"Cử nhân giờ đây không cần giấu bằng để xin việc làm công nhân…"

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - "Ra trường đúng mùa Covid-19, không tìm được việc làm, tôi tạm chọn công việc này. Công nhân làm việc cũng áp lực lắm", chị Nguyễn Thị Hoa cử nhân Kế toán (Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ.

Tìm nguồn thu tạm thời

Sau 4 năm học đại học ngành kế toán (Đại học Công nghiệp Hà Nội), tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị Hoa (23 tuổi, quê Thanh Ba - Phú Thọ) tạm thời cất tấm bằng cử nhân đi làm công nhân cho một công ty may ở KCN Nguyên Khê, Đông Anh (Hà Nội).

Đi làm trong mùa dịch Covid-19, chị được công ty hỗ trợ ăn ở miễn phí. Do công ty thiếu nhân sự, chị đã đăng ký làm tăng ca. Mỗi tháng thu nhập của chị từ 7-9 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: "Chưa tìm được việc phù hợp, tôi phải đi làm công nhân. Tình hình dịch bệnh kéo dài thế này, tôi chỉ cần có công việc là ổn rồi".

Cử nhân giờ đây không cần giấu bằng để xin việc làm công nhân… - 1

Chị Nguyễn Thị Hoa làm công nhân cho một công ty may ở KCN Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Cùng hoàn cảnh trên, chị Mạc Thị Thanh cử nhân ngành du lịch (Trường Cao đẳng thương mại và du lịch Hà Nội) cũng đang làm công nhân ở KCN Quang Minh Hà Nội.

Trước đó, chị Mạc Thị Thanh còn nhận làm nhân viên cho một công ty du lịch ở Hà Nội, dịch bùng phát công ty cho nghỉ việc. Không xin được việc chị xuống khu công nghiệp xin làm thời vụ cho công ty điện tử.

Ngày làm 8h/ngày cộng với tăng ca từ 2-3h/ngày, chị có mức thu nhập bình quân khoảng 10-12 triệu đồng/tháng.

Chị Mạc Thị Thanh chia sẻ: "Đồng nghiệp cùng phân xưởng của tôi có nhiều người từng là sinh viên của các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng tựu chung các bạn đều khó khăn trong quá trình xin việc phù hợp với chuyên môn được học".

Cử nhân giờ đây không cần giấu bằng để xin việc làm công nhân… - 2

Chị Mạc Thị Thanh đang trong giờ giải lao ở công ty (Ảnh: NVCC).

Còn với chị Đỗ Thị Quyên (23 tuổi, cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Thương mại Hà Nội) xác định công việc làm công nhân hơn một năm qua ở doanh nghiệp sản xuất điện tử trong KCN Bắc Thăng Long Hà Nội cũng chỉ làm tạm thời.

"Hơn một năm ra trường, tôi đã phải làm rất nhiều công việc. Tôi tạm thời đi làm công nhân để trang trải cuộc sống nhưng về lâu dài thì không ổn", chị Đỗ Thị Quyên nói.

Không còn khắt khe với cử nhân

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị không tuyển đủ số lao động theo nhu cầu.

Chị Phạm Thanh Hòa, cán bộ phụ trách tuyển dụng lao động của Công Ty TNHH Arcadyan Technology Việt Nam KCN Bá Thiện (Vĩnh Phúc), cho biết: "Về ưu điểm, công nhân có trình độ đại học, cao đẳng dễ đào tạo hơn. Nhất là tình hình thiếu nhân sự như hiện nay, công ty đang cần đẩy nhanh tiến độ đào tạo".

Cử nhân giờ đây không cần giấu bằng để xin việc làm công nhân… - 3

Chị Đỗ Thị Quyên chuẩn bị đi làm (Ảnh: NVCC).

Cũng theo chị Phạm Thanh Hòa, dù ảnh hưởng của đại dịch, công ty luôn đảm bảo hoạt động sản xuất và mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất. Do đó, nhu cầu tuyển dụng còn rất lớn.

Đánh giá về tình hình cử nhân tìm việc, anh Trịnh Đình Sơn, nhân viên một đơn vị chuyên cung ứng lao động cho nhiều doanh nghiệp ở KCN ở Bắc Ninh và KCN Bắc Thăng Long chia sẻ: "Hiện nay, các công ty đang thiếu người lao động. Khác với trước kia, giờ đây, cử nhân ra trường không cần giấu bằng cấp công ty vẫn nhận vào làm công nhân".

Theo anh Trịnh Đình Sơn, trước kia sinh viên ra trường chủ yếu xin vào làm thời vụ. Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay do tác động của dịch Covid-19, sinh viên mới ra trường xin vào làm chính thức ở các công ty rất nhiều. Vào làm chính thức được đóng bảo hiểm xã hội, lương thưởng hấp dẫn đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều sinh viên.

Còn theo anh Trần Văn Thu (cán bộ phụ trách tuyển dụng của một đơn vị cung ứng tuyển dụng lao động cho các công ty ở KCN Quang Minh, Hà Nội), trước đây, nhiều công ty không thích tuyển cử nhân vào làm việc do e ngại tính chất tạm thời. Hơn nữa, cử nhân có trình độ nhận thức tốt hơn sẽ đòi hỏi quyền lợi và "khó bảo" hơn so với lao động phổ thông.

Anh Trần Văn Thu chia sẻ: "Nhưng nay do dịch bệnh, các công ty thiếu nhân sự nên việc chọn "đầu vào" cũng không đòi hỏi khắt khe. Cử nhân ra trường có chứng minh thư và có giấy tạm trú xác nhận đã ở 14 ngày quanh khu công nghiệp là có thể vào làm".

Ngoài ra để thu hút lao động trẻ một số công ty còn tăng lương, trợ cấp và một số chế độ đãi ngộ khác như hỗ trợ ăn ở miễn phí, đưa đón công nhân đi làm mỗi ngày, xét nghiệm Covid-19 3 ngày/lần cho tất cả nhân viên trong công ty.