Cậu bé có cả chục người bố "quân hàm xanh"
(Dân trí) - "Bố !"- Mạnh gọi các cán bộ tại Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Nậm Na. Cậu bé có cả chục ông bố tại đây.
Cứ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, Nông Tiến Mạnh, học sinh lớp 4A4, trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Đắk Wil (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được các cán bộ Tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Nậm Na đưa đón đi học.
Hai năm nay, Mạnh trở thành một thành viên trong gia đình của những người lính "quân hàm xanh". Trụ sở của Tổ công tác địa bàn trở thành mái nhà, nơi giúp em yên tâm đến trường.
"Bố !"- Mạnh gọi các cán bộ tại Tổ công tác địa bàn một cách thân thương. Cách xưng hô của cậu bé tự nhiên, vừa là tình cảm vừa thể hiện biết ơn của cậu bé dành cho những người đã cưu mang mình.
"Nhà cháu không có đất sản xuất, bố bị bệnh nặng, mẹ cháu bị mù một bên mắt, phải đi làm nuôi 5 người. Năm 2021, Đồn Biên phòng Nậm Na đã xin phép bố mẹ để đưa cháu về đây. Không chỉ được ăn đủ bữa, được đưa đón đi học, cháu còn được bố dạy học và cho đi chơi nhiều nơi", Mạnh nói.
Ngay từ những ngày đầu Mạnh được chuyển về ở cùng cán bộ Tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Nậm Na đã phân công người trực tiếp theo dõi, nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ cháu. Mục tiêu trước mắt là nhận nuôi cháu Mạnh đến học xong lớp 12. Chính vì thế ngoài giờ lên lớp và sau thời gian làm bài tập, Mạnh còn được các cán bộ đơn vị chỉ bảo một số công việc phù hợp với lứa tuổi.
Trung úy Cao Đức Cảnh, cán bộ Tổ công tác địa bàn Đồn biên phòng Nậm Na cho biết: "Cán bộ, chiến sĩ đơn vị xác định lo cho con từ bữa ăn, giấc ngủ, buổi tối lại cùng ôn bài, kèm cặp giúp con trên hành trình tìm chữ".
Cũng theo Trung úy Cao Đức Cảnh, những ngày đầu khi mới về ở cùng Tổ Công tác địa bàn, Mạnh nhớ nhà, bỡ ngỡ và ngại tiếp xúc. Thế nhưng chỉ sau một thời gian gần gũi, Mạnh đã cởi mở, hòa nhập với cuộc sống của những chiến sĩ biên phòng.
"Khi được nhận về nuôi, các cháu được quan tâm chăm sóc như những đứa con của gia đình. Những người lính đã trở thành người cha, người chú, người anh, cùng nhau sống và sinh hoạt trong không khí ấm áp nghĩa tình. Sau khi học xong THCS, vào THPT, các cháu sẽ chuyển qua Chương trình "Nâng bước em đến trường" để tiếp tục được hỗ trợ học tập", Trung úy Cao Đức Cảnh nói.
Anh Nông Văn Vững (bố của Mạnh) phấn khởi: "Ở với các chú bộ đội, cháu Mạnh ra dáng hơn lúc ở nhà nhiều rồi. Ai cũng bảo con tôi chững chạc hẳn. Cháu lễ phép, góc học hành ngăn nắp, gọn gàng, nơi ngủ nghỉ sạch sẽ".
Đại tá Bùi Đức Chính, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, cho biết qua thực tế công tác tại các địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng bắt gặp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em của họ đứng trước nguy cơ không thể được đến trường nên đã đề xuất thực hiện chương trình này để giúp đỡ các cháu.
Triển khai chương trình "Con nuôi Đồn Biên phòng", đến nay đã có 4 Đồn Biên phòng đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các Đồn Biên phòng thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", nhận đỡ đầu 62 học sinh, với số tiền 500.000 đồng/tháng/học sinh; trong đó có 12 học sinh Campuchia.
"Tại tỉnh Đắk Nông, qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 100 cháu sẽ được hỗ trợ tới trường. Kinh phí để hỗ trợ các em học sinh, ngoài nguồn từ đề án, cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ đóng góp thêm để việc giúp đỡ được liên tục. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, nhân văn, đã góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới", Đại tá Bùi Đức Chính, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông.