Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
"Cú sốc lịch sử" Covid-19 là bài học về thích ứng xã hội
(Dân trí) - Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ rõ, dịch bệnh Covid-19 là "cú sốc lịch sử", cần được đánh giá khi tổng kết về các chính sách xã hội để xây dựng chiến lược trong thời đại mới thích ứng, linh hoạt.
Đây là yêu cầu được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH quán triệt khi triệu tập cuộc họp về tình hình triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Theo phân công của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác tổng kết Nghị quyết trên.
Sau phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo hồi tháng 3 năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập bộ phận thường trực để hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị xây dựng báo cáo để trong tháng 5 hoàn thiện việc tổng kết tại các tỉnh thành, bộ ngành, để sang tháng 6, Ban chỉ đạo bắt đầu vào tổng hợp, hoàn thiện đề án theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ số hạnh phúc gắn với công bằng xã hội
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sốt ruột vì theo phản hồi của một số bộ, ngành, địa phương, đến nay các đơn vị mới đang bắt đầu triển khai công việc nên dự kiến, việc tổng hợp báo cáo để trình Ban chỉ đạo có thể chậm so với tiến độ đề ra. Bộ trưởng yêu cầu sự chủ động cao của bộ phận thường trực đối với việc xây dựng báo cáo tổng kết, dự thảo nghị quyết mới về các chính sách xã hội đến năm 2030-2035.
Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh, bên cạnh việc đánh giá kết quả, những điểm được và chưa được trong 10 năm thực hiện các chính sách xã hội theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, cần nhận diện được tình hình mới, những khó khăn, thách thức, những vấn đề mới cần có chính sách mới để giải quyết.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH đặt câu hỏi, bối cảnh mới hiện nay cần lưu ý vấn đề gì, dự báo những vấn đề sẽ nổi lên trong 10 năm tới. Ông đề cập bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, Việt Nam sẽ trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao (mục tiêu là năm 2030 - PV), người dân không chỉ cần "đủ ăn đủ mặc" nữa mà phải đáp ứng yêu cầu "ăn ngon mặc đẹp"… Với những thay đổi như thế, giai đoạn tới, những mục tiêu, chỉ số đo lường có thể cũng phải thay đổi, phải hướng tới xây dựng chỉ số hạnh phúc, tiêu chí về phân phối thu nhập, tính công bằng xã hội…
"Bối cảnh mới như vậy thì cơ quan tham mưu chính sách phải hình dung, đề xuất được "lưới" an sinh xã hội 10 năm tới như thế nào? Quan điểm về phát triển, đến năm 2030 sẽ không chỉ là bền vững nữa mà phải là toàn diện, bao trùm. Chính sách an sinh, khi đó, không chỉ là "không để ai bị bỏ lại phía sau" mà cần thay đổi đột phá, mục tiêu là "một Việt Nam không còn đói nghèo" vào mốc thời điểm này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu, cần xác định những vấn đề mấu chốt với chính sách xã hội 10 năm tới.
"Vẽ" diện mạo chính sách xã hội trong 10-15 năm tới
Chuyên gia cao cấp, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội cho biết, đến nay, Tổ biên tập đã xây dựng bản dự thảo báo cáo tổng kết với dung lượng gần 60 trang, trong đó có chú trọng vấn đề nhận diện chính sách xã hội cho giai đoạn mới, đến năm 2030.
Ông Lợi cũng nêu khái quát việc đặt các chính sách xã hội trong mối tương quan với các chính sách kinh tế. Theo đánh giá sơ bộ, thực tế, nguồn lực chi cho đảm bảo an sinh xã hội còn thấp so với GDP, chưa đạt mục tiêu theo xu hướng thế giới. Các chuyên gia cho rằng, hệ thống an sinh xã hội hiện chưa đảm bảo tính chất lan tỏa, linh hoạt. Đó là những vấn đề cần mổ xẻ, giải quyết.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đòi hỏi, báo cáo tổng kết cần phản ánh trung thực về 10 năm đổi mới vừa qua, tính thiết thực của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI với đời sống xã hội đất nước. "Phần khó cần đầu tư cho báo cáo là sao để hình dung được các nhóm chính sách đến năm 2030-2035 thế nào, với định hướng xuyên suốt là phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Cần vẽ được diện mạo xã hội 10-15 năm tới và lộ trình để tiến tới đó" - Bộ trưởng nhận định.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi báo cáo về dự kiến 17 chuyên đề cần nghiên cứu, đánh giá trong quá trình tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, hướng tới xây dựng hệ thống chính sách xã hội cho giai đoạn mới.
Ông cũng quán triệt tinh thần, tiến bộ, công bằng xã hội cần thể hiện trong từng chương trình, dự án cụ thể chứ không chỉ dừng ở tư duy lo phúc lợi xã hội, "làm từ thiện, kiểu ban phát cho đối tượng yếu thế". Đó là tinh thần cơ bản để thực hiện Điều 34 của Hiến pháp về đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tốt nghĩa là phải huy động được mọi người dân tham gia cũng như đảm bảo để mỗi người đều được thụ hưởng thành quả của tiến bộ, công bằng xã hội.
Đốc thúc công việc của tổ biên tập báo cáo tổng kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gợi ý đánh giá sâu sắc hơn về 3 năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Bộ trưởng nhận định: "Khoảng thời gian mấy năm qua cho chúng ta rất nhiều bài học. Những cú sốc vừa qua chính là "cú sốc lịch sử" mà qua đó cần đặc biệt xem xét việc cải cách một số chính sách xã hội, điều chỉnh hệ thống bảo hiểm xã hội, lưới an sinh… hướng tới một xã hội thích ứng với những cú sốc; phát triển và quản lý xã hội trong thời đại mới; điều chỉnh cơ cấu xã hội và việc làm; xây dựng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam…".
Thu nhập bình quân đầu người gần 4.000 USD
Năm 2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trong đó tập trung vào nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân, nhằm góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác chăm lo chính sách an sinh xã hội đã đạt được nhiều thành tựu lớn và đáng ghi nhận.
Những thành công của chính sách đã giúp đảm bảo an sinh xã hội cho gần 100 triệu người dân, bảo đảm việc làm cho trên 54 triệu người trong độ tuổi lao động và duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị thấp từ 2-3% trong cả giai đoạn. Thu nhập của người dân tăng từ 30-40% trong 10 năm, đạt trung bình gần 3.000 USD/người/năm vào năm 2021 (theo cách tính cũ).