Biển "ăn" mất nhà, người dân ngậm ngùi ra đi tay trắng
(Dân trí) - Cứ mùa gió chướng hàng năm biển lại "ăn" vào đất liền hàng trăm mét. Người dân chỉ biết bất lực đứng nhìn những con sóng đánh tan nhà cửa, ruộng vườn.
Những năm qua, đoạn bờ biển khu vực cồn Nhàn thuộc xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, Bến Tre) dần trở nên hoang tàn vì nước biển dâng. Nước biển dâng gây xói lở bờ biển nghiêm trọng, cuốn đi rừng cây phòng hộ, nhà cửa, ruộng vườn của nhiều bà con nơi đây.
Trên bờ biển chỉ còn lại dãy cọc cừ dài trống ngoác, bờ đê đã bị nước cuốn trôi. Phía sau dãy cọc cừ, vài ba ngôi nhà bị sóng đánh tơi bời, chờ sập. Những rừng dương, rừng mắm từng sum suê nay chỉ còn trơ lại những gốc cây khô khốc, lớp cây sau nối tiếp lớp cây trước chết dần chết mòn.
Chính quyền địa phương cho biết, mỗi năm bờ biển lại bị sạt lở lấn sâu thêm 100-150m, càng ngày, tình trạng càng nghiêm trọng.
Trên cồn Nhàn có 68 hộ dân, đều bị thiệt hại ít nhiều. Có 31 hộ bị mất đất sản xuất do nước biển xâm thực, nhiều nhà cửa bị sóng cuốn trôi.
Ông Trần Văn Hiếu (ngụ ở cồn Nhàn) cho biết, bờ biển trước đây nằm ở ngoài khơi, cách bờ biển hiện tại khoảng 1km. Trước đây bọc bên ngoài cồn Nhàn có một cồn đất lớn, một rừng mắm và một rừng dương. Tuy nhiên, tất cả những hình ảnh đó giờ chỉ còn trong ký ức.
"Ngày xưa đứng đây không thấy được bờ biển đâu, nhưng có lẽ hết mùa gió chướng năm nay thì chỗ này cũng thành biển rồi. Trước đây nhà tôi có 2ha đất trồng dưa, dù đã bỏ tiền đóng cừ, bơm cát đắp đê mà vẫn không giữ được. Năm ngoái, vườn vẫn bị sóng đánh bay 1ha.
Năm nay tôi lại bỏ hơn 100 triệu đồng làm bờ kè mới để giữ diện tích đất còn lại mà không biết có giữ nổi không. Đất cứ lở hoài, thiệt hại nhiều, làm không lại, dân cồn Nhàn chúng tôi không khá lên được", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết thêm, dù người dân đã nối đời ở trên cồn nhưng đó vẫn là đất không có giấy tờ, sạt lở, thiệt hại đành phải chịu. Nhiều hàng xóm của ông Hiếu mất nhà, mất đất vì biển, đành phải tay trắng bỏ xứ đi tha phương.
Chị Bùi Thị Mến là hàng xóm ông Hiếu kể, trước đây gia đình chị có 1ha đất, nay đã bị sóng đánh bay gần hết. Chỗ đất còn lại chưa đến 1000m2 cũng nhiễm mặn, không thể trồng cấy được gì.
"10 năm rồi, nhà tôi phải 3 lần di dời để chạy lở. Năm nay mà lở nữa chắc phải bỏ xứ đi ở đâu thôi. Mỗi lần di dời là vay mượn, mấy năm nay đất không còn nên cả nhà toàn đi làm mướn kiếm sống qua ngày", chị Mến chia sẻ.
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết, hàng năm, số hộ dân mất nhà, mất đất do sạt lở đều được xã thống kê và báo về UBND huyện. Mặc dù người dân sinh sống, canh tác trên đất lâu năm nhưng trên sổ sách, khu vực sạt lở là đất rừng, không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ.
"Đất đó không thuộc diện được hỗ trợ, người dân chỉ được cho mượn sử dụng để sản xuất nên lỡ bị xói lở thì đành phải chịu. Số hộ mất nhà, mất đất thì nhiều lắm nhưng chưa ai được hỗ trợ gì", ông Tuấn cho biết thêm.
Theo thống kê, đoạn bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài hơn 2km. Tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng kè kiên cố dài 1km từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ. Sẽ cần thêm khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng đoạn kè cho 1km bờ biển còn lại. Trong khi chờ bờ kè được tiếp tục đầu tư, UBND xã Bảo Thuận đang vận động người dân tự gia cố đê bao để hạn chế phần nào thiệt hại.