quyết định .
Đối với các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, nhân viên thực hiện tư vấn tâm lý, hướng dẫn việc lưu giữ chứng cứ, làm đơn tố cáo (nếu cần thiết), phân tích các hành vi bạo lực, vòng tròn bạo lực, cách xử lý và ứng phó khi bạo lực xảy ra. Thông qua hoạt động này, những người bị bạo lực đã ổn định về mặt tâm lý, nhận thức rõ vấn đề của mình và có hướng giải quyết.
Ngôi nhà Ánh Dương là mô hình cung cấp các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Đây là những nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Hoạt động này nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Mô hình nhà tạm lánh thuộc dự án "Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương, cũng như bảo đảm tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam", do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Ngôi nhà Ánh Dương ra đời không chỉ giúp nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có nơi tạm lánh an toàn khi gặp bạo lực về giới; còn tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các ban, ngành và tổ chức có liên quan trong giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách chuyên nghiệp và thân thiện, áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa là 1 trong 4 cơ sở được xây dựng và vận hành tại Việt Nam. Tất cả mọi tiếp nhận hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện thông qua đường dây nóng miễn phí 18001744.