Chống bạo lực gia đình: Xóa bỏ văn hóa im lặng, quan niệm tốt khoe, xấu che
(Dân trí) - Im lặng vì sợ nói ra sẽ làm xấu mặt gia đình hay lo lắng ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con, nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình đã và đang âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác, lẫn tinh thần.
Tổn thương sâu sắc về tinh thần
Theo PGS. TS. Trần Thành Nam (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam), bạo lực gia đình hiện là vấn nạn, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19.
Sau đại dịch, thành viên trong gia đình chịu nhiều áp lực trong công việc, tài chính, an sinh dẫn đến sự tương tác trong gia đình ít hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn trong gia đình. Người sống trong gia đình có bạo lực, bầu không khí sẽ rất lo lắng, bất an.
Ngoài những tổn thương về thể chất do bạo lực thể xác, còn những hành vi không đo đếm được là hệ quả của bạo lực tinh thần gồm căng thẳng, lo âu, trầm cảm,… Trong đó, có những người muốn thoát khỏi bạo lực gia đình bằng cách tự hủy hoại bản thân, thậm chí là cái chết.
"Những đứa trẻ chứng kiến bạo lực gia đình sẽ chịu nhiều hệ lụy dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các em có thể bị sang chấn, tham gia vào các hành vi nguy cơ để giải tỏa những đau khổ trong gia đình khi chứng kiến bố mẹ tranh cãi", ông Nam nói.
Từ đó, vị chuyên gia nhận định, bạo lực gia đình là vi phạm đến quyền con người một cách nghiêm trọng, trong đó có quyền của cả trẻ em.
"Những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, như đứa trẻ chứng kiến cái chết của một thành viên trong gia đình do bạo lực sẽ khiến chúng trải qua sang chấn quá lớn. Sau này, khi đã qua tuổi dậy thì, lập gia đình rồi thì những hình ảnh ấy vẫn còn 'tải' lại trong đầu. Với những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, đến khi lập gia đình vẫn còn ám ảnh, không thể yêu người khác giới được", ông Nam chia sẻ.
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ sống trong cảnh bạo lực gia đình có thể trở thành người giống như vậy, vì đã tập nhiễm mô hình bạo lực từ các thành viên.
Đặc biệt, những đứa trẻ là nạn nhân hoặc chứng kiến bạo lực gia đình, về sau rất dễ đổ vỡ trong hôn nhân. "An toàn trong gia đình không chỉ là yếu tố bảo vệ tinh thần mà còn bảo vệ tương lai của đứa trẻ và chính gia đình của chúng sau này", vị chuyên gia khẳng định.
Trong tọa đàm trực tuyến "Bạo lực gia đình & rối loạn tâm lý của trẻ" năm 2022, TS tâm lý Lê Nguyên Phương cho hay, nghiên cứu của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa hiện tượng sang chấn tuổi thơ và các bệnh mãn tính ở con người phát triển về thể chất lẫn tâm lý.
Điểm nghịch cảnh càng tăng thì nguy cơ mắc các vấn đề xã hội, cảm xúc cũng tăng theo. Điểm nghịch cảnh từ 4 trở lên, mọi thứ trở nên nghiêm trọng. Lúc đó, khả năng mắc bệnh phổi mãn tính với nạn nhân có nguy cơ tăng 390%, viêm gan tăng 240%, trầm cảm 460%, còn tỷ lệ trẻ thử tự tử lên đến 1220%.
Đứa trẻ bị bạo hành lớn lên dễ có những hành động tự hại như cắt tay chân, nghiện ngập, dùng ma túy, rượu để chạy trốn nỗi đớn đau quá khứ... Một bé gái bị bạo hành lúc nhỏ lớn lên có nguy cơ bị người chồng bị bạo hành trong tương lai, hay bé trai bị bạo hành tiếp tục có thể bạo hành vợ con...
Nạn nhân cần mạnh dạn lên tiếng
Th.S Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui - chuyên gia tâm lý tại TPHCM- cho rằng, có không ít trường hợp nạn nhân chọn cách im lặng, không chia sẻ bạo lực gia đình với người khác. Nguyên nhân đến từ văn hóa "tốt khoe - xấu che". Nạn nhân phổ biến như người làm vợ, con cái có thể nghĩ rằng bản thân không nên hay không được chia sẻ.
"Mặc dù nạn nhân ý thức được hành vi, đối tượng gây ra bạo lực gia đình, nhưng họ sợ nói ra sẽ gặp những sự cố, lời đàm tiếu từ mọi người. Họ không nỡ làm điều đó", vị này cho hay.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy có gần 1/3 phụ nữ ở 80 quốc gia được khảo sát đã trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi người bạn đời.
Trong báo cáo của LHQ, tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì có 1 người từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Tại sự kiện ra mắt "Messenger Bot Yêu thương và Tự do" hỗ trợ người bị bạo lực giới năm 2021, TS. Nguyễn Thị Mùi, nguyên giảng viên khoa Tâm lý sư phạm, ĐH Sư phạm chia sẻ, các ca tư vấn đa số là phụ nữ và mong muốn là làm sao để chồng thôi ly hôn bởi sợ ảnh hưởng đến con.
Nguyên nhân chủ yếu của các ca này là chồng ngoại tình, thậm chí ăn ở với người khác, có con rồi về đòi ly hôn. Và chuyện bạo hành tinh thần, thể xác cũng xoay quanh việc người vợ không đồng ý ly hôn.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) chia sẻ, nghiên cứu thực hiện năm 2021 của mạng lưới phối hợp Trường ĐH Y tế Công cộng với hơn 300 phụ nữ tại Hà Nội chỉ ra rằng, 99% chị em cho biết gia đình có rất nhiều mâu thuẫn, lục đục trong đại dịch. Tuy nhiên, hơn một nửa chị em bị bạo lực không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu.
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), từ tháng 1-6, họ tiếp nhận 2.570 ca bạo lực với gần 3.500 cuộc gọi hỗ trợ.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết, điều kinh khủng là có hơn 500 cuộc gọi, tin nhắn trong đêm cần sự hỗ trợ. Nhiều phụ nữ phải thì thào trong nhà tắm hoặc chờ chồng uống say, ngủ mới dám gọi điện, nhắn tin cầu cứu vì sợ bị phát hiện.
Nhờ sớm nhận ra vấn đề phụ nữ khó lên tiếng khi bị bạo lực gia đình, một số địa phương cũng đã ứng dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các nạn nhân.
Trong đó, tỉnh Bình Định phối hợp với các sở, ban ngành nhằm tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; quyền, nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Toàn tỉnh có 223 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững" với hơn 1.800 thành viên tham gia sinh hoạt với các nội dung thiết thực: cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, các tổ chức ngày càng kết nối, giúp những nạn nhân bị bạo lực gia đình trở nên cởi mở hơn.
Đến năm 2022, 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bố trí cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn huyện có 77 tổ hòa giải cơ sở với hơn 670 hòa giải viên, đã hòa giải thành công 96/113 vụ việc (đạt 84,9%) trong đó có nhiều vụ bạo lực gia đình.
Địa phương cũng phấn đấu hằng năm có 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật; 100% người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% các huyện, thành phố có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.