(Dân trí) - Thương những đứa trẻ không nhà, anh Lê Văn Nam đã tụ họp chúng lại, thành lập đội lân Long Nhi Đường. Bằng tình yêu thương giữa những người không máu mủ, Nam đã giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chàng trai làm ba của hơn 200 đứa trẻ bụi đời
Thương những đứa trẻ không nhà, anh Lê Văn Nam đã tụ họp nhóm người này lại, thành lập đội lân Long Nhi Đường. Bằng tình yêu thương giữa những người không máu mủ, Nam đã giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ba Nam của những đứa trẻ không nhà
Ngày Tết vừa qua, những tiếng cắc tùng rộn rã của trống vẫn còn vang lên khiến người ta càng thêm hoài niệm. Trời chạng vạng, 13 đứa trẻ xếp thành 3 hàng xen kẽ, nâng dùi gõ trống càng lúc càng nhanh. Phía bên kia, 2 thiếu niên chừng 14 tuổi, đổ mồ hôi ra sức luyện kỹ thuật mai hoa thung.
Đứng đầu đoàn lân, anh Lê Văn Nam (29 tuổi) được bọn trẻ í ới gọi tiếng "sư phụ" hoặc thậm chí là "ba". Bất kỳ buổi tập nào, anh Nam cũng kiên nhẫn điều chỉnh cho từng thành viên, để cả đội có thể tự tin biểu diễn trước mặt người khác.
Người dân sống trên đường số 9 (quận Bình Chánh, TPHCM) vốn đã quen với tiếng nói cười, tiếng trống của đội lân Long Nhi Đường. Người ở đây rất yêu thương họ, bởi mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh đặc biệt riêng, nhưng lại cùng nhau biết cách vươn lên.
13 năm trước, trong một lần đi ngang cầu Chà Và (quận 8, TPHCM), anh Lê Văn Nam ngó thấy dưới chân cầu có vài đứa trẻ đang chơi đùa quanh bãi rác. Hai đứa nhỏ nối đuôi nhau cầm con rồng nhỏ bay lượn theo điệu trống, xung quanh là bạn bè đang hò reo, cổ vũ. Lúc này, Nam chạy đến hỏi thì mới biết bọn trẻ tập luyện ở đây hàng đêm.
"Chúng có cùng hoàn cảnh nên thường tụ tập chơi chung. Có đứa mồ côi, đứa bị ba mẹ bỏ rơi hoặc có gia đình nhưng không ai quan tâm đến chúng. Các em chơi chung không tránh khỏi nhiều lần cãi nhau, đánh lộn hoặc xấu nhất là bị người xấu dụ dỗ, sa ngã", anh Nam nói.
Sau lần đó, chàng trai về nhà, trằn trọc không biết nên làm gì để giúp đỡ các em. Thấy bọn trẻ thích múa lân, Nam mới nảy ra ý tưởng lập nhóm để chúng chơi chung, dùng lân làm cầu nối để các em trở về cuộc sống bình thường, lương thiện.
Hơn hết, múa lân cũng là trò chơi, môn nghệ thuật nổi tiếng ở quận 5, quận 8, nên rất thích hợp để bọn trẻ theo đuổi. Phải mất đến 2 năm, Nam mới tiếp cận và tập hợp đám trẻ bụi đời lại.
Tháng 4/2010, đội lân được thành lập với 10 đứa trẻ đầu tiên dưới chân cầu ngày ấy. Anh Nam đặt tên là Long Nhi Đường, ngụ ý là những con rồng nhỏ đang bay lượn trên bầu trời.
Thời gian đầu, đội lân được ở nhờ trong đình Vĩnh Hội. Sau đó, thấy các em đáng thương, UBND phường đã cho mượn căn nhà trên đường Lương Ngọc Quyến.
Nói là đội lân, ấy mà chẳng có ai là biết múa chuyên nghiệp cả. Cả đám thời điểm đó không có tiền, kể cả Nam cũng chỉ làm công việc ba cọc ba đồng nên không có điều kiện đi học múa lân.
