Chê biệt thự, người dân dựng nhà sàn để ở
(Dân trí) - Được giao những căn nhà có giá hơn nửa tỷ đồng nhưng người dân vẫn bỏ thêm hàng trăm triệu đồng dựng nhà sàn để ở. Tình cảnh này diễn ra tại 3 khu tái định cư thủy điện Đăkdrinh, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2014, dự án thủy điện Đăkdrinh được triển khai trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Có 161 hộ dân đồng bào Ca dong bị ảnh hưởng bởi dự án phải di dời chỗ ở, trong đó có 96 hộ được tái định cư tập trung. Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng 3 khu tái định cư lên đến 223 tỷ đồng. Trong số này có 78 tỷ đồng được dùng xây dựng nhà ở cho người dân.
Nhà được xây dựng sẵn giao cho người dân có diện tích từ 65-85m2, với kinh phí xây dựng 300-500 triệu đồng.
Thời điểm đó, những ngôi nhà tái định cư ở huyện miền núi Sơn Tây chẳng thua kém biệt thự ở miền xuôi. Tưởng có nhà to sẽ giúp người dân an cư, thế nhưng người dân lại chê biệt thự.
Nhà xây sẵn không phù hợp với phong tục của người đồng bào vùng cao. Do đó, những ngôi nhà được xây dựng khang trang luôn trong tình trạng đóng cửa. Nhiều hộ dân đến nơi khác dựng nhà sàn, căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng bị bỏ hoang, xuống cấp. Các khu tái định cư rơi vào tình cảnh vắng lặng.
Gia đình bà Đinh Thị Mấy tại khu tái định cư Nước Vương (xã Sơn Liên) dựng một căn nhà sàn nhỏ phía trước căn nhà xây kiên cố. Bà Mấy cho biết, cảm thấy không thỏa mái khi ở nhà xây. "Ở đây ai cũng dựng nhà sàn. Nhà xây chỉ để mấy đứa nhỏ tối vào ngủ. Sinh hoạt chính hàng ngày đều ở nhà sàn", bà Mấy nói.
Theo phong tục đồng bào vùng cao, căn nhà phải có bếp lửa giữa nhà. Đây sẽ là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng cũng như tiếp khách quý. Ở nhà xây không thể đặt bếp lửa nên người dân bắt buộc phải dựng nhà sàn.
Năm 2014, ông Đinh Văn Xăm nhận ngôi nhà ở khu tái định cư Nước Lang (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) trị giá trên 500 triệu đồng.
Có nhà khang trang nhưng chỉ vài tháng sau, ông Xăm vẫn dựng thêm nhà sàn bên cạnh nhà chính. Sau 8 năm, dù căn nhà được cấp vẫn còn vững chãi, ông Xăm vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng làm lại ngôi nhà sàn.
Theo ông Xăm, nhà xây khang trang nhưng không phù hợp với người vùng cao. Do đó, ông phải chi hơn 100 triệu đồng làm nhà sàn. "Nếu tính hết công cán thì chi phí phải 200 triệu đồng. Biết là tốn kém nhưng phải dựng nhà sàn. Ở đây là phải xây nhà sàn để đặt bếp lửa, tiếp khách. Phòng khách nhà xây nhỏ lắm, trong khi mỗi lần có lễ cúng là cả làng đến chơi", ông Xăm chia sẻ.
Những căn nhà ở các khu tái định cư không phù hợp với phong tục người dân vùng cao Sơn Tây, một số căn nhà xa đất sản xuất. Vì vậy nhiều hộ dân bỏ hoang nhà cửa đến nơi khác dựng nhà sàn sinh sống.
Theo ông Đinh Trường Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, những căn nhà khang trang được xây dựng, bàn giao với mục đích giúp người dân an cư. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc xây nhà rồi giao cho người dân chưa phù hợp với phong tục của đồng bào Ca Dong nên không đạt được mục đích ban đầu. Do đó nhiều hộ dân phải bỏ thêm tiền dựng nhà sàn để ở, gây lãng phí.