DNews

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để "không khóc nữa"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sau nỗi đau mất con, chị Nguyệt Linh quyết định nấu đồ ăn hỗ trợ các bệnh nhi cùng đứng trước tai ương số phận giống con. Với chị, công việc đó là niềm an ủi, giúp chị cảm nhận con vẫn còn ở bên.

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để "không khóc nữa"

"Con ráng lên, sau này hết bệnh rồi mẹ con mình nấu cơm đãi các bạn ăn nhé", chị Nguyệt Linh (41 tuổi, quê tại tỉnh Kiên Giang) nghẹn ngào nói với cô con gái bé nhỏ đang lịm dần trên tay mình.

Cố nén, nhưng người làm mẹ như chị sao có thể kiềm chế nổi khi cô bé 4 tuổi trút hơi thở cuối cùng. Sinh con, rồi một mình tiễn con đi, trái tim người mẹ vỡ vụn.

Nhớ mãi di nguyện của con trước lúc ra đi, chị Linh hứa với lòng sẽ theo đuổi việc đó đến cùng. Chị mở bếp ăn từ thiện, nấu những phần ăn nghĩa tình cho các bệnh nhi ung thư, ngay lúc đau đớn tưởng chừng không vực dậy nổi. 

Chị nguyện giữ bếp luôn đỏ lửa, để những phần ăn đều đặn đến tay các bệnh nhi, để ước mơ của con chị mãi còn đó. 

Cuộc chiến 5 năm chỉ hai mẹ con

Thất thần kể lại câu chuyện của mình, với chị Linh, 5 năm nước mắt, dằn vặt, khủng hoảng đó vẫn như vừa mới hôm qua. Đó là những ngày giữa năm 2014, chị phát hiện con có nhiều dấu hiệu bất thường nên đưa bé đến bệnh viện khám.

"Tôi nghĩ đơn giản, trẻ con đau ốm là chuyện thường. Lúc đó con bị nổi mụn to như hạt đậu ở bụng, tưởng chỉ ốm vặt, ai ngờ...", chị Linh nhớ lại. 

Ngày đầu vừa gặp bác sĩ, người mẹ đã nhận thông báo con cần lên TPHCM gấp để chẩn đoán bệnh một lần nữa. Lúc đó, con chị chỉ mới 3 tháng tuổi.

Phấp phỏng, lo sợ, chị Linh thầm cầu nguyện con sẽ ổn, tự trấn an rằng con chỉ bị cảm sốt thông thường. Thế nhưng, sau khi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Linh choáng váng khi nghe bác sĩ nói hai từ "ung thư" nhưng cũng chưa tin nổi con mình đang đứng trước cửa tử.

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 1
Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 2

Thời điểm đó, chồng chị làm ăn ở TPHCM, chị một mình chị ở quê ngoại nuôi con. Con bệnh, người mẹ tất tả đưa lên thành phố rồi cũng một mình nhận tin dữ. Cuộc chiến của hai mẹ con chị bắt đầu.

Cố giữ chút tỉnh táo, đẩy nước mắt vào trong, chị chấp nhận sự thật về căn bệnh hiểm nghèo ập đến với sinh linh bé nhỏ trong vòng tay mình. Cuộc sống của hai mẹ con gắn liền với bệnh viện từ đó. 

"Biết tin, ngày cố nén để chăm con nhưng đêm nào tôi cũng khóc. Bác sĩ nói con tôi sống được tối đa 5 năm thôi. Tôi thầm trách trời, trách số phận, gào thét hỏi tại sao lại là con tôi, con gái bé nhỏ của tôi…", chị Linh nghẹn ngào.

Nằm Bệnh viện Nhi đồng 1 được hơn một tháng, con chị được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu để chữa trị. Lần đầu đặt chân đến đây, người mẹ trẻ khi ấy không khỏi choáng vì cảnh đông đúc, toàn những cảnh "thừa chết, thiếu sống". 

