DMagazine

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang

(Dân trí) - "Giá cả thị trường tăng, mức lương chưa đủ sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang địa bàn thuộc vùng lương cao hơn, đổi việc khác, tìm việc mới ở quê nhà... dẫn đến thiếu lao động".

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang

"Giá cả thị trường tăng, mức lương chưa đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn, đổi công việc khác, tìm việc mới ở quê nhà... dẫn đến thiếu hụt lao động".

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam chia sẻ nhận định với PV Dân trí về những biến động nhân lực do tác động phức tạp của dịch Covid-19 cũng như các giải pháp trong thời gian tới.

Tới nay đã qua một tháng khôi phục thị trường lao động sau Tết Nguyên đán. Từ góc độ của tổ chức công đoàn, ông đánh giá gì về tình hình lao động hiện nay?

- Cách đây ít ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa họp trực tuyến với hơn 30 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương về tình hình lao động sau Tết và bàn các giải pháp ổn định thị trường lao động. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn sẽ đề xuất với Chính phủ các giải pháp để vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo nguồn lao động phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 1

Trong một tháng sau Tết Nguyên đán, đánh giá của hệ thống công đoàn cho thấy, trên 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao như: Cần Thơ đạt 100%, Công đoàn Xây dựng Việt Nam: 100%, Đà Nẵng: 99,8%, Quảng Ninh: 98,8%, Thanh Hóa: 98,7%, Tây Ninh: 98,7%, Hà Nội: 98,1%, Hà Nam: 98%, Hải Phòng: 96%; Long An: 95%…

Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An, chỉ 75,7%, Bình Thuận 70%.

Tại nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện cách ly, điều trị) do dịch Covid-19 khá cao, như Hải Phòng có trên 42.000 người, Bắc Giang có khoảng 22.000 người. Tình hình này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 2

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Như vậy, bức tranh việc làm sau Tết đã hình thành khá rõ nét. Vậy trong năm 2022, ông có nhận định gì về nhu cầu sử dụng nhân lực ở các khu kinh tế trọng điểm, ngành nghề nào sẽ hút lao động?

- Trong năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Hiện nay, ở nhiều địa phương, doanh nghiệp đang thiếu lao động, có nơi thiếu trầm trọng, làm cho khả năng phục hồi kinh tế bị chậm lại.

Đơn cử, theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An 51.000 lao động, Hải Phòng 50.000 lao động, Tây Ninh 46.000 lao động, Bắc Ninh 30.000 lao động, Hà Nội 26.000 lao động, Quảng Ninh 24.500 lao động, Bình Phước 18.000 lao động, Thừa thiên - Huế 12.000 lao động…

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 3
Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 4

Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch. Về trình độ, nhóm lao động, các doanh nghiệp đang thiếu đội ngũ quản lý sản xuất, văn phòng, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân sự có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm xuất nhập khẩu, thợ bậc cao các lĩnh vực... Đồng thời, đội ngũ lao động thời vụ cũng sẽ được tuyển dụng nhiều hơn trước.

Theo báo cáo của các địa phương, sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng lao động sẽ gia tăng, giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa người lao động mới tham gia vào thị trường lao động và lực lượng lao động có kinh nghiệm, khi có nhu cầu thay đổi công việc.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 5

Như ông nói, nhiều địa phương và doanh nghiệp đang thiếu lao động, phát sinh nhu cầu tuyển dụng nhiều trăm nghìn lao động. Vậy nguyên nhân nào đem lại sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng này?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay. Dịp Tết Nguyên đán, một bộ phận người lao động trở về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Bắc và miền Trung, chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam để làm việc.

Họ có thể đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn chọn nơi làm việc gần hơn với gia đình, lương có thể không cao như trước nhưng chi phí cuộc sống lại thấp. Khó khăn về nhà ở, trường học cho con cái ở những nơi có nhiều khu công nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nhiều lao động không muốn trở lại nơi làm cũ.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 6

Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, tuyển dụng thêm lao động với yêu cầu lao động phải có tay nghề nhưng tiền lương và các chế độ khác chưa phù hợp. Ở nhiều địa phương, nguồn lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, tay nghề chưa cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Với bối cảnh hiện nay, giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được chưa đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, kể cả lao động thời vụ, dẫn đến mất cân bằng về lao động. Một bộ phận công nhân đang là F0, F1 cũng như việc con của họ chưa được đến trường cũng là nguyên nhân của hiện tượng thiếu lao động.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 7

Các chế độ đãi ngộ, phúc lợi của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da còn thấp, mức lương khởi điểm chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Trong khi đó, yêu cầu công việc và giờ làm việc lại quá cao, đời sống người lao động, nhất là công nhân khó được đảm bảo do ở xa nhà, phải tốn thêm chi phí thuê nhà trọ, đi lại, học hành của con và các khoản chi phí khác. Nguồn thu nhập, theo đó, không đủ bù đắp cho việc tái tạo sức lao động.

Tâm lý ngại quay lại làm việc do sợ nhiễm Covid-19 còn tồn tại ở một số lao động, nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi, người lao động chưa tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19.

Chuyện chọn việc của người lao động giữa thời xăng tăng, giá cả leo thang - 8

Trước những biến động phức tạp do dịch Covid-19 cũng như các tác động của giá cả thị trường, tình hình thế giới, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có kiến nghị gì để tăng thu hút, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người lao động?

- Đây là một bài toán lớn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương tới các bộ, ngành và địa phương. Về vĩ mô, cần ban hành các chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, như xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ, xây các chung cư, nhà ở xã hội bán cho người lao động với thời hạn trả góp khoảng 20 năm để người lao động yên tâm làm việc.

"Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát việc tăng giá xăng dầu, ga, điện, bất động sản để không kéo theo sự tăng giá các dịch vụ khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân lao động…", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhất là những ngành/nghề đang phát triển, những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã hội như du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, dược, mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, logistics.

Để nâng cao trình độ nhân lực cho doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề cần đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời. Bên cạnh đó cần tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Đối với các khu kinh tế trọng điểm có nhiều khu công nghiệp, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư.

Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của người lao động như quan tâm điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tăng lương và các khoản phúc lợi, quan tâm, cải thiện thu nhập để thu hút và giữ chân người lao động làm việc lâu dài…

Nhiều giải pháp đặt ra với Công đoàn Việt Nam

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn Việt Nam xác định nhiều giải pháp, chủ trương trong thời gian tới nhằm đảm bảo việc làm, đời sống người lao động.

Trước hết là quyết liệt triển khai các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, như nhà ở, nhà trẻ, các công trình sinh hoạt cộng đồng cho công nhân lao động; Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp.

Tăng cường giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, đảm bảo người lao động được thực hiện thực chất quyền dân chủ tại nơi làm việc; Có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở, tăng số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại các công đoàn cơ sở có đông lao động, đoàn viên...

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoàng Mạnh

Ảnh: Nhóm phóng viên