Bọn trẻ thỉnh thoảng đến sân tập của các đội lân khác, đứng bên ngoài nhìn vào để học "lỏm" chiêu thức. Thấy vậy, Nam tìm đến một đội lân sư rồng khác để học múa, rồi về chỉ dạy cho các thành viên.
Có được kỹ năng, Long Nhi Đường nhanh chóng gây được sự chú ý từ những người xung quanh. Một người phụ nữ ngỏ ý mời đội đến biểu diễn tại cửa hàng, sau đó trả thù lao 50.000 đồng. Số tiền đó là tiền thù lao đầu tiên mà đội lân nhận được. Dù chỉ đủ mua 10 chiếc bánh bao, cả đội vẫn nhìn nhau cười khúc khích.
"Nghĩ lại cũng thấy chạnh lòng, nhưng vui lắm, giống như làm được chuyện gì lớn lao vậy. May mắn chủ tiệm bánh bao thấy thương, tặng cho 2 cái nữa nên chúng tôi cũng thấy ấm lòng", Nam kể.
Tiếng lành đồn xa, nhóm nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn. Hễ tới dịp trung thu, năm mới hay lễ khánh thành, khai trương, đội lân đều đi múa kiếm tiền.
Từ 10 đứa trẻ ban đầu, đội có thêm một vài thành viên. Con số cứ tăng dần, khi những đứa trẻ bụi đời khác cũng xin nhập hội vì thấy vui. Thậm chí, những đứa trẻ con nhà khá giả cũng xin gia đình cho vào đội lân. Trong đó, anh Nam nhớ nhất là 2 đứa trẻ nhập đội như "từ trên trời rơi xuống".
"Giữa năm 2017, đội lân đang tập thì có một người phụ nữ đến nhờ trông giúp 2 đứa trẻ. Nhưng đến tối muộn vẫn không thấy người đó quay lại, chúng tôi đưa 2 em về và đợi mẹ đến đón nhưng không thấy đâu. Cả đội cũng ngầm hiểu nên giữ lại, chăm sóc các em", chàng trai 29 tuổi nhớ lại.
Vừa đạt giải tư cuộc thi Lân Sư Rồng toàn quốc tại Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Lê Chí Phát (19 tuổi) vẫn chăm chỉ tập luyện cho cuộc thi vào tháng 2 sắp tới. Phát cho biết, bản thân thích nhất vị trí múa đuôi lân trên mai hoa thung. Ban ngày là công nhân nhà máy bao bì, tối đến Phát lại trở về mái ấm với anh em.
Năm 2014, Phát gia nhập đội với tâm thế là "em út". Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, Phát lớn lên bằng tình thương của bà ngoại. Thời điểm đó, Phát đi ngang cầu Chà Và thấy đám trẻ tập múa lân vui quá nên rón rén xin gia nhập.
"Từ ngày vào đội, em bớt đi chơi hơn, tránh được nhiều tệ nạn xã hội lắm. Vào đây thì được anh Nam chăm sóc, các bạn trong đội giúp đỡ tận tình như gia đình vậy. Trong đây ai em cũng thân hết, vì chúng em có cùng hoàn cảnh nên rất thấu hiểu nhau", Phát cười.
Một tiếng trống, một tương lai mới
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không khá giả, Nam là con thứ 3 trong gia đình có 5 người con. Từ năm 11 tuổi, Nam đã phải nghỉ học để bươn chải khắp nơi, cố lắm mới kiếm được 5.000 đồng/ngày để mua thức ăn cho gia đình.
Bản thân Nam khi còn nhỏ cũng tự ý thức được hoàn cảnh, chủ động đến xin cơm của nhà tình thương, ăn đồ hết hạn để chừa đồ ngon cho các em.
Nam thử hết mọi loại công việc, từ nhặt bọc nilon đến bán vé số, rồi trở thành công nhân ở nhà máy bao bì. Thời điểm gặp bọn trẻ, Nam chỉ mới 16 tuổi. Cái tuổi đáng lẽ được ngồi ở ghế nhà trường, Nam chọn làm "ba" đỡ đầu cho những đứa trẻ bất hạnh hơn mình.
