Quảng Nam:

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch

Ngô Linh

(Dân trí) - Ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế số là "đòn bẩy" giúp phụ nữ mở rộng sản xuất, phục hồi kinh tế sau những tác động của đại dịch Covid-19.

Ngày 6/5, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra ngày hội "Đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số - nâng tầm sản phẩm phụ nữ vì Hội An xanh" năm 2022, do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hội An kết hợp với Phòng Kinh tế Hội An tổ chức.

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch - 1

Ngày hội "Đổi mới sáng tạo - chuyển đổi số - nâng tầm sản phẩm phụ nữ vì Hội An xanh" năm 2022.

Bà Ngô Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội LHPN TP Hội An cho hay, đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, giới thiệu, kết nối cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, đặc biệt hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn là vấn đề được chú trọng, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Qua đại dịch Covid-19, chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, nó là "đòn bẩy" quan trọng giúp phụ nữ vươn lên mở rộng sản xuất, phục hồi sau đại dịch…

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch - 2

Giới thiệu, kết nối cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, đặc biệt hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

"Phụ nữ Hội An cũng sẵn sàng nắm bắt, áp dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế, thích ứng với thay đổi thời đại, đặc biệt tại thành phố du lịch - dịch vụ như Hội An. Nhiều mô hình được tỉnh và Trung ương đánh giá cao, hội phụ nữ sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng chị em về tiếp cận vốn vay, phát triển thị trường…", bà Ngô Thị Tuyết Nhung chia sẻ.

Những sản phẩm chất lượng, uy tín của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cá nhân do phụ nữ làm chủ thuộc 13 xã, phường trên địa bàn thành phố Hội An được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng tại ngày hội. Đây là những sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3-4 sao, hay những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu…

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch - 3

Phụ nữ Hội An giới thiệu sản phẩm của mình

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, lĩnh vực dịch vụ - du lịch - thương mại luôn được xem là lĩnh vực phát triển kinh tế hàng đầu tại Hội An. Thời gian qua, các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ đã đóng góp quan trọng trong phát triển tại địa phương. Chuyển đổi số 4.0 được phụ nữ thành phố tiếp cận rất tích cực, các kênh bán hàng, tương tác trên mạng xã hội giúp chị em phụ nữ dần khẳng định thương hiệu của mình.

"Chính quyền thành phố Hội An sẽ có chương trình, kế hoạch cụ thể, phối hợp với Hội LHPN thành phố liên quan đến khởi nghiệp, chuyển đổi số để cùng triển khai trong giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo để hỗ trợ thêm cho phụ nữ làm kinh tế, khởi nghiệp tại Hội An", ông Hùng trao đổi thêm.

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch - 4

Nhiều sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ Hội An được giới thiệu.

Việc vay vốn khởi nghiệp cũng nhận được sự quan tâm lớn tại ngày hội. Bà Lê Thị Tuyết Mai - Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hội An - thông tin trong những năm qua, ngân hàng chính sách đã ủy thác qua Hội LHPN thành phố cho vay đến nay là 1978 dự án giải quyết việc làm và các dự án khởi nghiệp.

Mạng lưới hoạt động của phòng giao dịch ngân hàng có tại 13 điểm giao dịch xã, phường; mạng lưới tổ tiết kiệm gồm 106 tổ, trong đó thông qua Hội LHPN có 60 tổ tại các thôn, khối phố. Phụ nữ có nhu cầu vay vốn sẽ liên hệ trực tiếp với các tổ tiết kiệm.

Chuyển đổi số và vaccine giúp những bà chủ vượt khó trong đại dịch - 5

Hội LHPN Hội An hỗ trợ vay vốn cho phụ nữ.

Mô hình khởi nghiệp bột ngũ cốc Mẹ Mít của chị Thái Thị Nhị đạt giải nhất "phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế năm 2022", giải nhì sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

"Trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc bán hàng tại truyền thống đã không còn phù hợp, chính nhờ áp dụng các kênh bán hàng trực tuyến đã giúp sản phẩm gần hơn người tiêu dùng, bán được nhiều sản phẩm hơn… Tôi nhận thấy việc chuyển đổi số rất quan trọng và thiết thực trong thời đại 4.0 hiện nay", chị Nhị cho hay.