Một thời gian rồi cũng quen với những đêm ngủ dưới sàn, bế con vật vờ ngoài hành lang phòng bệnh. Chị Linh khựng lại, nghẹn giọng, mở căng mắt cố ngăn dòng lệ trào ra khi hồi tưởng những ký ức ám ảnh hằn sâu. 

"Nhìn con mệt mỏi, đau đớn, da tái nhợt, tóc cũng rụng dần sau những lần truyền hóa chất, tôi nhiều lần trốn vào nhà vệ sinh khóc nức nở. Con bé sinh ra lành lặn, đẹp đẽ vậy mà lúc đó chỉ còn da bọc xương. Con không nói nhưng tôi biết con đau lắm. Nụ cười của con vẫn cố gửi đến tôi nhưng nhiều lúc đang cười mà bỗng chợt đóng băng, vô hồn", người mẹ siết chặt đôi bàn tay.

Hai cánh tay của con thường xuyên chi chít vết kim tiêm, đôi mắt chỉ còn một nửa sự sống. Chị Linh tuyệt vọng, nhưng vẫn cố mỉm cười để con được vui. 

Tại bệnh viện, những đứa trẻ "xếp hàng" trước thần chết giống con chị ở khắp nơi. Bọn trẻ gặp nhau mỗi ngày nhưng hiếm khi cùng vui đùa, trò chuyện với nhau vì không đủ sức. Dù vậy, mỗi lần được vào cửa hàng tạp hóa trong khuôn viên bệnh viện, cô bé vẫn luôn chỉ, vòi mẹ mua bánh kẹo rồi mang phát cho các bạn cùng phòng. 

Chị được bọn trẻ, những người cùng đi chăm bệnh gọi là "mẹ Như", tức mẹ của bé Như thơm thảo, ai cũng quý. 

Quá trình lớn lên của cô bé gần như loanh quanh khuôn viên bệnh viện, chỉ xoay quanh những ca mổ, những gương mặt quen thuộc là các y bác sĩ như thế.

"Con chưa đủ nhận thức, nói một câu cũng chưa trọn vẹn mà chỉ bật ra vài ba từ. Nhưng tôi luôn hiểu con rất thích bạn, quan tâm đến các bạn. Có đồ ăn ngon con đều muốn chia cho những bạn cùng phòng, dù bọn trẻ chưa từng nói với nhau câu nào", chị Linh nhớ lại.

Thương con, thương cho những mảnh đời bé nhỏ cùng cảnh ngộ, chị Linh thỉnh thoảng nói vu vơ: "Sau này khi con khỏe, mẹ con mình nấu cơm đãi các bạn ăn nhé". Dù chỉ mới vài tuổi, lần nào bé Như cũng vui thích, gật đầu lia lịa.

Chia ly rồi hội ngộ

Hành trình điều trị kéo dài 5 năm, khi hai mẹ con chị thành thân quen, gắn bó với nơi này cũng là lúc bé Như yếu dần. Thời điểm đó, khối u lớn nằm trong ruột non, bác sĩ nào cũng e ngại. Ca mổ cuối không thành công, con bị xuất huyết bên trong, nhiều lần ói ra máu. Nhìn ánh mắt bất lực của các bác sĩ, chị Linh tự ý thức rằng đã đến lúc.

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 3
Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 4

Những ngày cuối cùng bên cạnh con, chị Linh cố làm hết mọi thứ như cách một người mẹ chăm lo cho con cả đời. Chữa trị vài năm, tiền bạc đã cạn sạch nhưng chị Linh vẫn cố gắng xoay xở mua chiếc điện thoại thông minh cho con dùng. Đến giờ nhớ lại, người mẹ thấy đôi chút an ủi vì mang lại được chút niềm vui cho bé.

"Lúc đó yếu rồi nhưng con vẫn kiên cường, tỉnh táo lắm, tuyệt đối không ói ra giường mà luôn ra hiệu cho mẹ đi lấy thau. Con mệt đến mức không còn than vãn gì cả, cũng không muốn về nhà", chị Linh lại gạt nước mắt.

