1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cuộc sống của nữ tiến sĩ xinh đẹp "lao thẳng xuống địa ngục" khi sinh con

Hoài Nam

(Dân trí) - Chạy xe về đón con trên dòng đường kẹt cứng, chị Th. òa khóc với suy nghĩ "giá như không sinh con"... Người mẹ này vừa phải từ chối học bổng du học ở Anh cũng vì... con.

Cuộc sống lao thẳng xuống... địa ngục 

Đề cập đến vấn đề sinh và nuôi dạy con, chị Ng.V.Th., 37 tuổi, tiến sĩ một trường đại học ở TPHCM không ngần ngại trả lời: "Tôi rất hối hận vì sinh con", dù biết sẽ nhận về nhiều đánh giá là người mẹ tồi, không thương con. 

Cảm giác hối hận không chỉ bây giờ mới có mà là nỗi ám ảnh theo chị gần 6 năm qua, từ khi sinh con. Ngày con chào đời, chị cảm giác như "cuộc sống rơi thẳng xuống địa ngục". 

Cuộc sống của nữ tiến sĩ xinh đẹp lao thẳng xuống địa ngục khi sinh con - 1

Hình ảnh một cô giáo bế con lên lớp giảng bài từng nhận về nhiều thương cảm và cả tranh cãi (Ảnh: T.L).

Mọi thứ không phải là tiếng cười trẻ thơ ríu rít, vợ chồng con cái thủ thỉ đùa vui như hình dung của chị về việc làm mẹ. Con trai chị mắc bệnh về thận bẩm sinh, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật trong hơn hai năm đầu đời. 

Chưa hết, thời gian đó cháu bị trào ngược thực quản nặng, ăn vào là ói. Cháu ói nhiều đến độ giai đoạn ở nhà chăm con, chị Th. còn không buồn mặc áo vì mặc rồi chỉ mất công thay. 

Nhiều người giúp việc đến thấy cảnh tượng cháu ói lại lắc đầu "cô xin lỗi" rồi nhanh chóng ra đi. Hết thời gian thai sản, dù thèm quay lại tái hòa nhập với công việc nhưng chị Th. phải xin nghỉ không lương thêm nửa năm để ở nhà chăm con. 

Từ một cô gái xinh đẹp, từng là hoa khôi thời đại học, chị Th. nói sau sinh con, chị trở nên xơ xác, rũ rượi, tàn tạ. Có thời gian, chị không dám gặp mọi người và cũng không ít lần có suy nghĩ "ôm con cùng chết" với nhiều biểu hiện của bệnh trầm cảm. 

Chồng làm về lĩnh vực xây dựng, đi công tác liên tục nên việc chăm con được mặc định do chị Th. đảm đương. Ông bà hai bên nội ngoại ở xa, già yếu nên đều không thể hỗ trợ. Nhiều giai đoạn không tìm được người giúp việc hoặc giúp việc nghỉ đột ngột, mình chị xoay xở mọi thứ. 

Nhiều hôm đi dạy chị phải đưa con theo rồi nhờ sinh viên giữ; có khi bí quá chị còn gửi con ở cổng trường nhờ bác bảo vệ trông giúp, bước vào phòng họp mà ngồi thấp thỏm không yên. 

Trước khi sinh con, chị Th. đang học dở chương trình tiến sĩ nhưng rồi phải bảo lưu. Mãi gần đây, sau thời gian dài trầy trật, học kiểu đối phó, học cho có chị mới lấy được bằng. 

Nữ tiến sĩ trải lòng, sau khi có con, chị phải từ bỏ nhiều cơ hội học tập, phát triển sự nghiệp. Mới đây, chị vừa từ chối học bổng đi học ở Anh khi không thể thu xếp. 

Ngay cả những ngày cuối tuần, chuyên ngành của chị thường có nhiều hội thảo, tọa đàm trao đổi học thuật chị vẫn rất khó khăn để tham dự. 

Ở nhà, muốn có không gian riêng, chị đành thả con cho điện thoại, máy tính nhưng cũng không thể tập trung làm việc hiệu quả. Đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim đã trở nên xa xỉ với chị.

Nhất là mỗi lần con bệnh, đi viện là chị mất toàn bộ năng lượng, căng thẳng lại ập đến. Chưa kể đến những chì chiết của chồng và người thân: "Có đứa con mà làm quá!". 

Giờ đây, ai nhắc hay thúc giục "sinh đi đứa nữa" là nữ tiến sĩ cảm giác như muốn phát điên. 

Cuộc sống của nữ tiến sĩ xinh đẹp lao thẳng xuống địa ngục khi sinh con - 2

Nhiều phụ nữ kiệt sức sau khi sinh con (Ảnh minh họa).