Nam thấu hiểu cách người đời nhìn đứa trẻ "không nhà" như thế nào. Vậy nên, anh luôn căn dặn bọn trẻ phải biết cách sống mới thay đổi được số phận. Lối sống đường phố sỗ sàng, văng tục, Nam dạy bọn trẻ phải bỏ ngay.
"Thời điểm đầu, các em còn to tiếng lắm. Đi đến đâu người ta cũng nhìn bằng ánh mắt dị nghị, xem Long Nhi Đường là nơi tập hợp của đám trẻ hư nên cứ thấy là xua đuổi, thả chó, tắt đèn luôn. Đầu tiên tôi cấm bọn trẻ chửi tục, nếu ai nói bậy sẽ phải đóng phạt 1.000 đồng, từ đó chúng sợ và ngoan ngoãn hơn", Nam bộc bạch.
Trong sinh hoạt thường ngày, Nam dạy cách em tự lập, làm mọi thứ bằng chính sức mình. Chàng trai cho biết, dạy một đứa trẻ đã khó, một người chưa từng lập gia đình như Nam dạy hàng chục, hàng trăm đứa trẻ còn khó hơn.
"Tôi nói với bọn nhỏ không thương đứa nào hết, để chúng không tị nạnh nhau. Sống tập thể, một đứa làm sai là tôi phạt cả nhóm luôn. Từ đó các em mới biết cách thương yêu, chỉ dạy lẫn nhau nên người, xem nhau như anh em ruột thịt trong nhà", chàng trai tâm sự.
Rèn được thói quen tốt, Nam nghĩ tới chuyện cho bọn trẻ đến trường. Một chữ bẻ đôi không biết, Nam tìm cách cho chúng đi học bổ túc, em nào khá hơn thì đi học chính quy. Học phí do Nam cùng với những thành viên đi trước trong đội xoay sở, góp nhặt để lo cho các em.
Thỉnh thoảng, cả đội thường tổ chức đi chơi xa, mục đích chính là đi giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn.
"Khi các em giúp đỡ người khác, chúng sẽ cảm giác bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người. Từ đó, biết cách chia sẻ, yêu thương người khác và trở nên tự tin, sống có ích hơn", chàng trai nói.
Thời điểm dịch Covid-19, đội không đi biểu diễn, thu nhập không có nên rất bấp bênh. Sau nhiều lần đổi chỗ do hết tiền thuê cơ sở luyện tập, Long Nhi Rồng được một nhà hảo tâm cho mượn nhà để ở. Anh Nam cũng nảy ra ý tưởng mượn mặt bằng nhà để bán gạo, kiếm thêm thu nhập trang trải cho cả nhóm.
Tính từ năm 2010 đến nay, anh Nam đã cưu mang hơn 200 đứa trẻ. Các em đến rồi đi, từ những đứa trẻ bụi đời, ra đi khi đã trưởng thành và có công việc ổn định. Có những thành viên nay đã lập gia đình, định cư ở Australia quay về hỏi thăm và giúp đỡ thế hệ sau này. Cứ dịp Trung Thu, Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán, anh Nam đều tổ chức tiệc cho cả nhóm vui chơi, tặng quà lẫn nhau.
Hiện tại, đội có khoảng 40 thành viên. Trong đó có hơn 20 em sống và sinh hoạt ở khu nhà tập thể do một mạnh thường quân cho mượn. Bản thân Nam không kêu gọi quyên góp, dù có thời điểm đội không một xu dính túi.
"Tôi tin các em có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Nếu cứ luôn sống nhờ vào tiền của người khác, các em sẽ ỷ lại và lười biếng. Ngoài múa lân, các em còn tự đi làm thêm bên ngoài nuôi sống bản thân, dù có làm công việc gì thì đó cũng là thành công của các em", Nam nói.
Nhắc đến chuyện lập gia đình riêng, "ba" Nam cười rồi lắc đầu. Theo Nam, anh đã có những đứa con cho mình. Dù thời gian qua có vất vả, đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng hễ thấy nụ cười của bọn trẻ trên môi, anh càng có thêm động lực dõi theo chúng lớn lên.
Nội dung: Nguyễn Vy
Ảnh: Quang Ninh, Nhân vật cung cấp.