1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chuyện bọc tiền tích cóp của cụ bà 90: Ký ức về ông bà thời gian khó ùa về!

Thanh Xuân

(Dân trí) - Nhiều người cùng chia sẻ cảm giác thân thương, nghẹn ngào khi xem cảnh con cháu cùng "khui" bọc tiền tích cóp bao năm, được cụ bà 90 tuổi ở Hà Nội cuộn chặt, giấu kỹ trong các bao tải khắp nhà.

Khi dọn dẹp căn phòng ở của cụ bà Nguyễn Thị Tý (tên thường gọi là Khanh), anh Nguyễn Văn Sự đã phát hiện ra rất nhiều bao tải chứa đồ đạc, quần áo cũ kĩ.

Tưởng là đồ đạc không cần thiết, anh định bỏ đi. Ai ngờ khi mở những bao tải này ra, cả gia đình anh Sự vô cùng ngạc nhiên trước nhiều túi nilon cuộn chặt, bên trong chứa các loại tiền giấy với mệnh giá khác nhau. Số tiền bà anh tích góp bao năm, cất giấu rồi quên mất, cho đến khi con cháu vô tình phát hiện 

Chuyện bọc tiền tích cóp của cụ bà 90: Ký ức về ông bà thời gian khó ùa về! - 1

Cụ Khanh khiến mọi người bất ngờ khi cuộn tròn tiền, giấu kỹ trong bao tải.

Anh Sự đã chia sẻ câu chuyện thú vị, vui nhộn tại gia đình này bằng cách livestream (ghi hình phát trực tiếp - PV) buổi kiểm đếm tiền của cụ bà trên trang mạng xã hội của mình. Không ngờ, đoạn video ghi lại hình ảnh con cháu trong nhà lấy từng bọc tiền, sắp xếp lại ngay ngắn thu hút sự quan tâm lớn của mọi người. 

Dù đi viện bà vẫn mang theo bọc tiền

Xem những hình ảnh, câu chuyện về bọc tiền của cụ Khanh, anh Nguyễn Văn Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ như nhìn thấy  bà ngoại mình trong đó. Khi còn trẻ, bà của Sơn nức tiếng về sự nhanh nhẹn, tháo vát, biết buôn bán.

Cửa hàng tạp hóa đa dạng, bán không thiếu thứ gì của bà đắt khách vô cùng. Cũng chính nguồn thu nhập từ quán tạp hóa cỏn con ấy mà một tay bà nuôi cả đàn con trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.

Ấy vậy, khi con cái phương trưởng, có gia đình riêng, tự lo được cho cuộc sống của mình, bà ngoại anh Sơn vẫn còn số tiền "khủng" tích cóp từ rất lâu. 300 triệu đồng được bà chia nhỏ, "gửi nhờ" 3 người con.

Nay đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe đã suy giảm nhiều, bà không còn được minh mẫn như xưa. Nhưng tính cách nhặt nhạnh, chắt chiu, tích cóp của bà vẫn y như ngày nào. 

Anh Sơn chia sẻ: "Từng đồng tiền từ khoản trợ cấp tuổi già, con cháu cho biếu, bà sắp xếp ngay ngắn, cuộn chặt, dùng chân chun buộc lại gọn gàng. Cứ được khoảng chục cuộn, bà lại gói ghém vào một túi nilon nhỏ, cất đầu giường".

Sau này, lo mất trộm, bà còn yêu cầu các con làm khóa cửa căn phòng của mình. Lúc "trái gió, trở trời", đau mỏi người mà được các con đưa đi viện thăm khám, bà vẫn nhất nhất phải mang theo bên mình chục túi nilon đựng những cuộn tiền tiết kiệm.

Chuyện bọc tiền tích cóp của cụ bà 90: Ký ức về ông bà thời gian khó ùa về! - 2

Đi viện, bà Minh vẫn mang theo bọc tiền được cuộn gọn gàng (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo anh Sơn, con cháu dù có ngỏ ý cất hộ nhưng bà vẫn nhất định giữ bên mình. Với bà, "đồng tiền liền khúc ruột", mang theo bên người mới yên tâm, không lo bị mất trộm.

"Năm nay, tôi hơn 50 tuổi, đọc câu chuyện này lại nhớ đến bà nội của mình, giống hệt cụ bà Khanh. Bà nội tôi cũng ở một mình trong ngôi nhà cấp bốn, tự nấu nướng, không nhờ vả con cháu nào. Sau này, khi đã 90 tuổi, chân yếu nên bà mới để con cháu chăm sóc", độc giả Đỗ Minh Hùng chia sẻ với Dân trí.

Ông Hùng kể lại, thời điểm quyết định xây dựng lại ngôi nhà cấp bốn này, bà nội đã dấm dúi đưa cho ông 7 triệu đồng.

"Bà nói chỉ có ngần đấy thôi có đủ không? Tôi nói thế thì thừa rồi. Nếu thừa cháu mua cho cụ cái tivi, cái giường mới nhé. Như vậy cụ mới đồng ý", ông Hùng bồi hồi kể về bà nội.