"Rất nhiều lần tôi khóc, hối hận, giày vò bản thân vì sao năm đó mình lại sinh con", người mẹ không giấu được sự mệt mỏi. Chị khẳng định, nếu thời gian quay lại, chị sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định sinh con. 

Hối hận vì sinh con, không phải hiếm

Như câu chuyện của chị Th., hiện tượng bố mẹ hối hận sau khi sinh con được các chuyên gia tâm lý, xã hội học đề cập tại tọa đàm "Học làm cha mẹ chủ động" vừa diễn ra tại TPHCM. 

Tại đây, thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công giáo Louvain (Bỉ) chia sẻ hai giáo sư đầu ngành là người hướng dẫn ông nói rằng các chương trình hàng đầu thế giới về nuôi dạy con cái, về kỹ năng làm cha mẹ đang tập trung quá nhiều vào đứa trẻ. Nhưng lại bỏ qua vấn đề của cha mẹ, thiếu quan tâm sức khỏe tinh thần của cha mẹ.  

Ông Thành chia sẻ, giới chuyên môn đang nghiên cứu khái niệm mới, gọi là "hối hận sau khi sinh con". 

Có những cha mẹ sau khi sinh và nuôi dạy con thì cảm thấy hối hận, họ ước quay trở lại cuộc sống độc thân. Nhiều người rơi vào trạng thái kiệt sức, nhất là khi họ thấy bản thân mâu thuẫn với hình ảnh bố mẹ mà họ đã xây dựng trước đó. 

Cuộc sống của nữ tiến sĩ xinh đẹp lao thẳng xuống địa ngục khi sinh con - 3

Các chuyên gia tâm lý, xã hội học trao đổi về vấn đề cha mẹ hối hận sau khi sinh con (Ảnh: H.N).

Ông Thành cũng thông tin, một mẫu nghiên cứu cha mẹ kiệt sức ở Việt Nam chỉ ra chỉ 1-2% cha mẹ bị kiệt sức. Tuy nhiên, điều này có thể chưa phản ánh đúng thực tế khi mẫu nghiên cứu còn rất khiêm tốn. 

Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu này: "Ở Việt Nam, liệu mọi người mấy ai dám nói "tôi đang kiệt sức". Khi họ nói ra như vậy, nghe chia sẻ, thông cảm thì ít mà phán xét thì nhiều". 

Ông Nguyễn Minh Thành nêu quan điểm nuôi dạy con cái không thể chỉ nói về vấn đề của đứa trẻ, chúng ta cần quan tâm quay ngược về với cha mẹ. 

Thạc sĩ xã hội học Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên, nhà đồng sáng lập Care Cube kể đã có những trường hợp bố mẹ tìm đến bà và thú nhận suy nghĩ ước gì đã không sinh con ra. 

Không phải vì họ muốn từ bỏ đứa con hay không thương con mà vì họ cảm thấy luôn luôn có lỗi. Họ thấy có lỗi khi đưa đến cho con cuộc sống bất thường, thấy có lỗi khi không thể giúp con có cuộc sống hạnh phúc như những đứa trẻ khác. 

Cảm giác tội lỗi đó làm bố mẹ bị dìm xuống rất sâu... 

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, hồi ông đi học ở New Zealand, ông thấy có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ bố mẹ trong việc nuôi dạy con. Bảo tàng, thư viện miễn phí, nhiều hoạt động nuôi dạy con để bố mẹ tiếp cận, các chính sách an sinh xã hội...

Đối chiếu ở Việt Nam, ông Ân thốt lên: "Làm cha mẹ ở Việt Nam cực quá!". 

Ông Nguyễn Hồng Ân chia sẻ, trong quá trình nuôi dạy con, thay vì một mình ôm hết, bố mẹ có thể tìm đến 4 nguồn hỗ trợ khi gặp khó khăn như ông bà, bạn bè, internet hoặc các nhà chuyên môn. 

Cuộc sống của nữ tiến sĩ xinh đẹp lao thẳng xuống địa ngục khi sinh con - 4

Nhiều người mẹ thèm muốn quay trở lại thời độc thân (Ảnh minh họa: H.N).

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành cho rằng, hối hận sau khi sinh con thường đến từ việc bố mẹ chưa sẵn sàng để sinh con mà họ đã sinh con. Họ có thể sinh con vì sự cố "bác sĩ bảo" hay đến từ áp lực xã hội bắt buộc đến tuổi thì phải sinh con...

Bởi vậy, mỗi người có sự chuẩn bị và sẵn sàng cho việc sinh con. Sự chuẩn bị và sẵn sàng trong bao lâu, như thế nào sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả mà tùy từng người, từng hoàn cảnh. Trong đó cần lưu tâm đến việc sinh con khi bản thân mình mong muốn, tránh sinh con vì những áp lực bên ngoài.