1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi: Trẻ nhỏ cần nhất là gia đình!

(Dân trí) - Cử nhân không còn giấu bằng để đi làm công nhân; lao động hồi hương vật vã tìm việc; đề xuất lập trường nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi do Covid-19 của Chủ tịch FPT… là những vấn đề thu hút tuần qua.

Những nội dung này được đăng tải trên mục An sinh và Việc làm, báo Dân trí tuần qua, 13-19/9/2021.

Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi: Trẻ nhỏ cần nhất là gia đình! - 1

Đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh: Nguyễn Quang).

Cục trẻ em lên tiếng việc Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi

Liên quan tới việc ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, mở trường tại Đà Nẵng để nhận nuôi 1.000 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, đại diện Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã bày tỏ quan điểm.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục (Bộ LĐ-TB&XH) ghi nhận, đánh giá cao tấm lòng của doanh nhân Trương Gia Bình nói riêng và các mạnh thường quân nói chung đã có tấm lòng yêu thương, trợ giúp trẻ em, nhất là các em đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt.

Thực chất đây cũng là sự chia sẻ khó khăn với Nhà nước về an sinh xã hội bởi trẻ em mồ côi cũng là một nhóm đối tượng cần sự trợ giúp cả trước mắt cũng như lâu dài. 

Tuy nhiên, tiếp cận từ góc độ quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền đặc thù của trẻ em, khác với người trưởng thành là cần được sống trong môi trường gia đình, với những người thân thích, ruột thịt của mình… Trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình thì cần cho các em một gia đình khác thay thế, để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại.

Giải pháp đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm cho các em một môi trường gia đình.

"Cử nhân giờ đây không cần giấu bằng để xin việc làm công nhân…"

Đánh giá về tình hình cử nhân tìm việc, anh Trịnh Đình Sơn, nhân viên một công ty chuyên cung ứng lao động cho nhiều doanh nghiệp ở KCN ở Bắc Ninh và KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay, các công ty đang thiếu người lao động. Khác với trước kia, giờ đây, cử nhân ra trường không cần giấu bằng cấp công ty vẫn nhận vào làm công nhân".

Theo đó, trước kia sinh viên ra trường chủ yếu xin vào làm thời vụ. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay do tác động của dịch Covid-19, sinh viên mới ra trường xin vào làm chính thức ở các công ty rất nhiều. Vào làm chính thức được đóng bảo hiểm xã hội, lương thưởng hấp dẫn đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều sinh viên.

Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi: Trẻ nhỏ cần nhất là gia đình! - 2

Người lao động ở Quận 7, Củ Chi có thẻ xanh, thẻ vàng được đi làm trở lại (Ảnh: Hải Long).

TPHCM: Lao động ở quận, huyện có "thẻ xanh, thẻ vàng" được đi làm trở lại

Công nhân ở Quận 7 và huyện Củ Chi (TPHCM) có thẻ xanh Covid-19 có thể đi làm tại các doanh nghiệp "4 xanh". Công nhân mang thẻ vàng Covid-19 đi làm ở những doanh nghiệp "3 tại chỗ".

Cụ thể, các doanh nghiệp có thể sản xuất trở lại nếu đáp ứng đủ tiêu chí "4 xanh" hoặc tiêu chí "3 tại chỗ", tỷ lệ người lao động làm việc không quá 50% lao động. Tiêu chí "4 xanh" bao gồm: Người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh… 

Sau chuyến hồi hương "bão táp" là nỗi lo cơm áo của cả ngàn lao động

Nơi "miền đất hứa" TPHCM, Phạm Văn Sáu (Thanh Hóa) làm thợ xây còn người vợ đảm nhiệm công việc phụ hồ. Tuy công việc vất vả nhưng mỗi ngày vợ chồng anh thu nhập 800.000 đồng, sau khi trừ tiền ăn.

Vào chưa được bao lâu thì dịch bùng phát. Những tưởng rồi dịch sẽ sớm qua, anh Phạm Văn Sáu cùng vợ cố bám trụ chờ đợi ngày đi làm trở lại. Nhưng chỉ một tháng sau, anh đã phải khăn gói về quê tránh dịch...

Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi: Trẻ nhỏ cần nhất là gia đình! - 3

Nỗi lòng của trẻ mồ côi do Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Quang).

 Trung thu buồn của những trẻ mồ côi vì Covid-19

"Mẹ em mất rồi, ba thì già yếu lại mang bệnh nên em rất lo việc học của chúng em sẽ bị gián đoạn... Đây là Trung thu buồn nhất của em, không còn mẹ bên cạnh", em Võ Quyên Tuyền Định nức nở. 

Đây là ghi nhận của PV vào sáng 17/9, trong chuyến thăm và tặng quà của 40 phần quà đến các em nhỏ có gia đình khó khăn, có cha, mẹ mất vì Covid-19  ở hẻm 52, đường 100, khu phố 1, phường Tân Phú (TP Thủ Đức). Chương trình do Thành Đoàn TPHCM tổ chức…

Khóc nghẹn sau 2 năm khởi nghiệp chỉ… đuổi ruồi

Từng có doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng từ mô hình khởi nghiệp, Quỳnh Anh nay phải đi vay từng đồng để trả nợ . 6 nhân viên cô cũng cho nghỉ, mặt bằng đã trả lại vì 8 tháng không bán được vé nào do Covid-19.

Suốt 4 tháng nay, Quỳnh Anh đã trả lại mặt bằng phòng vé vì không đủ tiền thanh toán. Mảnh đất cô mua cũng đã bán nhưng cũng không đủ trả nợ. Hàng tháng, cô phải vay mượn khắp nơi để lo sinh hoạt và trả nợ…

Chủ tịch FPT nhận nuôi 1.000 trẻ mồ côi: Trẻ nhỏ cần nhất là gia đình! - 4

Gia đình công nhân Trần Dụng Viễn.

Hà Nội: Con của thợ sửa xe buýt gặp khó khăn đã có sữa thay vì... nước cơm

"Nhờ tiền ủng hộ, đứa con 4 tháng tuổi của tôi đã hết cảnh uống nước cơm thay sữa", anh Trần Dụng Viễn, công nhân sửa xe bus nhanh BRT tại Hà Nội, xúc động chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Trước đó, theo thông tin báo chí phản ánh, công nhân Trần Dụng Viễn (quê Thừa Thiên - Huế), công nhân sửa chữa thuộc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội), đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Làm việc ở nhà, nhân viên "căng như dây đàn" khi bị giám sát qua camera

Anh Nguyễn Minh Thành (TPHCM) và nhiều người khác thấy bất tiện vì sự giám sát camera của công ty, dù là giờ hành chính. Điều này đã ảnh hưởng đến không gian của gia đình, đến yếu tố riêng tư vì không phải ai cũng có góc làm việc tách biệt. 

Chưa kể, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tất cả thành viên trong gia đình đều ở nhà, nên ngoài công việc công ty, người lao động phải xử lý nhiều vấn đề riêng khác. Việc bị "soi" suốt giờ làm việc khiến họ cảm thấy bất tiện…