Bộ trưởng LĐ-TB&XH "thúc" xây dựng 3 nghị định gắn với cải cách tiền lương
(Dân trí) - Tới 1/7, thời gian rất gấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu hoàn thành 3 nghị định liên quan đến tiền lương tối thiểu vùng, lương hưu, việc chi trả chế độ cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị giao ban công tác tháng 6/2024, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đốc thúc cán bộ ngành LĐ-TB&XH tập trung cao độ trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước hết, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần chú trọng cho công tác xây dựng thể chế, lấy đó làm kết quả để đánh giá xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong đơn vị.
"Đến ngày 30/12, các đơn vị không hoàn thành công tác xây dựng thể chế thì người đứng đầu và đơn vị đều không hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quán triệt.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần rà soát lại toàn bộ kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chỉ đạo của cấp trên liên quan đến nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH lưu ý vấn đề quản lý, cấp 3 loại giấy phép là giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, giấy phép liên quan đến an toàn lao động và các loại cấp phép của đơn vị quản lý nhà nước. Ông nhấn mạnh, việc cấp phép phải đảm bảo công khai minh bạch thông qua bộ phận một cửa.
Một điểm khác Bộ trưởng lưu ý, thời gian từ nay đến ngày 1/7 (thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu vùng) còn không nhiều. Vị lãnh đạo ngành sốt ruột với việc xây dựng 3 nghị định về tiền lương tối thiểu vùng, lương hưu, hướng dẫn chi trả chế đối với cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.
Gắn với việc cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây, lãnh đạo Bộ nêu quan điểm bảo vệ tối đa các chính sách liên quan để đảm bảo quyền lợi của các đối tượng chịu tác động.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu toàn ngành cần tập trung chuẩn bị, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Ông nêu nhiệm vụ trọng tâm, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành toàn bộ những trường hợp trưng cầu giám định ADN danh tính hài cốt liệt sĩ. Thêm vào đó, cơ quan quản lý phải xây dựng phương án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để thân nhân liệt sĩ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sỹ còn hài cốt, hướng tới hình thành ngân hàng ADN. Tinh thần được xác định là "làm một lần để cho các thế hệ sau".
Về vấn đề phân cấp, phân quyền và phối hợp công tác, Bộ trưởng nhắc nhở, các đơn vị, thủ trưởng đơn vị cần tăng cường quan hệ công tác, trao đổi, chia sẻ, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao, tất cả vì công việc và nhiệm vụ chung của Bộ, ngành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhắc nhở "cần bỏ suy nghĩ của anh - của tôi". Mỗi cá nhân đều có quan điểm riêng trong công việc nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh, phải biết chia sẻ, phối hợp với nhau trong thực hiện, triển khai nhiệm vụ chung được giao phó.
Để giải quyết một số công việc tồn đọng, trước ngày 10/7, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chủ trì, tổ chức các cuộc họp với các Thứ trưởng cũng như đơn vị liên quan, tìm hướng tháo gỡ các khó khăn và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Bộ LĐ-TB&XH đã bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Từ đó, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất các các đối tượng, người dân.
6 tháng đầu năm, toàn ngành đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em.