Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
(Dân trí) - Trợ cấp thất nghiệp là chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng khi mất việc. Do đó, điều kiện đầu tiên để hưởng trợ cấp thất nghiệp là có đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trợ cấp thất nghiệp là 1 trong 4 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng khi nghỉ việc.
Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 41 Luật Việc làm. Theo đó, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, chỉ có người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều 43 Luật Việc làm quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Hợp đồng đó có thể là không xác định thời hạn, xác định thời hạn hoặc hợp đồng theo mùa vụ, theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Như vậy, chỉ có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mới tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức, cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Khái niệm công chức được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức, được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức.
Theo đó, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tại Khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức quy định, cán bộ xã, phường, thị trấn là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, cán bộ, công chức đều là người trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nên không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Do họ không tham gia bảo hiểm thất nghiệp nên khi nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khái niệm viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức. Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Vì làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc nên họ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, khi nghỉ việc và đạt đủ điều kiện thì viên chức sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.