Chàng trai bị gấu cắn cụt 2 chân chơi bóng cực đỉnh, bơi như vận động viên
(Dân trí) - Câu chuyện về chàng trai 19 tuổi ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) cụt 2 chân do bị gấu cắn nhưng kiên trì rèn luyện để trở thành vận động viên bơi lội, đá bóng như cầu thủ chạm đến trái tim nhiều người.
Đứa trẻ được chọn và ngã rẽ cuộc đời
Năm 2002, hai bé trai sinh đôi bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khi vừa lọt lòng. Vợ chồng bà Mai Thị Thư biết tin, đến xin nhận con nuôi. Ông bà đã chọn em bé nằm ở gần phía tay bà hơn vì điều kiện kinh tế không thể nuôi dưỡng được cả hai anh em.
Em bé được đặt tên Phạm Tuấn Hưng, là một bé trai kháu khỉnh, có đôi mắt to tròn. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, Hưng rất khôi ngô, nhanh nhẹn và ngoan ngoãn. Bà Thư vẫn lưu giữ những bức ảnh chụp Hưng thuở bé cẩn thận nhưng không muốn cho con trai xem lại vì sợ làm con buồn khi phải nhớ lại tai nạn khủng khiếp vào năm 2004 đã đưa cuộc đời em rẽ sang hướng khác.
Mùa đông năm 2004, Hưng cùng mẹ đến ở trông nhà hộ bác ở khu du lịch Trà Cổ. Trong lúc chạy theo một con chó, Hưng không may trượt chân, rơi vào gần khu vực chuồng nuôi gấu. Hưng bị gấu cào cắn nát 2 chân, khóc thét lên, bà Thư phát hiện, tuyệt vọng cầu cứu 2 người đi đường. Sau một hồi giằng co, 2 người cứu được cậu bé 2 tuổi thoát khỏi móng vuốt của con gấu đen hung dữ.
Với nỗ lực cứu chữa của gia đình, y bác sĩ, sau một thời gian điều trị, cậu bé hồi phục tốt nhưng vĩnh viễn mất đi đôi chân. Kể từ đây, em phải bắt đầu làm quen với cơ thể không còn lành lặn.
Không có chân để đi, Hưng học cách dùng đôi tay di chuyển. Ở nhà, Hưng tập leo cầu thang, đi từ nhà xuống bếp bằng ghế nhựa. Dần dần em quen với việc di chuyển, rồi tập nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa thuần thục như mọi người. Cuối năm học lớp 5, mẹ con Hưng đến Hải Phòng để lắp chân giả nhưng sau đó phải bỏ vì đôi chân quá nặng, em không thể điều khiển được.
Trong những năm đi học từ mẫu giáo đến hết cấp 2, Hưng được mẹ và chị gái đưa đi, đón về, lên cấp 3 thì được cậu bạn gần nhà chở đến trường. Sau khi bố mẹ ly hôn, Hưng và chị gái ở với mẹ. Hiện tại, chị gái đã đi lấy chồng, mẹ đi làm xa nên Hưng ở nhà một mình.
HLV Park Hang Seo động viên chàng trai nuôi đam mê bóng đá
Nghịch cảnh giúp sớm tự lập, nỗ lực và suy nghĩ tích cực hơn, khả năng sinh tồn, thích nghi với hoàn cảnh mạnh mẽ. Cậu thanh niên 19 tuổi được mọi người yêu quý không chỉ bởi sống hòa đồng, hiền lành, luôn vươn lên mà còn khả năng chơi bóng và bơi lội cực đỉnh.
Hưng kể, năm học lớp 3, mỗi lần ra sân xem các bạn đá bóng, em rất thích và được nhập đội, làm thủ môn. Dần dần, Hưng chuyển sang chơi ở các vị trí khác, ban đầu được các bạn cho đặc quyền dùng tay chuyền bóng nhưng sau đó phải tập chơi bóng với phần đùi còn lại mới được chơi tiếp. Ở nhà hàng ngày, Hưng thường tập luyện bằng cách sút bóng vào tường rồi lại tự đỡ bóng để rèn phản xạ.
Nhìn Hưng di chuyển thoăn thoắt bằng đôi tay, dắt bóng trên sân bằng đoạn đầu đùi phải còn lại, đẩy người sút bóng vào khung thành, mọi người không khỏi trầm trồ thán phục về kỹ năng chơi bóng của em.
Hưng cho biết, đá bóng với nhiều người như vậy nhưng em chưa từng bị chấn thương nặng như gãy xương, trật khớp… Lần bị thương nặng nhất là lúc chơi trên sân bê tông, do phần đùi còn lại cọ xát xuống nền, sưng tấy, nhiễm trùng nặng, phải đến bệnh viện điều trị.
Niềm đam mê với bóng đá chưa bao giờ vơi trong người chàng trai 19 tuổi dù cuộc sống đầy thách thức. Hưng bày tỏ, chỉ khi chơi bóng Hưng mới được là chính mình và quên hết mọi ưu phiền.
Kênh Tiktok và Facebook của Hưng có hàng trăm nghìn người theo dõi, những clip quay lại cảnh Hưng chơi bóng với bạn bè đã truyền cảm hứng tích cực tới nhiều người. Em đã được gặp nhiều cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển bóng đá Việt Nam và được chính HLV Park Hang Seo gửi lời nhắn nhủ, động viên nuôi dưỡng đam mê chơi bóng.
Cậu con trai "một mẩu" giành huy chương giải bơi đầu tiên
Không chỉ chơi bóng hay, Hưng còn là một vận động viên bơi lội của đội tuyển bơi lội người khuyết tật TPHCM. Hưng kể lại cơ duyên đến với đường đua xanh bắt đầu từ những lần trốn bố mẹ theo bạn bè ra sông gần nhà tập bơi mỗi khi hè về. Bạn bè bơi ra xa bờ còn em tập vẫy vùng ở chỗ nước nông. Em dần làm quen cách nổi trên mặt nước, giữ hơi khi lặn.
Mẹ Hưng biết chuyện, lo sợ cậu con trai "một mẩu" không may chết đuối nên đã nhiều lần phóng xe ra sông bắt lên bờ, về nhà. Nhưng dần dần, em biết bơi và mẹ không còn cấm cản như trước nữa. Sau lần gặp gỡ cựu cầu thủ Đặng Phương Nam, Hưng được danh thủ này giới thiệu tới HLV Nguyễn Đăng Viễn của đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam.
Thầy Viễn dạy Hưng cách thở, cách bơi chuẩn, tư thế bơi nhanh. Sau 3 tuần tập luyện, em đã bơi được cự ly 600m. Tháng 11/2020, Hưng đã giành Huy chương Đồng thể thức bơi tự do cự ly 100m trong Giải bơi lội quốc gia dành cho vận động viên khuyết tật. Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên em chưa thể vào TPHCM tham gia đợt huấn luyện cùng đội tuyển.
Nói về những định hướng công việc trong tương lai, Hưng cho biết, em đang ấp ủ dự định theo học khóa đào tạo về thiết kế đồ họa tại một trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Đây là công việc mà em yêu thích và phù hợp với sức khỏe của bản thân. Em muốn học để có công việc tạo ra thu nhập ổn định, giúp mẹ Thư vơi bớt gánh nặng trong cuộc sống.