Trợ cấp thất nghiệp 2,5 triệu đồng không đủ sống, đề nghị nâng mức hưởng

Hoa Lê

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp vì mức 60% trên nền lương tối thiểu vùng hiện tại là quá thấp.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp theo lương tối thiểu vùng

Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi sáng 27/11, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững; xu hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với hội nhập quốc tế…

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang băn khoăn trong trường hợp nếu người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc trái pháp luật thì hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Khi gặp trường hợp trên, họ vẫn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ việc này có thể kéo dài vài năm.

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ trong thời gian này, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?

Trợ cấp thất nghiệp 2,5 triệu đồng không đủ sống, đề nghị nâng mức hưởng - 1

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Ảnh: QH).

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Bình Phước cho biết, hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Theo bà Sang, mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho người lao động, chứ chưa kể đến việc lo chi phí cho gia đình.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, người lao động cứ đóng đủ 12 tháng thì hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Về vấn đề này, bà Sang đề nghị nghiên cứu bỏ quy định "nhưng tối đa không quá 12 tháng" để đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng đến đâu hưởng đến đó, không giới hạn.

Bổ sung trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) bày tỏ ủng hộ với sự cần thiết của dự thảo Luật.

Quan tâm về nội dung đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp.

Trợ cấp thất nghiệp 2,5 triệu đồng không đủ sống, đề nghị nâng mức hưởng - 2

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Ảnh: QH).

Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.

Đồng thời, bà Trân đề nghị cần có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

"Từ đó cho thấy rằng việc đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động", đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã trốn đóng kèm lãi suất tương ứng. 

Song, dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh.

Điều này nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp, hướng tới một môi trường lao động công bằng và bền vững.