Hơn 5 triệu người được tăng lương, lương hưu, cao nhất thêm 15 triệu/tháng
(Dân trí) - Hơn 5 triệu người được điều chỉnh lương cơ sở, lương hưu từ 1/7, mức cao nhất tăng 20,8%. Người hưởng lương hưu cao nhất cả nước sẽ được tăng thêm gần 16 triệu đồng, nhận mức 140 triệu đồng/tháng.
Lương cơ sở tăng lên mức 1.800.000 đồng/tháng
Theo nghị định số 24/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng, mức tăng hơn 20,8%.
9 nhóm đối tượng được điều chỉnh lương cơ sở từ hôm nay gồm: cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam cũng thuộc đối tượng được điều chỉnh lương.
Bên cạnh đó, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố cũng được điều chỉnh lương cơ sở từ hôm nay.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.998.083 biên chế. Trong đó, biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 254.757; biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.743.326.
Như vậy từ 1/1/1995 đến nay, nước ta đã trải qua 18 lần tăng lương cơ sở. Lương cơ sở được điều chỉnh hằng năm. Tuy nhiên, năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lương cơ sở bị "lỡ hẹn".
Năm 1995, lương cơ sở ở mức 120.000 đồng/tháng, thì đến 1/7, mức lương này đã chạm mức 1.800.000 đồng/tháng.
Lương hưu tăng mức cao nhất 20,8%
Theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP, tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP (từ ngày 1/1/2022).
Bên cạnh đó, cũng tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/1/2022.
Sau khi điều chỉnh, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.
Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Năm 2022, dù tình hình kinh tế đất nước có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Giai đoạn 2016-2021, bình quân có khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới/năm. Trong đó, 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (chiếm 65,8%). Như vậy, cứ 3 người nghỉ hưu thì khoảng 2 người có tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% trung bình lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Năm 2022, mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).