Làm việc ở nhà, nhân viên "căng như dây đàn" khi bị giám sát qua camera

Hoài Nam

(Dân trí) - Công ty giám sát qua Google Meet, vào làm việc phải bật camera đến hết giờ hành chính, anh Nguyễn Minh Thành (TPHCM) cảm thấy căng thẳng.

Quá thời gian, bộ phận giám sát sẽ... "réo"

Anh Nguyễn Minh Thành làm việc ở một sàn thương mại điện tử tại TPHCM được vài năm qua. Từ đợt dịch này, dù làm việc tại nhà nhưng lúc nào anh cũng thấy vội vàng và ngột ngạt hơn cả khi đến công ty.

Công ty nơi anh làm việc giám sát công việc của nhân viên qua ứng dụng Google Meet. Sáng 8h vào ứng dụng và bật camera, trưa thoát được một lúc rồi trở lại đến 17h như giờ hành chính.

Anh và nhiều người khác thấy bất tiện vì sự giám sát này ảnh hưởng đến không gian của gia đình, đến yếu tố riêng tư vì không phải ai cũng có góc làm việc tách biệt. 

Làm việc ở nhà, nhân viên căng như dây đàn khi bị giám sát qua camera  - 1

Nhiều nhân viên phải bật camera theo giờ hành chính suốt thời gian làm việc tại nhà (Ảnh minh họa).

Chưa kể, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tất cả thành viên trong gia đình đều ở nhà, nên ngoài công việc công ty, người lao động phải xử lý nhiều vấn đề riêng khác... Việc bị "soi" suốt giờ làm việc khiến họ cảm thấy bất tiện. 

Làm việc tại nhà, nhiều công ty chỉ giao việc, quản lý thời gian hoàn thành. Vậy nhưng, không ít nơi với sự hỗ trợ từ công nghệ sẽ giám sát chặt chẽ thời gian làm việc tại nhà của nhân viên, có khi "ngột" hơn cả làm trực tiếp. 

"Ở văn phòng tôi có thể vừa làm việc vừa ăn trái cây, hay tranh thủ việc này việc kia. Nhưng giờ đến các sinh hoạt cá nhân cũng khó, ngay khi con cái cần nhờ bố cũng chịu luôn", anh Thành nói.

Làm việc cho một doanh nghiệp công nghệ tại TPHCM, theo chị T.D.M. được hỗ trợ sử dụng phần mềm cập nhật từng nhiệm vụ, từng status, thời gian mỗi nhiệm vụ.

Quá thời gian, bộ phận giám sát sẽ "réo". Nhân viên chưa kịp phản hồi, có khi chỉ tính bằng phút sẽ nghe hỏi: "Bạn đang ở đâu? Đang làm gì?". Nhiều khi nhân viên phải share screen (chia sẻ màn hình) để giám sát tốc độ.  

Anh Lê Minh Kỳ, làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ, công ty sử dụng rất nhiều phương thức để giám sát thời gian làm việc của nhân viên. 

Chỉ riêng 2 chức năng nhận diện màn hình, có thể thống kê khoảng thời gian nhân viên làm việc riêng như xem phim, youtube... và thống kê thời gian Away From Keyboard (rời khỏi bàn phím) trong giờ làm việc, đã không cựa quậy gì nổi.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Huấn - nhân viên một công ty ở quận 1 (TPHCM) - chia sẻ: "Vào làm phải inbox thông báo cho quản lý mới tính thời gian làm việc, lúc nghỉ cũng nhắn. Đang làm, có thể có những cuộc gọi nhóm đột xuất yêu cầu bật camera xem đang làm gì, ở đâu".

Cần linh hoạt trong giám sát

Theo anh Nguyễn Minh Thành, việc bị giám sát khiến áp lực với người lao động tăng gấp đôi. Nhưng anh cũng thừa nhận một số bạn bè đồng tình với cách giám sát này. Bởi qua đó giúp họ quản lý được thời gian, đảm bảo kỷ luật và hiệu quả công việc. 

Trong hội thảo trực tuyến về quản trị nhân sự trong bối cảnh làm việc từ xa mới đây, bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc một công ty về phần mềm kế toán - cho biết đã áp dụng các phương thức để giảm sát nhân viên làm việc từ xa. 

Bà Đinh Thị Thúy đánh giá việc này áp dụng linh hoạt, dựa trên nguyên tắc đặt hiệu quả công việc lên trên hết. Với những nhân viên làm việc chưa hiệu quả, phải chấp nhận việc quản lý chặt chẽ về thời gian làm việc để đảm bảo hiệu suất. 

Quản trị nhân sự khi làm việc từ xa là yêu cầu mới và cũng là thách thức với các doanh nghiệp hiện nay. 

Nhân viên muốn tự do, quản lý cần vận hành

Theo một quản lý nhân sự trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tại TPHCM: Nhân viên quan tâm nhất việc miễn sao mình hoàn thành công việc, còn quản lý quan tâm đến bộ máy, vận hành của tổ chức.

Nhiều nhân viên có mong muốn "Hãy để tôi tự do, hiệu quả sẽ tăng gấp nhiều lần". Nhưng với tổ chức, có khi cách làm việc "một lối một phách" tưởng như rất hiệu quả với cá nhân nhưng lại ảnh hưởng đến công việc, kết quả chung.