Ngày bác sĩ khuyên chị đưa con về, chị Linh cố nén đau thương, chấp nhận. "Bất kỳ bố mẹ nào có con bị ung thư cũng đều chuẩn bị tinh thần sẽ mất con bất cứ lúc nào", chị bộc bạch.

Ngày con rời xa cõi tạm tới sau Tết Nguyên đán không bao lâu. Nhìn con lịm dần ngay trên tay, trái tim người mẹ như bị bóp nghẹn. "Lúc đó nhìn con ngủ ngon lắm, như không còn đau đớn nữa, tôi biết con đã đi đến nơi xa rồi", lời người mẹ thoảng qua như cơn gió.

Sau tang lễ con gái, vợ chồng chị Linh ly hôn. Những tháng ngày một mình chống chọi với nỗi đau, mất mát, chị Linh càng nhớ con. Trong khoảng thời gian đó, chị được người quen kéo đi làm thiện nguyện. Mỗi lần đến bệnh viện lại nhìn thấy hình ảnh con nhưng trong lòng người mẹ cảm giác nhẹ nhõm hơn.

3 tháng sau ngày con mất, chị quyết định lập bếp ăn 0 đồng hỗ trợ các bệnh nhi, duy trì hoạt động đến hiện tại. Bếp ăn bắt đầu với những đồng tiền cuối cùng còn lại của chị. Người mẹ quả quyết, dù chỉ còn 1 đồng trong túi cũng cố tìm cách hoàn thiện di nguyện của con.

Đã 6 năm trôi qua, chị Linh cứ ngỡ như mới hôm qua. Bản thân chị giờ đây đã chấp nhận việc con ra đi và tin rằng những điều tốt mình đã làm sẽ thay cho lời cầu nguyện cho con ở nơi xa. Dù thỉnh thoảng, chị vẫn cảm nhận được cái nghẹn ở cổ khi nhớ đến hình hài của con gái bé nhỏ.

"Tôi chỉ mong những việc làm này sẽ giúp được cho con ra đi thanh thản. Hi vọng kiếp sau ở cuộc đời mới, con sẽ bớt đau đớn, xinh đẹp hơn. Phần đời của con, tôi không thấy hối tiếc vì đã làm tất cả cho bé", chị Linh thầm nghĩ.

Hiện tại, chị Linh cũng đã tìm được một gia đình mới. Chồng chị là bố của một trong những bệnh nhi cùng phòng với con chị. Hoàn cảnh hai người giống nhau. Anh cũng từng ly hôn vợ sau khi con mất vì bệnh ung thư. Từ đó, cả hai cũng đồng hành xây dựng, duy trì bếp thiện nguyện ngày càng dài lâu hơn. 

"Bệnh các con đâu thể chờ, có bé vừa thổ lộ ước mơ, hôm sau đã đi rồi"

 6h sáng, chị Linh đã rục rịch chuẩn bị cho bữa trưa tại Bếp ăn 0 đồng trong con hẻm 17 (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức). Lựa chọn nguyên liệu xong, chị sắp xếp lại căn bếp, lên thực đơn cho ngày hôm nay và sơ chế thực phẩm. Đang cắt gọt dở mớ rau củ thì chị Linh phải dừng tay, chạy vào nhà chăm con nhỏ 6 tháng tuổi.

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 5
Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 6

Khoảng 2 tiếng sau, 3 người hàng xóm đến giúp chị tiếp tục những khâu sơ chế nguyên liệu. Căn bếp tất bật, mỗi người một tay, ai cũng cặm cụi làm hết việc này đến việc khác.

Chị Linh đã quen thuộc, thuần thục với các công đoạn. 6 năm qua, bếp ăn 0 đồng này đều đặn đỏ lửa 3 ngày mỗi tuần. Ánh mắt luôn đượm buồn nhưng cương nghị, chị bộc bạch: "Bếp ăn chúng tôi làm từ ước nguyện của con gái nhỏ đã mất vì ung thư năm 2018".

