Bình Định:
Chỉ tiêu giảm nghèo không đạt, Bí thư, Chủ tịch tỉnh "thúc" giải pháp
(Dân trí) - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định đã rà soát, bóc tách nhóm người không có khả năng tự thoát nghèo để đề xuất UBND tỉnh trình HĐND có chính sách đặc thù với nhóm này.
Giảm nghèo là một trong những vấn đề cấp bách được ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức ngày 15/3.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 của tỉnh này giảm 1,37%, không đạt kế hoạch đề ra. Con số này cũng giảm hơn 1% so với báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định cuối năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu do một số hộ nghèo không có điều kiện và khả năng để tự thoát nghèo.
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, qua rà soát trên địa bàn tỉnh có 910 hộ không có đất sản xuất; 1.562 hộ không có vốn; không có sức lao động là 4.975 hộ; không có công cụ, phương tiện sản xuất là 3.482 hộ; không có khả năng lao động sản xuất là 2.877 hộ; có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn là 5.536 hộ và nguyên nhân khác là 6.829 hộ.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo còn cao đã được Chủ tịch UBND tỉnh nêu cụ thể. Kế hoạch giảm nghèo cũng giao đến từng sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát lại và sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác giảm nghèo trong tháng 4 tới đây.
Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng chỉ tiêu giảm 2% số hộ nghèo trong kế hoạch năm 2024 rất khó với nhiều địa phương. 2% tương đương với trên 8.000 hộ phải thoát nghèo trong năm nay.
"Trên cơ sở chỉ tiêu giảm nghèo 2% này, chúng tôi đã phối hợp các địa phương vào cuộc rất quyết liệt. Sở cũng đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu cụ thể theo hướng giảm tỷ lệ hộ nghèo sang cận nghèo", bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cho biết thêm, trên cơ sở điều chỉnh của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương để thực hiện. Riêng người không có sức lao động, ốm đau bệnh tật, không có khả năng thoát nghèo, Sở đã đề xuất UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để áp dụng một số chính sách đặc thù.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, để giảm nghèo căn cơ, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, phân loại kỹ các nhóm đối tượng đến từng hộ gia đình.
"Trong tháng 4 này, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị về công tác giảm nghèo. Tôi kỳ vọng hội nghị này, chúng ta sẽ giải quyết được căn cơ bài toán giảm nghèo bền vững", ông Tuấn cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, việc giảm nghèo không phải trách nhiệm riêng của Sở LĐ-TB&XH, mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Các sở, ngành, địa phương cần xem lại cách tính, cách vận hành bộ máy trong việc giảm nghèo.
Bí thư Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh thực hiện việc gắn trách nhiệm đến các Bí thư Huyện ủy và đưa ra chỉ tiêu cho từng địa phương, không chỉ đẩy hết trách nhiệm cho chính quyền. Nếu không làm được thì Bí thư, Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm.
"Cần có kế hoạch cụ thể, với người thiếu đất sản xuất thì giải quyết thế nào, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì xử lý làm sao... Phải đồng hành giúp dân thoát nghèo… Năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Định phải thấp hơn mức bình quân cả nước", ông Hồ Quốc Dũng quán triệt.