Đến nay đã 10 năm bà nội ông Hùng rời xa con cháu. Câu chuyện về cụ Khanh bỗng chốc khơi dậy kỷ niệm về bà với người cháu nội giờ tóc cũng đã pha sương. Ông Hùng thốt lên: "Thương lắm, hình ảnh cụ ông, cụ bà thời gian khó chắt chiu, không sống phụ thuộc ai và luôn lo lắng cho người thân trong gia đình".

Hết hơi tìm kiếm tiền tiết kiệm cho bà

"Cách cụ Khanh tiết kiệm, cất giữ tiền không khác gì bà nội mình ngày xưa", anh Lê Tùng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng bật lên.

Anh Tùng nhớ lại, lúc gian khó, sống chung với ông bà thật nhiều kỷ niệm. Đến giờ, những kỷ niệm đó trở thành miền ký ức đẹp đẽ, gắn với tuổi thơ của anh.

Lúc gia đình còn khó khăn, người tiết kiệm nhất trong nhà chắc chắn là bà. Những khoản trợ cấp, tiền con cái biếu đều được bà nâng niu, cất giữ rất cẩn trọng. Lúc đó anh Tùng mới 9 - 10 tuổi, bà âm thầm để số tiền tiết kiệm được trong một cái hộp bằng giấy cứng.

Lúc bấy giờ, thùng tôn đựng thóc là vật không thể thiếu trong các gia đình ở nông thôn. Và gia đình anh Tùng cũng không ngoại lệ. Bà đã nhanh trí bỏ hộp tiền tiết kiệm, giấu trong thùng đựng thóc này.

Chuyện bọc tiền tích cóp của cụ bà 90: Ký ức về ông bà thời gian khó ùa về! - 3

Những tờ tiền giấy được các cụ cóp nhặt từ ngày xưa, đến nay đã không còn lưu hành trên thị trường.

Mỗi lần đi xay xát lúa, gia đình anh lại mở chiếc cửa nhỏ gần đáy thùng cho thóc chảy ra. Không ngờ, thóc từ trên trôi xuống và cuốn theo hộp tiền xuống đáy thùng.

Một lần, muốn bỏ thêm tiền tiết kiệm, bà nội anh đã tá hỏa khi mở thùng thóc mà không thấy hộp giấy đâu. Anh Tùng nhớ lại, cuộc họp gia đình đột xuất được triệu tập gấp gáp vào buổi chiều hè nóng nực. Đầu những năm 2000, đồng tiền vô cùng có giá trị, nên bà nội bần thần vì xót ruột khi nghĩ đến khả năng không tìm thấy hộp "kho báu".

Và chính lúc này cả nhà mới vỡ lẽ ra khu vực bà hay cất tiền tiết kiệm. Không ai trong gia đình biết bà đã cất giữ được bao nhiêu. Người nhỏ con, anh Tùng được giao nhiệm vụ chui vào thùng tôn, dùng gầu xúc hết thóc ra ngoài. Thùng tôn bí, ngột vì trời nóng nực, anh mướt mát mồ hôi, áo quần ướt sũng. 

Khi phát hiện ra chiếc hộp giấy dưới đáy thùng anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Kỷ niệm về bà nội thời kỳ còn khó khăn, đến giờ anh vẫn không thể nào quên được.

Anh Tùng xúc động nói: "Tuổi thơ của mình có rất nhiều kí ức khó phai về bà nội. Lúc bé chưa biết suy nghĩ thấu đáo, mình từng tự hỏi vì sao bà phải tiết kiệm đến thế. Trong nhà tôi lúc bấy giờ không thể nào thiếu vại cà bát muối mặn chát của bà. Ăn dè không thể hết được, đến lúc vại cà bát chua loét, bà lại  mang ra xào tỏi. Anh em chúng tôi hay trêu đùa nhau, gọi đó là món "thịt bò". Hay món cơm rang tóp mỡ trứ danh vào buổi sáng trước khi chúng tôi đến lớp cũng là dư vị đặc biệt về tuổi thơ".

Ngay cả khi được các con tặng quần áo mới, bà cũng cất gọn gàng trong tủ, rất ít khi mặc. Trong khi có vài bộ đồ đã sờn, bạc màu, bà mặc đi mặc lại hằng ngày.

Bà đã rời xa gia đình được 12 năm nhưng anh Tùng vẫn nhớ mãi lúc sức khỏe suy kiệt, bà còn đưa vàng tích cóp ra để cho các cháu có tiền ăn học đủ đầy.

Câu chuyện, hình ảnh thân thương về cụ bà ở Hà Nội cùng gợi lại trong kí ức mỗi người, mỗi gia đình người ông, người bà chịu thương, chịu khó ở quê, dành cả đời tích cóp, lo cho con, cho cháu sau này mà quên đi cả bản thân mình.