Chị kể, sau khi bé Như mất, chị nhận lại được số tiền hơn 40 triệu đồng tạm ứng viện phí và quyết định để làm thiện nguyện. Chị trích một phần gửi tặng những bệnh nhi đang chống chọi với căn bệnh quái ác, số còn lại để mua sắm dụng cụ để lập bếp ăn này.

Khi mở bếp, trong tay chị Linh gần như không có gì, chỉ một người đồng hành là người chồng hiện tại. Lúc đó, ngay cả việc nấu nướng chị cũng không rành. 

"Hồi trước tôi nấu ăn không ngon nhưng quyết tâm mở bếp 0 đồng nên cố gắng lên mạng học hỏi. May mắn có duyên nên sau đó, đồ ăn cũng được khen", bà chủ bếp kể.

Từ 50 phần ăn, giờ đây bếp đã mở rộng quy mô, phát hơn 400 suất tới người thân và các bệnh nhi đang chống chọi với bệnh tật tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quận 9, TPHCM).

Anh Đức, hàng xóm kế bên, nhận làm tài xế chở cơm đến viện phát. Anh luôn cảm thấy vui khi được góp một phần công sức cho bếp.

Anh Đức bày tỏ: "Việc gì làm được thì cứ làm. Chị Linh là phụ nữ, đã lo việc vận hành, nấu bếp, lại thêm việc chở mấy trăm phần ăn cũng khó nên tôi giúp chị lo khâu này. Thấy các bệnh nhi đón nhận những phần ăn ngon, tôi cũng ấm lòng".

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 7
Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 8

Bén duyên cùng công việc này hơn 2 năm nay, bà Như (68 tuổi) cho hay bản thân tình cờ thấy bếp ăn 0 đồng khi đi ngang qua. Vốn thích làm thiện nguyện, bà không ngần ngại xin vào phụ một tay.

"Tôi rất thích làm những việc giúp người khó khăn mà bản thân không có khả năng tài chính. Lúc trước đi ngang thấy Linh lụi cụi làm một mình nên tôi xin vào làm cùng luôn, giúp sức cho vui", bà Như chia sẻ.

Nhiều năm đều đặn phát phần ăn cho bệnh nhi tại chính bệnh viện mà con gái từng gắn bó, chị Linh chưa lúc nào thôi nhớ về con. Mỗi lần quay lại, trống ngực người mẹ lại dồn từng hồi. Phát quà cho các bé xong, chị Linh lặng lẽ về lại căn phòng, chiếc giường nơi con gái từng nằm, lần nào cũng rơi nước mắt lúc nào chẳng hay.

"Những phần ăn dù nhỏ bé, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mong các bệnh nhi được ăn những bữa thật ngon. Tôi nhớ ngày trước, khi con còn điều trị tại đây, cùng nhận, chia nhau những phần cơm từ mạnh thường quân, các con ăn rất vui vẻ", chị nhớ lại.

Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 9
Con mất vì ung thư, mẹ trẻ lập bếp từ thiện để không khóc nữa - 10

Trong hành trình mang những bữa ăn ấm lòng đến viện, chị Linh còn tổ chức chương trình "Điều Ước Đơn Giản" dành tặng cho các bệnh nhi ung thư tại đây.

"Thường thì điều ước của các con đơn giản lắm, chỉ là gấu bông, bánh, kẹo thôi. Khi các con tả một món đồ chơi, tôi sẽ cố gắng tìm mua cho thật chính xác. Nhưng bệnh này đâu có chờ được, có bé vừa thổ lộ ước muốn hôm qua, hôm nay đã đi rồi…", chị Linh nghẹn ngào.

Người mẹ mang nỗi đau mất con cũng thông tin vừa lập nhà lưu trú miễn phí cho bệnh nhi ung thư và thân nhân. "Tôi sẽ cố gắng duy trì những việc này đến khi nào hết khả năng thì thôi. Con tôi ở nơi xa, nếu thấy những cảnh này chắc cũng sẽ rất vui", chị Linh tâm niệm.

Nội dung: Nguyễn Vy - Anh Thư

Ảnh: Nguyễn Vy, Anh Thư, nhân vật cung cấp