1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cách tính lương hưu khi bỏ lương cơ sở

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Từ ngày 1/7/2024, cả nước thực hiện cải cách tiền lương và mức lương cơ sở được bãi bỏ. Công thức tính lương hưu hiện không có lương cơ sở nhưng đây là yếu tố cấu thành lương đóng BHXH khu vực công.

Cách tính lương hưu khi bỏ lương cơ sở - 1

Lương hưu sẽ có sự điều chỉnh từ ngày 1/7/2024 (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Theo quy định hiện hành, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đủ 20 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu được nghỉ hưởng lương hưu hằng tháng.

Hiện nay, mức hưởng lương hưu dành cho người tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Điều 56 Luật BHXH năm 2014.

Theo đó, lương hưu hằng tháng của người lao động nghỉ hưu bằng tỷ lệ hưởng nhân với mức bình quân tiền lương tháng tham gia BHXH.

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam, 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH sẽ được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được quy định tại Điều 62 luật BHXH năm 2014, có 3 cách tính áp dụng cho 3 nhóm khác nhau.

Thứ nhất là nhóm người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm này được tính theo thời điểm tham gia BHXH.

Cách tính lương hưu khi bỏ lương cơ sở - 2

Thứ hai là nhóm người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm này được tính toàn bộ thời gian tham gia BHXH.

Thứ ba là nhóm người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Như vậy, công thức tính lương hưu hiện nay không liên quan đến lương cơ sở nên khi bãi bỏ lương cơ sở không ảnh hưởng gì đến cách tính lương hưu.

Tuy nhiên, khi cải cách triệt để chế độ tiền lương từ ngày 1/7/2024, lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do ngân sách chi trả sẽ không dựa trên chế độ hệ số nhân với lương cơ sở mà tính toán theo vị trí việc làm, đảm bảo cao hơn mức lương cơ bản hiện nay.

Khi đó, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động có chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sau ngày 1/7/2024 sẽ tăng cao so với tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH trước ngày 1/7/2024.

Khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tăng cao thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm nghỉ hưu sau ngày 1/7/2024 chắc chắn sẽ cao hơn nhóm nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, dẫn đến lương hưu cao hơn.

Để đảm bảo công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đã nghiên cứu điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7.

Mức điều chỉnh sẽ được tính toán hợp lý để đảm bảo với mục tiêu đảm bảo hài hòa giữa người cùng chức vụ nghỉ hưu trước và sau 1/7/2024. Đặc biệt, những người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.